Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hoạt động của tội phạm công nghệ cao có xu hướng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp. Hiện nay, những kẻ xấu này còn biết rõ một số thông tin cá nhân của các thành viên trong gia đình người dân, qua đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hù doạ người dân
Sáng ngày 23.3, chị A, ngụ phường 3, TP. Tây Ninh đang quét dọn nhà cửa thì nghe chuông điện thoại reo vang. Vì mới đặt mua một số hàng hoá online, nghĩ rằng người bán gọi điện để chốt đơn nên chị A. bắt máy. Bên kia điện thoại, một giọng nữ nêu đúng họ, tên chị A. và ngày tháng năm sinh, họ, tên người con gái của chị. Thấy đối phương nêu đúng thông tin của mình và con gái, chị A. bối rối hỏi lại người đang liên lạc với chị có việc gì.
Giọng nữ thông báo con gái của chị A. đã đăng ký mã định danh điện tử mức 2 nhưng bị lỗi hệ thống, không cập nhật được, đồng thời hướng dẫn chị A. đến "phòng quản lý hành chính công" của tỉnh để làm thủ tục.
Đối tượng nữ này cho hay, một lát nữa sẽ có nhân viên tên Bình, đang làm việc ở phòng quản lý hành chính công gọi điện thoại trao đổi cụ thể hơn. Đối tượng này nhắn qua Zalo cho chị A. số điện thoại của cán bộ tên Bình, đồng thời nhắn chị A: “Chị chủ động liên hệ để lấy số thứ tự lên làm cho cháu nhé”.
Nghi ngờ đây là trường hợp giả danh cán bộ công an để lừa đảo, chị A. hỏi kỹ lại: “Vì sao công an làm việc vào ngày chủ nhật?”. Người phụ nữ giải thích, vì các em là học sinh, nên tranh thủ làm việc trong ngày cuối tuần.
Lúc này, con của chị A. không có ở nhà nên chị cũng không rõ thực hư như thế nào. Chị A. dự tính chờ đến trưa, khi con gái trở về, hai mẹ con sẽ truy cập vào VNeID của con để kiểm tra xem sao. Trong lúc này, điện thoại chị lại đổ chuông. Một người đàn ông tự xưng tên Bình, công tác ở phòng quản lý hành chính công giải thích, tình trạng căn cước công dân (CCCD) của con chị bị lỗi, cần chỉnh sửa lại để định danh mức 2. Người đàn ông này hướng dẫn chị truy cập vào Zalo khai báo trước một số thông tin để khi đến phòng quản lý hành chính công được giải quyết nhanh hơn.
Chị A. lo lắng không biết tình trạng CCCD của con mình có bị trục trặc thật hay không thì chồng chị đi công việc về. Chị A. đem mọi chuyện vừa xảy ra, tường thuật lại cho chồng và bày tỏ mối quan ngại của mình. Sau khi bàn bạc, hai vợ chồng thống nhất gọi điện đến Công an phường 3, TP. Tây Ninh để xác minh vụ việc.
Lãnh đạo Công an phường 3 khẳng định, đây là trường hợp lừa đảo, vì Công an không làm việc với người dân qua điện thoại. Người đứng đầu Công an phường 3 đề nghị chị A. không cung cấp bất kỳ thông tin nào cho những đối tượng nêu trên.
Một ngày, bốn cuộc gọi lừa đảo
Tưởng đâu mọi việc như thế là xong, nào ngờ, buổi chiều cùng ngày, một giọng nam khác gọi điện thoại đến cho chị A. tự xưng tên Lê Tuấn Anh, cán bộ tiếp nhận hồ sơ của phường 3. Ông này thông báo trường hợp CCCD của con chị A. chưa đồng bộ với cổng dịch vụ công của Bộ Công an nên tỉnh chưa đồng bộ được sổ hộ khẩu điện tử mức 2 cho cháu và gia đình.
Người đàn ông này nêu rõ, sổ hộ khẩu điện tử mức 2 sẽ tổng hợp tất cả các giấy tờ cần thiết của các thành viên trong gia đình như cavet xe, "giấy chứng minh nhân dân", bằng trung học cơ sở của con, bằng lái xe, thẻ bảo hiểm… Ông Bình dặn chị A. để ý nghe điện thoại, sẽ có cán bộ cấp trên gọi đến hướng dẫn hoàn tất hồ sơ.
