Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chế độ một đảng cầm quyền lãnh đạo không phải là nguyên nhân sinh ra tệ tham nhũng và cũng không phải là không thể chống được tham nhũng. Với thể chế một Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo không những có thể mà còn có thuận lợi trong đấu tranh chống tham nhũng.
Sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh minh hoạ
dĐể chống lại quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay, các thế lực thù địch đã đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc cho rằng: Cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta là “cuộc đấu đá phe phái trong Đảng”, “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể chống được tham nhũng thành công vì Đảng cũng tham nhũng, suy thoái”, “Tham nhũng luôn gắn với đảng cộng sản, với chế độ một đảng độc quyền lãnh đạo nói chung”, “Đảng đã nhiều lần phát động chống tham nhũng nhưng đều không thành công, càng chống lại càng gia tăng”, “Việt Nam cần phải đa đảng, đa nguyên thì mới chống tham nhũng thành công”…
Đây là những quan điểm sai trái, thù địch, cần kiên quyết đấu tranh, bác bỏ. Từ thực tiễn của nhiều nước trên thế giới và Việt Nam, bài viết đưa ra các luận cứ khoa học góp phần phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nêu trên.
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam là để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phát triển đất nước
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng phòng, chống tham ô, tham nhũng trong Đảng, Nhà nước. Người cho rằng đó là “những căn bệnh nguy hiểm”, “là giặc nội xâm”, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn làm suy yếu bộ máy của Đảng, Nhà nước, làm xói mòn lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ; làm rối loạn kỷ cương phép nước, làm hư hỏng cán bộ...
Do đó, mục đích của việc xử lý tham nhũng là để “trị bệnh cứu người”, “chặt cành cứu cây”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính.
Có thể nói, chưa bao giờ Đảng ta xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm như vừa qua. Đây là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh, kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của Nhân dân, Đảng ta phải kiên quyết xử lý đến cùng.
Chống tham nhũng không phải là câu chuyện Đảng ta “đánh” ai, “đá” ai. Chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta khẳng định “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh với tham nhũng, có nghĩa, ai tham nhũng, ở đâu có tham nhũng đều phải tìm ra và xử lý bằng được. Cách thức Đảng đang triển khai chống tham nhũng đó là “đánh từ trên đánh xuống, đánh từ trong đánh ra, đánh những nơi quan trọng trước” là cách làm đúng hướng và hiệu quả.
Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng là làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ” như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu, mượn chuyện chống tham nhũng để hướng vào chống đối chế độ, chống phá Đảng.
Không phải thực hiện “đa nguyên, đa đảng” thì sẽ chống được tham nhũng
Tham nhũng là hiện tượng tiêu cực của xã hội, đã có từ xa xưa, trong mọi nhà nước, mọi chế độ chính trị và hiện nay có ở mọi nơi, không phải chỉ gắn với Đảng Cộng sản, với chế độ một đảng độc quyền lãnh đạo.
Từ thế kỷ XIX đến nay, ở rất nhiều quốc gia đã ra đời các đảng chính trị, cạnh tranh giành quyền lãnh đạo hoặc tham gia chính trị quốc gia, nhưng không vì thế mà chấm dứt được hiện tượng tham nhũng.
Thực tiễn nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, ở các nước tư bản chủ nghĩa, thực hiện chế độ đa đảng vẫn có tham nhũng và gặp khó khăn trong đấu tranh, ngăn chặn tham nhũng, thậm chí một số nguyên thủ quốc gia cũng dính vào tội tham nhũng. Tham nhũng đã được nhiều quốc gia nhận thức là quốc nạn và nỗ lực đấu tranh ngăn chặn.
Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) hằng năm đều công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) trong khu vực công, để cung cấp cái nhìn tổng quát về mức độ tham nhũng tương đối của 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhìn vào bảng xếp hạng về chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế qua các năm có thể thấy rất rõ quốc gia nào cũng có tham nhũng, chỉ khác nhau ở mức độ nghiêm trọng, bởi không có quốc gia nào đạt được mức điểm tuyệt đối 100/100 điểm (tức là không có tham nhũng).
