BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lựa chọn công nghệ tối ưu cho nhà máy điện hạt nhân

Cập nhật ngày: 13/11/2009 - 06:06

GS Đặng Vũ Minh - Chủ nhiệm UB Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Chiều 13.11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về chủ trương đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. PV Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi riêng với GS-VS Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cơ quan thẩm tra dự án này của Quốc hội.

Lựa chọn công nghệ-mối quan tâm lớn nhất

Theo GS Đặng Vũ Minh, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết, để năng lượng thực sự đi trước một bước đáp ứng yêu cầu phát triển KT- XH, bảo đảm an toàn năng lượng quốc gia trong tiến trình CNH-HĐH.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, tổng sản lượng điện có thể cung cấp từ các nguồn như than, khí đốt, thủy điện và năng lượng mới… còn thiếu tới 112 tỉ kWh vào năm 2020 và 218 tỉ kWh vào năm 2025. Do đó, điện hạt nhân có thể góp phần đáp ứng được nhu cầu năng lượng cho đất nước.

GS Đặng Vũ Minh cho biết, mối quan tâm lớn nhất của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là vấn đề lựa chọn công nghệ hiện đại và an toàn. Qua thảo luận của các đại biểu QH ở tổ và ý kiến của nhiều chuyên gia, chúng ta nên lựa chọn công nghệ thuộc thế hệ lò phản ứng hạt nhân thứ 3. Theo số liệu mà Uỷ ban có được, nhiều nước sử dụng thế hệ lò thứ 3. Nếu Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư thì đến năm 2020 nước ta mới đưa nhà máy vào hoạt động, thời điểm đó thì lò phản ứng phải là tiến tiến lúc bấy giờ nên phải đi trước một bước.

Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ, từ nay cho đến khi triển khai xây dựng, nếu thế hệ lò thứ 3 được kiểm chứng có hiệu quả tốt, phù hợp về điều kiện giá thành, khẳng định độ tin cậy và an toàn thì nên chọn thế hệ lò thứ 3 trở lên.

Đào tạo nhân lực: Cần chú trọng ngay từ bây giờ

Nhân lực cho dự án điện hạt nhân là một vấn đề rất lớn cần được chú trọng ngay từ bây giờ để đáp ứng yêu cầu rất cao sau này. Công nghệ có thể mua được, nhưng cán bộ thì phải đào tạo, ông Minh nhấn mạnh. Uỷ ban đặc biệt quan tâm tới  kế hoạch đào tạo cán bộ ngay từ bây giờ, để đến giai đoạn 2014 -2015, khi chúng ta bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân, số cán bộ này đã đào tạo xong và về nước trực tiếp tham gia lắp đặt, điều chỉnh, vận hành thử nhà máy.

GS Đặng Vũ Minh cho biết thêm, qua các chuyến công tác, tham quan, trao đổi với nhiều nước tiên tiến đã cho thấy một điều, một cán bộ có trình độ đại học đúng chuyên ngành Điện hạt nhân phải tiếp tục đào tạo thêm khoảng 5 năm nữa, sau đó qua một kỳ thi gắt gao mới có thể nhận được giấy phép điều khiển lò phản ứng.

Một vấn đề được dư luận hết sức quan tâm là an toàn điện hạt nhân. Theo GS Đặng Vũ Minh, sự quan tâm này là điều tất yếu, trên hết. Muốn vậy chúng ta phải sử dụng thế hệ lò phản ứng hạt nhân tiên tiến, đảm bảo an toàn. Vì thế, Uỷ ban kiến nghị, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn chỉnh và làm rõ việc phân tích lựa chọn công nghệ, phương án phòng chống sự cố, xây dựng bộ tiêu chuẩn trong xây dựng và vận hành nhà máy… Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú ý đánh giá đầy đủ về khảo sát địa chất, tác động của các đứt gẫy ở khu vực công trình và tính toán thiết kế xây dựng tiêu chuẩn cấp đặc biệt đối với công trình này.

Hỗ trợ cao nhất cho người dân vùng dự án

Về việc di dân, tái định cư khu vực nhà máy điện hạt nhân, GS Đặng Vũ Minh cho biết: Qua gặp gỡ với nhân dân địa phương, thấy rằng Nhà nước cần có chính sách cụ thể trong việc hỗ trợ di dân, tái định cư với người dân khu vực dự án nói chung và Ninh Thuận nói riêng trong phát triển KT-XH. Uỷ ban khuyến nghị nên hỗ trợ toàn bộ kinh phí từ ngân sách cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng như xây dựng hệ thống hạ tầng ngoài hàng rào dự án. Áp dụng mức hỗ trợ cao nhất để lập khu tái định cư mới, xây dựng nhà ở, cải tạo đồng ruộng và chuyển đổi nghề cho nhân dân… Điều nay phù hợp với pháp lý và đạo lý của người Việt Nam chúng ta.

(Theo chinhphu.vn)