Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Khẳng định tính chất quan trọng của hoạt động cơ yếu trong phiên thảo luận tại Hội trường sáng 16.6, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc cần thiết xây dựng và ban hành Luật Cơ yếu, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng và phát triển ngành cơ yếu chính quy, hiện đại, vững mạnh, đủ sức hoàn thành những nhiệm vụ mới do Đảng và Nhà nước giao.
Khẳng định tính chất quan trọng của hoạt động cơ yếu trong phiên thảo luận tại Hội trường sáng 16.6, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc cần thiết xây dựng và ban hành Luật Cơ yếu, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng và phát triển ngành cơ yếu chính quy, hiện đại, vững mạnh, đủ sức hoàn thành những nhiệm vụ mới do Đảng và Nhà nước giao.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Cơ yếu |
Đóng góp cho dự thảo Luật Cơ yếu, các đại biểu cho nhấn mạnh, cơ yếu Việt Nam phải được tổ chức thống nhất, chặt chẽ, có chế độ công tác nghiêm ngặt, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý thống nhất của Chính phủ; đảm bảo toàn diện 3 mặt: Tổ chức chặt chẽ, kỹ thuật chuyên môn tốt, chế độ công tác nghiêm minh.
Bảo đảm điều kiện và xây dựng lực lượng cơ yếu; các hành vi bị nghiêm cấm; chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu... là những vấn đề thu hút sự quan tâm và đóng góp của nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội.
Theo nhận định của một số đại biểu, Điều 6 và điều 7 trong dự thảo luật quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân bảo đảm điều kiện cho hoạt động cơ yếu” còn chung chung.
Đề nghị cơ quan soạn thảo xây dựng lại điều này theo hướng quy định rõ nội dung xây dựng lực lượng cơ yếu về tổ chức, về chính trị, về công tác bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cộng tác, hỗ trợ để cơ yếu Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) và một số đại biểu khác đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi truyền đưa, chuyển phát thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước bằng các phương tiện công nghệ thông tin - truyền thông mà không được mã hoá bằng mật mã cơ yếu.
Về chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu, hầu hết các ý kiến với tán thành với dự thảo Luật; đại biểu Lê Thị Mai (Hải Phòng), Vũ Trọng Việt (Sơn La) cho rằng, quy định như dự thảo Luật đảm bảo sự công bằng trong đãi ngộ, có tác dụng động viên, khích lệ người làm công tác cơ yếu yên tâm phục vụ trong lĩnh vực đặc thù này. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng những người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, công an nhân dân, mà thực chất là cán bộ, công chức. Vì vậy, nếu quy định họ được hưởng các chế độ, chính sách như đối với quân đội nhân dân sẽ có thể phức tạp trong áp dụng chính sách, gây so sánh giữa các loại cán bộ, công chức.
Có ý kiến nhận định nội dung Điều 22 chưa quy định rõ về chính sách đào tạo và con người; chưa quy định cụ thể về thời gian đào tạo, trường đào tạo đối với người làm công tác cơ yếu; đề nghị cần xây dựng chính sách cụ thể về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành cơ yếu.
Ngoài ra, cũng có một số ý kiến đề nghị giải thích bổ sung và làm rõ một số cụm từ trong Dự thảo Luật như: “cơ yếu”, “nghiệp vụ cơ yếu”, “bí mật nhà nước”, “hoạt động cơ yếu”, “hoạt động cơ yếu Việt Nam”…; nghiên cứu kỹ và quy định cụ thể về cơ chế tuyển chọn đội ngũ cán bộ cơ yếu; đề nghị tiêu chuẩn người làm công tác cơ yếu cần được quy định tại một văn bản khác, không nên quy định trong Luật này…
Trước đó, chiều ngày 3.6, các vị đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Cơ yếu. Có 116 lượt đại biểu phát biểu ở 17 tổ. Đại đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết và nội dung như trong Dự thảo của Luật Cơ yếu.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, những quy định của Pháp lệnh cơ yếu vẫn phù hợp, do đó nếu không mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước thì không cần thiết phải ban hành Luật Cơ yếu mà chỉ cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cơ yếu.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về cơ yếu (Điều 32), theo một số ý kiến đại biểu, việc giao Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về cơ yếu là không hợp lý. Do tính chất đặc thù của hoạt động cơ yếu, Ban Cơ yếu Chính phủ nên là một cơ quan độc lập do Chính phủ trực tiếp quản lý.
Cũng về vấn đề này, có ý kiến đề nghị nên giao chức năng quản lý nhà nước về cơ yếu cho Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng là phù hợp nhằm không gây chồng chéo, trùng dẫm trong quản lý nhà nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia.
Dự thảo Luật Cơ yếu gồm 5 Chương với 38 Điều với các nội dung cụ thể về hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức của Cơ yếu Việt Nam; quản lý nhà nước về cơ yếu... |
(Theo chinhphu.vn)