BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người và việc

Lòng tốt chẳng luận giàu nghèo 

Cập nhật ngày: 14/08/2017 - 12:16

BTN - Người ấy là anh Võ Văn Tèo, năm nay 45 tuổi, ngụ ở ấp Thuận Tâm, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, hiện kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo, làm thuê, làm mướn.

Anh Tèo và tấm bằng khen của UBND tỉnh.

Thuở nhỏ, anh Tèo sống trong một gia đình nghèo khó ở Lợi Thuận. Nhà có 3 anh chị em, Tèo là con út. Cha mất sớm, gia cảnh nghèo khó nên Tèo không được học hành bao nhiêu, vừa hết lớp năm (lớp 1 bây giờ) trường làng thì mẹ lâm bệnh nặng rồi qua đời, thế là cậu bé nhà nghèo không còn điều kiện để tiếp tục đến trường. 3 anh chị em mồ côi cha mẹ được bà con họ hàng cưu mang, nuôi dưỡng.

Riêng phần Tèo sống cùng người dì ruột. Hằng ngày, ngoài phụ giúp việc nhà cho dì, Tèo còn đi coi trâu, coi bò mướn cho bà con xóm ấp. Khi đến tuổi trưởng thành, Tèo lập gia đình cùng chị Trần Thị Ðèo, quê ở xã Long Thuận. Ðôi vợ chồng nghèo ra riêng và sống bằng nghề làm thuê, làm mướn tại ấp Ngã Tắc, xã Long Thuận từ năm 1990.

Cuộc sống nghèo khó cứ đeo mang mãi. Năm 1994, khi con gái của anh Tèo mới lên 3, vợ chồng anh chấp nhận chia tay nhau. Chị Ðèo ở lại trong căn nhà nhỏ để nuôi con, còn anh Tèo thì sống vật vờ, bờ bụi ở những nơi có vựa ve chai. Hằng ngày, anh chân đất lặn lội khắp nơi mua các thứ sắt vụn, nhôm thau, mủ bể… đem về bán kiếm tiền sinh sống, tối về lại tá túc ngay tại vựa ve chai.

Sau hơn 5 năm làm lụng mà cũng không khấm khá lên nổi, anh Tèo trở về quê cũ ở ấp Thuận Tâm, xã Lợi Thuận cất một căn chòi để ở. Sau, Hội Chữ thập đỏ địa phương có cất tặng cho anh một căn nhà lợp tôn, vách đất làm nơi trú ngụ cho đến bây giờ. Ðể kiếm sống, anh Tèo không e ngại việc gì: bán vé số dạo, làm phụ hồ, bưng bê cho các quán tiệm, bốc vác thuê… nơi nào cần người là anh có mặt.

Cuộc sống riêng chật vật, vất vả, mặc dù vậy, anh Tèo vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương bằng những việc phù hợp khả năng mình như: phát quang cây cối, đắp sửa các tuyến đường trong ngõ hẻm xóm ấp. Anh cũng tham gia công việc của đội mai táng, bất kể nắng mưa, ngày đêm, khi trong xóm làng có người qua đời, anh Tèo lại cùng với các anh em khác trong đội sẵn sàng có mặt để trợ giúp việc tẩn liệm, chôn cất người quá cố; tất cả đều là phục vụ miễn phí.

Cả cái việc trầm mình xuống nước để vớt xác chết trôi trên sông rạch; đôi khi gặp phải xác chết đã bị phân huỷ, bốc mùi hôi thối anh cũng không ngần ngại. Tính ra, từ trước đến nay, anh Tèo đã vớt khá nhiều thi thể trôi trên sông như thế.

Gần 20 năm làm công việc của một thành viên đội mai táng, anh Tèo đã từng chứng kiến nhiều cảnh chết chóc tang thương. Nhìn lại cuộc đời mình cũng đã trải qua biết bao tai ương, bất hạnh, anh Tèo thấy đồng cảm với những người nghèo khó, bệnh tật, thấu hiểu nỗi niềm của những người phải sống trong cảnh ngộ khó khăn, vất vả. Chính vì thế, khi địa phương phát động phong trào hiến máu nhân đạo, anh đã hăng hái tham gia.

Năm 2005, lần đầu tiên hiến máu nhân đạo, về nhà, anh Tèo cảm thấy sức khoẻ mình vẫn bình thường nên cũng yên tâm. Nhiều lần sau đó, khi địa phương phát động phong trào hiến máu tình nguyện để cứu người, anh lại tiếp tục tham gia.

Nói về việc làm của mình, anh Tèo chia sẻ cảm nghĩ: “Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp, khi thực hiện điều đó, tôi cảm thấy trong lòng thoải mái. Tôi sẽ tiếp tục tham gia hiến máu nhân đạo trong thời gian tới”.

Anh Tèo đã được trao tặng nhiều giấy khen của UBND huyện, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và cả bằng khen của UBND tỉnh. Hiện tại, ngày ngày anh vẫn cần cù làm lụng và cố gắng dành dụm tiền để có thể sửa chữa lại căn nhà vách đất đang sắp sập của mình.

THUỲ DUNG