Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Lòng yêu nước, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam
Thứ sáu: 19:37 ngày 23/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Biểu hiện cao nhất của lòng yêu nước là có ý thức rõ ràng, sâu sắc về nền độc lập dân tộc, coi độc lập dân tộc là thiêng liêng bất khả xâm phạm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Ðó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".

Thanh niên thị xã Trảng Bàng hăng hái lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc (ảnh minh hoạ)

Truyền thống yêu nước nồng nàn

Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Lịch sử của dân tộc Việt Nam đã được viết bằng máu và mồ hôi của nhiều thế hệ ông cha, làm nên biết bao kỳ tích anh hùng, những trang sử vẻ vang.

Truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam - nổi bật nhất là lòng yêu nước, một truyền thống cao quý được hun đúc và phát huy suốt trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Mỗi người Việt Nam đều có quyền tự hào về những trang sử hào hùng của dân tộc, lịch sử đã minh chứng những người con Việt đã quyên mình để bảo vệ quê hương, đất nước, viết nên những bản hùng ca của dân tộc về ý chí, sức mạnh, quyết không chịu làm nô lệ, nó sẽ luôn là hành trang của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Với V.I.Lênin thì “Lòng yêu nước là một trong những tình cảm sâu sắc nhất được củng cố hàng trăm năm, hàng nghìn năm tồn tại của các tổ quốc biệt lập”. Lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam được hình thành từ đó và đã trở thành điểm cốt lõi của bản sắc văn hoá Việt Nam, là sợi dây bền chặt gắn bó tạo thành sức mạnh chống giặc ngoại xâm, giữ gìn bảo vệ đất nước, đó chính là nét đặc trưng của truyền thống dân tộc Việt Nam.

Chính nhờ sức mạnh kỳ diệu ấy mà dưới ách đô hộ hơn một nghìn năm của phong kiến phương Bắc và trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm, dân tộc ta đã không bị khuất phục, không bị đồng hoá mà tiếp tục dựng cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược.

Với tinh thần bất khuất và ý chí kiên cường, ông cha ta đã nhiều lần đánh thắng những kẻ thù xâm lược lớn mạnh hơn nhiều lần so với thực lực ta hiện có lúc bấy giờ. Trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Lịch sử đã minh chứng lòng yêu nước được hun đúc, truyền từ đời này sang đời khác và quá khứ hào hùng đầy tự hào ấy càng bám sâu vào tâm trí của các thế hệ người Việt Nam. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, lòng yêu nước có những biểu hiện riêng, do điều kiện lịch sử cụ thể nhưng mục đích duy nhất là bảo vệ và gìn giữ non sông đất nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Trong giai đoạn hiện nay, để giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, chúng ta không chỉ ghi lại những trang sử hào hùng của dân tộc một cách máy móc, mà thông qua những sự kiện lịch sử để tô thắm thêm phẩm chất, đạo đức, tình cảm của dân tộc Việt Nam.

Vì vậy, giáo dục lòng yêu nước như một vũ khí sắc bén trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong tình hình mới. Giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu nước cũng chính là giáo dục thái độ đúng đắn đối với các bậc ông cha đã đi trước. Giáo dục lòng yêu nước là một hoạt động mang tính nguyên lý, đạo đức của người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

Ngày nay giáo dục lòng yêu nước là phải giáo dục niềm tự hào về dân tộc và truyền thống dân tộc, giáo dục lòng trung thành và đức hy sinh vì Đảng, vì Tổ quốc, dân tộc và Nhân dân. Nhất là việc đưa tuổi trẻ đến với lịch sử dân tộc, với những suy nghĩ và hành động cao đẹp và hào hùng của ông cha ta, đó là những chiến công hiển hách, trang sử sáng ngời. Sẽ sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Phải làm cho quá khứ ấy được khơi dậy trong lòng mỗi người.

Chúng ta khơi dậy lịch sử, quá khứ không phải để tự mãn về những gì ông cha ta đã làm được, không phải để khoét sâu thêm mâu thuẫn và thù hằn dân tộc, mà chính qua đó để giáo dục cho thế hệ trẻ biết được thế nào là lòng yêu nước, tình yêu Tổ quốc, một tình yêu Tổ quốc đúng nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Biểu hiện cao nhất của lòng yêu nước là có ý thức rõ ràng, sâu sắc về nền độc lập dân tộc, coi độc lập dân tộc là thiêng liêng bất khả xâm phạm. Yêu nước là phải giữ gìn nền độc lập, tự do của dân tộc.

