Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nhiều Đại biểu vẫn còn những băn khoăn về dự án Luật Dược sửa đổi đang được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Để Luật Dược (sửa đổi) thực sự đi vào thực tế và có ý nghĩa thay đổi được những thực trạng bất cập hiện nay của ngành, tôi cho rằng các nội dung, điều khoản sửa đổi nếu liệt kê ra khá nhiều, nhưng thực tế mới chỉ sửa phần ngọn, trong khi gốc rễ vấn đề vẫn còn.
Hiện nay, các số đăng ký thuốc trong tình trạng xếp hàng, chen lấn, tình trạng chậm trễ xảy ra thường xuyên, không thể cấp số đăng ký đúng hạn, làm phát sinh nhiều nguy cơ tiêu cực, dẫn đến cơ chế xin cho.
Việt Nam có 800 hoạt chất và hơn 22.000 số đăng ký thuốc thành phẩm, đây là mức quá cao. Trong khi, tại Singapore, có khoảng 1.200 hoạt chất nhưng có khoảng 10.000 số đăng ký thuốc. Tại Nhật Bản, có 1.600 hoạt chất, nhưng cũng chỉ có chưa tới 10.000 số đăng ký. Điều này có nghĩa, Việt Nam đang cấp số đăng ký thuốc một cách tuỳ tiện, không có giới hạn.
Do vậy, việc này cần có chủ trương rõ ràng. Đối với thuốc nhập khẩu cần hạn chế những thuốc mà trong nước đã có quá nhiều số đăng ký. Với thuốc trong nước, không phải hãng dược nào lập ra cũng cho đăng ký các hoạt chất rất phổ biến. Bởi khi có nhiều số đăng ký, sẽ dẫn đến có quá nhiều lựa chọn, gây khó khăn cho đấu thầu, các cơ sở y tế cũng khó khăn trong việc lựa chọn… Phương án cuối cùng là quay lại đấu thầu theo giá, nhưng “giá càng rẻ càng tốt” lại khiến thui chột ngành công nghiệp dược.
Hiện nay, Việt Nam có tới 236 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP theo Luật Dược 2016. Con số này cho thấy, Việt Nam không thiếu nhà máy so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, các nhà máy đều đang gặp vấn đề, không sản xuất đủ công suất đăng ký ban đầu, vì sản xuất ra lại không biết bán thuốc đi đâu. Bởi nếu bán thuốc vào bệnh viện, sẽ thua ngay trên sân nhà, và chỉ trúng thầu tại những nơi đấu thầu giá rẻ nhất.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn TP Hà Nội: Cần những nội dung về chuyển đổi số
Đại biểu khẳng định, Bộ Y tế đã thể hiện tinh thần quyết liệt trong lần sửa đổi Luật Dược này, tích cực tiếp thu ý kiến của các đại biểu; đồng thời bày tỏ thống nhất cùng các nội dung trong Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Theo đại biểu, cần bổ sung các quy định về nội dung chuyển đổi số trong hoạt động của ngành dược ở Việt Nam. Vấn đề chuyển đổi số cần được đưa vào Điều 7, quy định về chính sách của Nhà nước đối với phát triển ngành Dược. Cụ thể, việc triển khai kê đơn thuốc qua mạng cần được thực hiện từng bước và quyết liệt, đảm bảo quản lý tốt hơn chất lượng kê đơn, hình thức kê đơn, theo dõi tốt hơn hiệu lực kê đơn, hiệu quả của đơn thuốc, kinh phí, tài chính.
Về ưu đãi đầu tư, đại biểu đồng tình với phương án 1, với dự án thành lập mới trong lĩnh vực dược có quy mô đầu tư từ 1.000 tỷ trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 500 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp nhận chủ trương đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn Bình Định. Ảnh: QH
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn Bình Định: Cần quy định quản lý chặt thuốc bán online
Hiện tình trạng bán thuốc tràn lan trên môi trường mạng với một số sản phẩm không phải là thuốc, gây nguy hại cho sức khỏe, bức xúc trong dư luận. Vì vậy, cần có quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử. Các thuốc bán online phải là loại thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các thuốc bán qua thương mại điện tử phải bao gồm thuốc không kê đơn và thuốc theo đơn được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử, sổ khám bệnh điện tử, bệnh án điện tử. Nhà thuốc được bán online cần đảm bảo tiêu chuẩn mà Bộ Y tế ban hành, thẩm định, cấp phép.
Dự thảo Luật cũng cần có điều, khoản cụ thể, quy định việc Bộ Y tế cần có bộ phận chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội, tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác của thông tin thuốc quảng cáo để đẩy lùi tình trạng quảng cáo thuốc kém chất lượng bừa bãi, tràn lan trên mạng xã hội.
Chúng ta thúc đẩy phát triển ngành dược nội địa, nhưng cũng cần ý thức rõ vị trí của ngành dược trong nước, tránh việc các hãng dược lớn của thế giới không thể tiếp cận được thị trường, trong khi dược phẩm trong nước chưa đảm bảo được chất lượng, người dân không sử dụng được dược phẩm đạt chất lượng như mong muốn.
Nguồn Báo Tin tức