baotayninh.vn

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Luật An toàn Thực phẩm: Cần quy định rõ chế tài xử phạt vi phạm

Cập nhật ngày: 23/11/2009 - 05:56

Các đại biểu thảo luận về dự án Luật ATTP.

Chiều 23.11, các đại biểu thảo luận tại tổ cho ý kiến về dự thảo Luật An toàn Thực phẩm. Dự thảo Luật An toàn Thực phẩm gồm 11 chương, 62 điều, quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn về thực phẩm; thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu; kiểm nghiệm thực phẩm; kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm.

Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật An toàn Thực phẩm nêu rõ: 6 năm qua pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm là một công cụ quan trọng để nhà nước quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên hiện còn quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh với 134 văn bản của các ngành, các cấp nên có sự chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn, hoặc thực tế có vấn đề nảy sinh nhưng lại chưa có văn bản quy định. Do tính chất phức tạp của quản lý nhà nước đối với an toàn thực phẩm nên việc phân công trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành, nhất là giữa Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương còn chưa rõ ràng, gây khó khăn trong triển khai và phối hợp thực hiện, dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau.

Thảo luận về dự thảo Luật này, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật An toàn Thực phẩm như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Các đại biểu cũng đồng tình với nhận định của Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN-MT) cho rằng, việc ban hành Luật An toàn Thực phẩm còn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, sức cạnh trạnh của hàng hóa nông sản thực phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thực phẩm.

Đại biểu Nguyễn Hữu Nhị (đoàn Nghệ An) cho rằng, đến thời điểm này chúng ta mới ban hành Luật là quá muộn, bởi trên thực tế vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang là một vấn đề hết sức nhức nhối. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự án Luật, đại biểu Nguyễn Hữu Nhị cho rằng, nhiều quy định vẫn còn chung chung, chưa cụ thể. Theo ông Nhị, để sau khi ban hành có thể phát huy tác dụng tức thì trong thực tiễn, Luật cần quy định cụ thể một cơ quan đầu mối có trách nhiệm quản lý công tác an toàn thực phẩm.

Đại biểu Bùi Quang Bền (đoàn Kiên Giang) đề nghị nghiên cứu lại việc đưa thức ăn đường phố vào quy định trong Luật. Theo đại biểu, trên thực tế đã nói đến thức ăn đường phố thì đi kèm với đó là tình trạng mất vệ sinh. Trong lúc chúng ta chưa có thể sắp xếp, bố trí được thì để cho thức ăn đường phố tồn tại. Đến khi phát triển đến mức độ nào đó thì chúng ta phải dẹp loại hình kinh doanh này bởi để như vậy là không văn minh đường phố. Theo đại biểu Bùi Quang Bền, trước mắt chúng ta nên giao cho chính quyền địa phương có quy định quản lý loại hình này chứ không nên đưa vào quy định trong Luật.

Về vấn đề quản lý thực phẩm biến đổi gene, nhiều đại biểu nhất trí với quan điểm của Uỷ ban KHCN-MT, để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và thông lệ quốc tế, dự thảo Luật cần quy định theo hướng: Thực phẩm biến đổi gene phải ghi trên nhãn khi vượt giới hạn tỷ lệ quy định và giao Chính phủ quy định cụ thể mức giới hạn tỷ lệ nguyên liệu biến đổi gene trong thực phẩm cần phải ghi trên nhãn.

Đại biểu Nguyễn Văn Luật (đoàn Kiên Giang) đề nghị nên đưa nội dung xuất, nhập khẩu vào quy định tại điều 1 phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật. Đại biểu cũng tán thành với quy định như trong dự thảo Luật về việc giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm về an toàn của sản phẩm thực phẩm đối với sức khoẻ nhân dân. Theo đại biểu, điều này có thể khắc phục tình trạng “cha chung không ai khóc”, đùn đẩy trách nhiệm như hiện nay. Quy định như tại điều 52 của Dự thảo Luật lần này cũng góp phần nâng cao hiệu lực quản lý của nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, phần quy định về chế tài xử phạt như trong dự thảo Luật còn mờ nhạt. Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần quy định cụ thể các cá nhân, tổ chức kinh doanh, chế biến thực phẩm phải chịu trách nhiệm dân sự đối với sản phẩm của mình. Nếu vi phạm thì đương nhiên phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng theo quy định của Bộ Luật Dân sự. Còn nếu chỉ quy định mờ nhạt như trong dự thảo Luật thì không biết sau này chúng ta sẽ xử lý như thế nào.

Các đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm đến việc tăng cường chi phí cho công tác xét nghiệm kiểm tra an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cần quy định rõ chức năng của các cơ quan thanh tra, kiểm tra về những thông tin có liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Trách nhiệm của những cơ quan này trong việc cung cấp thông tin liên quan đến sản phẩm. Nếu sai thì phải chịu trách nhiệm như thế nào...

Ngày 24.11, buổi sáng các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Người Khuyết tật. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

(Theo VOV News)