Như vậy, không phải cứ “đa nguyên, đa đảng” là chống được tham nhũng. Việc nảy sinh và phát triển của tham nhũng phụ thuộc vào nhiều nhân tố như: cơ chế, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực; hệ thống pháp luật; vấn đề minh bạch, dân chủ; chế độ, chính sách đãi ngộ; môi trường văn hoá, văn hoá chính trị và công vụ; vai trò của báo chí, truyền thông… Bất cứ ở đâu, dù là một đảng hay đa đảng, song nếu còn tồn tại những nhân tố trên thì đều có thể là mảnh đất nuôi dưỡng tham nhũng và gặp khó khăn trong đấu tranh chống tham nhũng.
Thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã sớm nhận thức và ngày càng xác định rõ hơn về nguy cơ, tác hại của tham nhũng đối với Đảng, chế độ và sự nghiệp xây dựng đất nước. Ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của Nhân dân và Chính phủ; là “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”.
Bước vào thời kỳ đổi mới, trước tình trạng tham nhũng ngày càng bộc lộ rõ nét, diễn biến phức tạp, Đảng ta đã nhiều lần chỉ rõ: Tham nhũng “làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan Nhà nước”; “đe doạ sự ổn định, phát triển của đất nước”; “là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước”.
Đặc biệt, từ hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII (tháng 1.1994), tham nhũng được Đảng ta nhận diện là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, đến Đại hội IX đã trở thành “một nguy cơ lớn đe doạ sự sống còn của chế độ ta”; đến nay “vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ”. Điều đó cho thấy, chúng ta chưa bao giờ chủ quan; trái lại, luôn luôn đặt cảnh báo về nguy cơ và sự tác hại của tệ tham nhũng ở mức độ cao nhất.
Sau gần 40 năm đổi mới, Đảng ta càng nhận rõ đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, trong các nhiệm kỳ Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều bàn và ra nghị quyết, chỉ thị, kết luận để cụ thể hoá và triển khai thực hiện các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc về phòng, chống tham nhũng.
Quyết tâm của Đảng ta còn được thể hiện thông qua tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là cuốn cẩm nang về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có giá trị lý luận và thực tiễn quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và sự nghiệp cách mạng của nước ta hiện nay.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả quan trọng. Quá trình xử lý được tiến hành đồng bộ giữa xử lý kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự.
Mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sai phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai, làm nghiêm từ trên xuống dưới, thực hiện đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.
Trong 10 năm (2012-2022), đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý; qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Cũng trong 10 năm, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước khởi tố, điều tra 19.546 vụ, 33.868 bị can; truy tố 16.699 vụ, 33.037 bị can; xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế.
Những con số về xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự nói trên đã cho thấy rõ quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, nói đi đôi với làm của Đảng, Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là tuyên ngôn mà đã trở thành quyết tâm chính trị và hành động thực tế.
Đi đôi với việc tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, Đảng ta cũng đã rất chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực, từng bước hoàn thiện thể chế để bảo đảm “không muốn”, “không cần”, “không thể”, “không dám” tham nhũng.
Từ năm 2012 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có nhiều chủ trương, quy định mạnh mẽ, quyết liệt, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao, triển khai thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ rệt.
Có thể khẳng định, cho đến nay, các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tương đối đầy đủ nhằm hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, để “không thể”, “không cần”, “không muốn” và “không dám” tham nhũng.
Toàn cảnh phiên họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Tây Ninh lần thứ 9. Ảnh minh hoạ- Tố Tuấn
Từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta thời gian qua có thể khẳng định rằng: Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta không phải là “cuộc đấu đá phe phái trong Đảng” như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, mà đó là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” để “trị bệnh cứu người”, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, để đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Chế độ một đảng cầm quyền lãnh đạo không phải là nguyên nhân sinh ra tệ tham nhũng và cũng không phải là không thể chống được tham nhũng. Với thể chế một Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo không những có thể mà còn có thuận lợi trong đấu tranh chống tham nhũng.
Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta thời gian qua đã tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, dư luận quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Những kết quả đó đã góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, khẳng định bản chất ưu việt của chế độ xã hội ta, đồng thời đây cũng là bằng chứng thuyết phục để bác bỏ mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.
TS. Phạm Ngọc Hải - ThS. Phạm Thị Cẩm Lài