Lễ khánh thành đường đền ơn đáp nghĩa tại phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng (ảnh minh hoạ)

Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh 

Trong Văn kiện Ðại hội XIII của Đảng nêu lên năm quan điểm chỉ đạo, trong đó quan điểm thứ ba có đề cập việc "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc".

Tinh thần yêu nước cùng với ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là những giá trị tiêu biểu tạo nên sức mạnh nội sinh của dân tộc, là sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử Việt Nam suốt mấy ngàn năm, không ngừng được bồi dưỡng vun đắp và phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh Cũng chỉ rõ đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu và là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xoay quanh chữ "đồng": Đồng chí, đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh; thực hiện "Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công".

Những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc là cơ sở để thể hiện lòng yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nên giá trị đầy tính nhân văn "ta vẫn là ta" trong suốt gần một thế kỷ bị Pháp cai trị và đồng hoá.

Nhưng trong hoàn cảnh tối tăm của "phận nghèo, nước mất, dân nô lệ", cả dân tộc đã vùng lên với ý chí "dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập", "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta", rũ bùn đứng dậy chói loà, từ thân phận người nô lệ thành người tự do. Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam đã thành một nước tự do độc lập, nhân dân làm chủ đất nước, làm chủ xã hội . . .

Chính vì lý tưởng độc lập và tự do, khát vọng lâu đời của dân tộc trở thành một tất yếu khách quan được quần chúng nhân dân nhận thức và chuyển hóa thành hiện thực trong hành động. Cả dân tộc đứng lên. Ðàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc.

Người dùng súng, kẻ dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Toàn thể người Việt Nam, con Lạc cháu Hồng nhất tề đứng lên đánh đuổi quân xâm lược để cứu Tổ quốc. Chúng ta chấp nhận mất mát, hy sinh để giữ gìn độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh "muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã", "Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập", cả dân tộc thi đua yêu nước, kết hợp chặt chẽ kháng chiến với kiến quốc, tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đồng thời với cách mạng xã hội chủ nghĩa với tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt".

ĐVTN tham gia chiến dịch thanh niên tình nguyện hè (ảnh minh hoạ)

Hồ Chí Minh là biểu tượng kiệt xuất về tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết và quyết tâm của cả dân tộc Việt Nam, đã cống hiến trọn đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Người là hiện thân cho những khát vọng của dân tộc trong xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Người sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đã khẳng định mục tiêu Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc. Khi nước nhà vừa giành được độc lập, Người đã nghĩ tới việc xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước trên hoàn cầu; một Việt Nam tươi đẹp, bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có ham muốn đó là "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", Người tuyên bố "Ðến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".

Người trăn trở, suy nghĩ xác định phát triển đất nước là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp, khó khăn, một cuộc chiến đấu khổng lồ, Người dặn phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót, sai lầm. Mong muốn cuối cùng của Người là toàn Ðảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh.

Qua hơn 93 năm dưới sự lãnh đạo của Ðảng đã đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chứng tỏ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang sử vẻ vang của dân tộc, nhất là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đập tan ách thống trị thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

37 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Ðất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, đất nước ta đã tiến những bước dài vững chắc chưa từng có trong lịch sử.

Những thành tựu đạt được qua 37 năm đổi mới là kết tinh lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức sáng tạo, tinh thần đổi mới và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, là quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.

Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước đan xen những thuận lợi và khó khăn; nhiều vấn đề mới phát sinh, yêu cầu mới khó khăn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đòi hỏi toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng, đổi mới, sáng tạo, có quyết tâm chính trị cao, tiếp tục nỗ lực để đẩy mạnh, toàn diện công cuộc đổi mới.

Đó là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh. Ðó là những nét cơ bản thuộc giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tạo nên nguồn lực nội sinh của dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thành hiện thực "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" và viết tiếp những bản hùng ca trong thời kỳ mới.

Đình Nhung

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục