Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chung quanh ta ở đâu cũng gặp những tấm lòng tốt, những việc tử tế của đủ mọi lớp người trong xã hội. Từ cụ Phạm Thị Màng, 93 tuổi, ở phường IV vẫn cặm cụi may mền suốt 40 năm để đem tặng người nghèo; đến cô giáo Xuân ở phường 3 mở lớp học cho những trẻ em nghèo, hoặc do tàn tật mà thất học...
Phát cơm từ thiện ở Bệnh viện Y học cổ truyền.
Có mặt tại Bệnh viện Y học cổ truyền Tây Ninh vào buổi sáng một ngày đầu tháng 7.2018. Cổng bệnh viện lúc nào cũng thênh thang mở rộng cho người đến khám và chữa bệnh. Xe hơi, xe máy được chạy vào bên trong, đến tận cửa các phòng khám hay cấp cứu.
Cơ ngơi bệnh viện giờ cũng đã thật sự khang trang. Ðường bê tông lượn vòng quanh các khối nhà lớn sạch tinh tươm màu ngói đỏ, màu mát xanh những ô cửa và tường.
Một chiếc xe máy chở thùng hàng lớn chạy phăm phăm vào cổng và rẽ sang mé phòng cấp cứu. Chữ sơn đỏ trên thùng i-nox: cơm từ thiện. Ở sảnh vào nhà, đã thấy các cô y tá, hộ lý đẩy xe ra đón. Cơm và món ăn được dỡ ở thùng ra, sờ tay còn hôi hổi nóng. Từng bịch cơm, canh được xếp đầy trên khay i-nox những chiếc xe đẩy tay.
Hỏi, cơm từ đâu đến? Anh chạy xe nhoẻn cười, trả lời gọn lỏn: - Cơm của Ngô phủ từ. Sáng 10 giờ, chiều 4 giờ rưỡi. Ngày nào như ngày ấy đúng boong. Hỏi tiếp: - Hôm nay có bao nhiêu phần ăn? - 140. Cả sáng và chiều là 280 suất.
Còn chưa kịp hỏi địa chỉ Ngô phủ từ thì anh chạy xe đã xong việc, lên xe phóng thẳng. Chỉ còn lại một anh trung niên và hai cô hộ lý. Họ đẩy xe vào dọc lối hành lang, theo thang máy lên lầu. Bám theo, biết anh thanh niên ấy tên Trịnh Văn Tấn, cũng là một người đến chăm nuôi người bệnh. Anh nhận luôn công việc tiếp nhận cơm từ thiện, rồi cùng nhân viên bệnh viện đi phát cơm canh tới tận từng phòng.
Tại các phòng bệnh trên lầu 1, hành lang giữa sạch bong với sàn gạch men sáng bóng. Các phòng đều sáng sủa, ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ ùa vào. Gương mặt từng bệnh nhân cũng tươi tắn hơn nhiều cái thời bệnh viện còn nằm trong khu Toà thánh.
Bì sao được, một đằng là nhà mới xây theo quy hoạch và thiết kế hiện đại; còn nơi cũ chỉ là những dãy nhà ngói xưa tận dụng lại. Không gian mới, con người cũng được tươi mới hơn. Và giờ đây là niềm vui đón nhận những phần cơm miễn phí, mang tới tận từng phòng.
Cũng bình dị thôi. Mỗi phần chỉ là một bịch cơm và hai bịch thức ăn. Ðều là món chay nhưng sạch và có lẽ rất ngon. Sờ tay vào bịch nào cũng thấy nóng và toả một mùi thơm ấm áp. Anh Tấn mau mắn lắm! Anh đã thuộc lòng mỗi phòng có bao nhiêu suất nên tới đâu anh xếp cơm canh vào từng chiếc rổ nhựa của từng phòng.
Vừa giao nhận cơm, bệnh nhân vừa chào hỏi râm ran. Gương mặt nào cũng tươi tắn, dù họ chưa phải là người khoẻ mạnh. Một chị hộ lý cho biết: - Ngô phủ từ là nơi cấp cơm từ thiện cho bệnh viện đã gần 6 năm nay.
Tất cả các ngày, trừ mỗi một chủ nhật. Cũng không lo gì mấy! Vì chủ nhật lại có các nhóm từ thiện khác đem cơm cháo đến cho bệnh nhân. Nhiều hôm có cả những món mặn và đặc biệt hơn cho bệnh nhân sau mỗi một tuần chay.
Thực ra, cơm chay không có nghĩa là không đủ chất, bởi đa số bệnh nhân còn được người nhà nấu cho những món theo sở thích. Chỉ là có thêm những bữa ăn chủ nhật của các nhóm khác sẽ làm cho đời sống bệnh nhân phong phú hơn, vui vẻ hơn thôi! Chị hộ lý đã có lời giải thích. Và cũng là dịp cho các nhóm từ thiện khác được cho đi.
Vâng, sự cho đi ấy cũng không phải là độc quyền của riêng ai. Qua đó để thấy trong đời sống xã hội Tây Ninh không thiếu gì lòng tốt. Các bệnh viện như Ða khoa tỉnh, Bệnh viện Lao và bệnh phổi đều có các bếp cơm từ thiện từ rất lâu rồi. Viện chủ hệ thống các chùa núi Bà, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Ða khoa đã xây hẳn một bếp ăn của chùa ngay trong bệnh viện.