Người đàn ông này gằn giọng: “Chị có làm thì tôi biết để hồ sơ lại, nếu không làm thì đích thân chị lên tỉnh làm. Đem theo CCCD, mã định danh của con. Lên tỉnh có người hướng dẫn để đồng bộ giấy tờ cho con”.
Chiều tối cùng ngày, quả thật có người đàn ông khác gọi điện thoại đến cho chị A. trao đổi những nội dung tương tự như 3 cuộc điện thoại nêu trên. Trước đó, chồng chị A. cũng bị kẻ xấu nhiều lần gọi điện thoại đến thông báo có tên trong đường dây rửa tiền, chưa thanh toán tiền điện.
Con trai của chị A. đang học ở TP. Hồ Chí Minh cũng thường xuyên bị người khác gọi điện thoại đến thông báo trục trặc hồ sơ định danh điện tử. Mẹ chồng chị A. có lần bị đối tượng lạ gọi điện thoại đến hù doạ đang dính vô vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Những việc này khiến mẹ chồng chị A. lo rầu mất ăn, mất ngủ, chị A. phải đưa mẹ chồng đến gặp lãnh đạo Công an phường 3 để nghe giải thích, từ đó bà mới bớt lo. Tính đến nay, tất cả 5 thành viên của gia đình chị A. đều bị đối tượng xấu vài lần nhắm đến.
Báo Công an TP. Hồ Chí Minh, ngày 11.3, đăng bài viết với nhan đề “Lừa đảo qua mạng vẫn diễn biến rất phức tạp” của tác giả Quang Đăng. Trong bài, có đoạn nêu: Đường dây lừa đảo sử dụng công nghệ cao có trụ sở hoạt động tại Campuchia vừa được Công an tỉnh Tây Ninh khám phá trong tháng 2.2025, đã lật tẩy các phương thức, thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi, bài bản và luôn bám sát các sự kiện mới, nóng.
Theo lời khai của hơn 20 đối tượng bị bắt trong đường dây lừa đảo này thì tổ chức hoạt động của băng nhóm hình thành như một công ty, có phân công vai trò, nhiệm vụ cho từng cá nhân, có bộ phận luôn theo dõi tin tức thời sự để cập nhật chỉnh sửa kịch bản cho phù hợp với thực tế và bảo đảm mới nhất để người dân chưa kịp đề phòng mà sập bẫy. Các bộ phận còn lại hoạt động theo chỉ đạo của ông chủ người Trung Quốc, trong đó, nguy hiểm nhất là hai tổ hợp mang tên "cào người" và "giết khách".
Theo đó, nhóm "cào người" sẽ dùng những kịch bản mới để hù doạ, câu dẫn nạn nhân kết bạn, chia sẻ thông tin cá nhân. Khi kế hoạch "săn nai" của nhóm "cào người" có kết quả, nhóm "giết khách" sẽ tìm cách câu dụ, chiếm đoạt hết tài sản của nạn nhân, nếu không hiệu quả nữa thì ngắt kết nối. Khi các nạn nhân phát hiện mình sập bẫy lừa thì đã muộn, ít thì mất tiền triệu, nhiều thì tiền tỷ. Những nạn nhân mất số tiền lớn thường là sập bẫy đầu tư, bị hù doạ dính vào các đường dây rửa tiền, buôn bán người xuyên biên giới.
Trước đó, ngày 23.2, Báo Tây Ninh online đưa tin: Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Tây Ninh phối hợp Đồn Biên phòng Mộc Bài bắt giữ 4 đối tượng, cùng ngụ huyện Tân Biên để điều tra làm rõ hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đường dây này có trụ sở đặt tại tầng 2, toà nhà X3, khu Casino New World, thuộc thành phố Bavet, tỉnh Svay Rieng, Campuchia.
Mặc dù thời gian qua lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác đấu tranh, xử lý tội phạm công nghệ cao và đã lập được không ít thành tích vẻ vang. Tuy nhiên, qua thực tế của gia đình chị A. cho thấy hoạt động của bọn xấu chưa chấm dứt. Mặt khác, kịch bản, phương thức lừa đảo qua mạng thường xuyên biến đổi khó lường. Trong khi chờ lực lượng chức năng tiếp tục xử lý, mỗi người phải nâng cao ý thức, luôn đề cao cảnh giác trước mọi tình huống, để tránh bị tiền mất, muộn phiền mang.
Đại Dương