Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Là lúa nhánh, mọc lên từ gốc rạ, nên từ lúc nẩy mầm cho đến khi trổ và chín chỉ trong vòng một tháng. Bà con quê tôi gọi lúa này là lúa chét. Do nhảy nhánh từ gốc rạ, chẳng còn dinh dưỡng gì, nên bông lúa chét nhỏ, ngắn chỉ lưa thưa một ít hạt. Mà phần lớn là hạt lép và hạt lừng, còn lại vài hạt chắc.
Những năm gần đây, dù thu hoạch lúa Đông Xuân, Hè Thu hay lúa Mùa, trên cánh đồng quê tôi cũng hiếm thấy bóng dáng người đi mót lúa. Nhớ lại hồi trước, khi cánh đồng chỉ làm có một vụ lúa và còn thu hoạch theo lối thủ công (cắt bằng liềm, đập bằng bồ), vào mùa thu hoạch, trên đồng ruộng, ngoài chủ ruộng và những người đi gặt, đập lúa mướn, còn có “đội quân” đi mót lúa. Đội quân này hầu hết là phụ nữ và trẻ em, trong đó có anh em tôi. Ngoài việc đi mót lúa trên những cánh đồng đang thu hoạch, anh em tôi còn đi mót lúa chét.
Hồi đó, bọn trẻ chúng tôi đi học nhàn hơn trẻ em bây giờ. Mỗi ngày chỉ học có một buổi (sáng hoặc chiều) nên chúng tôi có thời gian lao động, phụ giúp gia đình. Cũng như những người mót lúa “chuyên nghiệp”, đi học về, cơm trưa xong là anh em tôi mặc đồ “trận” (quần áo lao động), đội nón lá, rồi mỗi đứa một cái mủng (thúng nhỏ- hai mủng mới bằng một thúng), một cái liềm, một cái bao, một tấm tăng... và thẳng tiến ra đồng.
Chúng tôi tìm đến những đám ruộng có nhiều phụ nữ lom khom cắt lúa, và những người đàn ông ra sức “quật” từng ôm lúa vào bồ mà mót. Xuống ruộng, anh em tôi tìm đến những chỗ người ta vừa gặt xong, nhặt nhạnh những nhánh lúa, bông lúa “gãy cổ” (bông lúa chín nhiều tự rơi rớt khỏi thân cây) rơi trên ruộng. Lượm nhánh lúa, bông lúa chúng tôi để nguyên vậy bỏ vào mủng, sau đó dồn vô bao.
Quần lượm lúa rớt trên ruộng một chập, anh em tôi đến những “vùng rơm” (chỗ người ta để bồ đập lúa) tìm lúa đổ, và trải tăng ra giũ rơm... Làm đến chiều tối, anh em tôi mỗi đứa cũng được một mủng thóc (lúa hột) đội về. Cách mót lúa này đơn giản và chắc nhiều người biết. Ngoài việc mót lúa rơi vãi trên đồng, anh em tôi còn có “nghề” đi mót lúa chét.
Trước kia, mỗi năm cánh đồng quê tôi chỉ cấy có một vụ lúa mùa. Những đám ruộng sâu trũng (gọi chung là ruộng lầy) được cấy sớm hơn ruộng gò. Đa phần nông dân có ruộng lầy cấy lúa xương gà. Đây là giống lúa thu hoạch sớm hơn nhiều loại lúa khác từ nửa tháng đến hơn một tháng. Là loại lúa sau khi thu hoạch xong, phần mắt (đốt) của gốc rạ nhảy ra nhiều nhánh.
Do ruộng sâu, chủ ruộng be bờ giữ nước để cá trú ngụ và cấm thả trâu xuống ruộng, nên nhánh lúa xương gà phát triển tốt. Là lúa nhánh, mọc lên từ gốc rạ, nên từ lúc nẩy mầm cho đến khi trổ và chín chỉ trong vòng một tháng. Bà con quê tôi gọi lúa này là lúa chét. Do nhảy nhánh từ gốc rạ, chẳng còn dinh dưỡng gì, nên bông lúa chét nhỏ, ngắn chỉ lưa thưa một ít hạt. Mà phần lớn là hạt lép và hạt lừng, còn lại vài hạt chắc.
Nhìn chung chất lượng lúa kém. Mà cắt mót được lúa chét cũng khá gian nan. Chính vì vậy, các chủ ruộng thường be bờ giữ cá, chớ không giữ lúa chét. Và cũng do mót lúa chét vất vả nên ít người đi mót, trừ những người quá khó khăn. Riêng anh em tôi thì không dám chê lúa chét. Vì lúc ấy gia đình tôi còn khó khăn hơn nhiều người khó khăn khác trong làng. Để đi mót lúa chét, anh em tôi mỗi đứa cầm theo một cái liềm, một cái bao ni-lông (loại bao đựng diêm u-rê). Rồi chèo xuồng qua rạch, đến những đám ruộng có nhiều lúa chét mà cắt mót.
Đối với những đám ruộng, nước tương đối cạn (nước khoảng trên đầu gối đến lưng quần), anh em tôi quảy bao trên vai, đùng xuống ruộng long nước, cắt từng bông lúa cho vào bao. Khi nào nặng vai, thì ngưng cắt, quảy ra đổ xuống xuồng, rồi trở vào ruộng cắt tiếp. Còn gặp những lung láng nước quá sâu (nước tới bụng, tới ngực), anh em tôi không đùng xuống được, thì chống xuồng đi cắt.
Thường thì anh em tôi thay phiên nhau, đứa chống xuồng, đứa ngồi đầu xuống “hớt” bông lúa. Cắt xong quăng thẳng xuống xuồng. Cứ như vậy, cho đến hết ngày, hoặc đám ruộng hết lúa, hay bữa nào, gặp ruộng nhiều lúa chét, thu hoạch đầy xuồng sớm thì anh em tôi về. Về đến bến, anh em tôi “nhận” bông lúa chét vô bao, rồi vác về nhà. Để tách hạt lúa ra khỏi nhánh bông, anh chị em tôi để lúa trong bao rồi lấy khúc cây nặng mà đập.
Đập xong đổ lúa ra. Những bông nào còn dính lúa, anh chị em tôi lấy chân đạp, hoặc lấy tay vò cho sạch mới thôi. Do lúa lừng, lúa lép nhiều, nên khi phơi khô giê, sảy rất cực. Dù chị tôi giê sảy rất cẩn thận, nhưng khi chà gạo về hạt gạo lúa chét không no đủ như lúa thường, có khi nấu cơm ăn, còn có vị đăng đắng.
Tuy có phần gian nan, vất vả nhưng nhờ có những hạt lúa rơi rớt trên đồng ruộng, cùng với những đám lúa chét đã giúp cho gia đình chúng tôi (cùng một số gia đình khác) đỡ khổ phần nào trong những năm tháng khó khăn. Ngày nay, trên đồng ruộng quê tôi, hầu như không còn thấy người đi mót lúa nữa vì nhà nông đã cơ giới hoá từ khâu làm đất đến thu hoạch. Trong khâu thu hoạch, nông dân dùng máy gặt đập liên hợp, nên lúa ít rơi vãi trên đồng.
Trong sản xuất, từ chỗ làm một vụ lúa, nay lên hai, ba vụ. Sau khi thu hoạch, ruộng đất đâu có thời gian ở không để lên lúa chét. Hơn thế nữa, công nghiệp, thương mại-dịch vụ ngày càng phát triển. Hầu hết người dân đều có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, đâu cần phải đi mót lúa.
T.L