Giáo hội Phật giáo tỉnh lại có bếp chuyên lo cơm canh cho bệnh nhân ở Bệnh viện Lao và bệnh phổi. Bên cạnh đó là phòng khám và cho thuốc theo y học cổ truyền. Chùa Cẩm Phong từ 15 năm nay đã chăm cho hàng trăm cụ già và trẻ em có hoàn cảnh cô đơn hay nghèo khó. Các chùa núi Bà còn xây trường học, tặng nhiều nhà tình thương, tình nghĩa.
Một cá nhân như bác Năm Nghĩa ở Hoà Thành cũng xây hẳn một trường mẫu giáo tặng cho huyện Hoà Thành... Chung quanh ta ở đâu cũng gặp những tấm lòng tốt, những việc tử tế của đủ mọi lớp người trong xã hội.
Từ cụ Phạm Thị Màng, 93 tuổi, ở phường IV vẫn cặm cụi may mền suốt 40 năm để đem tặng người nghèo; đến cô giáo Xuân ở phường 3 mở lớp học cho những trẻ em nghèo, hoặc do tàn tật mà thất học...
Ðấy là chưa kể đến các chương trình xoá đói giảm nghèo của hàng trăm tổ chức, hội đoàn chính trị xã hội khác. Lớn thì cả một ngôi trường. Nhỏ hơn là chiếc xe cấp cứu tặng cho những người có tâm cứu trợ và cứu nạn. Nhỏ nữa là những thùng nước trà đá miễn phí đặt ở nhiều phố phường của thành phố Tây Ninh. Người tốt rất nhiều, không kể hết.
Rồi cũng tìm được địa chỉ Ngô phủ từ, tại một con đường nhỏ qua ấp Long Thới, thuộc xã Long Thành Trung của huyện Hoà Thành. Ðấy là một nơi còn ít người biết tới. Bởi việc làm của bà con nơi này cứ âm thầm lặng lẽ diễn ra gần 6 năm qua.
Ngô phủ từ là ngôi đền thờ chung của họ Ngô trên đất Tây Ninh, theo tập quán lễ nghi của bà con có đạo Cao Ðài. Ông Ngô Ngọc Quang, cai quản ngôi phủ từ cho biết. Ðiều đặc biệt là phủ từ không thờ kiêng một vị họ Ngô nào mà toàn bộ các bậc tiền bối họ Ngô, đứng đầu là Ngô Quyền, người từng đánh tan quân Nam Hán năm 938 trên sông Bạch Ðằng nổi danh trong lịch sử nước nhà.
Có lẽ chính vì lý do ấy mà Ngô phủ từ có lối kiến trúc đẹp và khác biệt với các kiến trúc Cao Ðài khác. Sự khác biệt thể hiện ngay ở cổng tam quan với các cột trụ kiểu cổ xưa, chỉ có trên đất Bắc. Và trên hai tấm tường bình phong hai bên còn là lớp lớp hoạ tiết sóng xô gợi nhớ sóng Bạch Ðằng.
Buổi sớm một ngày đầu tuần, khu nhà phía sau của phủ từ đã rộn rã tiếng nói cười. Có đến hơn 10 người là các bà, các cô và một bác trai tuổi trung niên có mặt. Người đứng bếp nấu món ăn trong một chiếc chảo nhôm to; người băm, xắt rau.
Người đàn ông duy nhất phụ trách nấu cơm bằng chiếc nồi hơi inox. Cơm canh nấu xong, các bà các chị lại xỏ găng tay nylon, rồi san cơm và thức ăn thành từng bịch. Nóng ngút, thơm nồng. Người cao tuổi nhất là bà Út, nay đã 70. Người trẻ nhất là cô Thuý cũng tuổi 45.
Bữa ấy, bệnh viện báo về, bệnh nhân đã tăng, nên cần tới 160 suất. Họ góp công sức từ hơn 6 năm qua để làm nên bếp cơm từ thiện Ngô phủ từ. Cũng là 6 năm gắn bó với Bệnh viện Y dược cổ truyền. Ðằng sau bếp cơm này còn là tấm lòng của nhiều mạnh thường quân. Người cho gạo, các tiểu thương chợ cửa số 7 thì cho rau, củ, quả.
Người chủ trì của công việc nghĩa tình chính là hai người họ Ngô: Ngô Ngọc Quang, 72 tuổi, nguyên giáo viên của huyện Hoà Thành, hiện là cai quản ngôi phủ từ và Ngô Ngọc Giàu- tuổi trạc 45. Ðấy cũng là hai người nòng cốt để quy tụ người họ Ngô, lập nên ngôi nhà thờ họ. Bếp cơm từ thiện cũng có từ ấy đến nay, cùng với phủ từ.
Nhớ thời nhà sư Thích Ðịnh Tánh mới lập nhà nuôi trẻ mồ côi và các cụ già cô đơn, có người đã băn khoăn. Vì nếu chỉ dựa vào lòng tốt sẽ rất mong manh, không bền vững. Nhưng đến nay, những ai còn ý kiến ấy hãy yên tâm. Vì đã qua hàng chục năm, nhiều người tốt việc tốt ngày lại càng nhiều trong xã hội.
Lòng tốt có lẽ cũng như hoa ấy. Dẫu mong manh nhưng lại có sức sống mãnh liệt, sinh sôi mãi mãi.
Trần Vũ