Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu:
Luật gây vướng mắc, trì trệ mà không sửa kịp thời là có lỗi với dân, với nước
Thứ năm: 10:14 ngày 02/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 1.11 về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu – đơn vị tỉnh Tây Ninh đã có ý kiến tranh luận về nội dung cải cách thể chế, bảo vệ cán bộ.

Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu phát biểu tại kỳ họp.

Đại biểu Trần Hữu Hậu đồng tình với một số đại biểu là cần cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, với đề xuất thể chế hoá việc bảo vệ cán bộ và doanh nghiệp dám nghĩ dám làm, theo đại biểu cần xem xét kỹ và nên có cách làm khác, bởi Chính phủ ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” với một thay đổi lớn so với dự thảo; theo đó “Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm” là những người “trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ” đã đề xuất và thực hiện những việc “nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật”; bỏ đi vế thứ hai là: “… đã được pháp luật quy định nhưng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn”. Theo đại biểu Hậu, bỏ như vậy là đúng vì chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thượng tôn pháp luật, không thể ban hành một văn bản quy phạm pháp luật cấp nghị định để khuyến khích, bảo vệ những người vi phạm pháp luật.

Như đại biểu đã phát biểu tại kỳ họp thứ 5 là ta phải xây dựng pháp luật để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm theo nghĩa là “xé rào”, là vi phạm pháp luật để khắc phục những bất cập của pháp luật, không phải đem cả sinh mệnh chính trị của mình để thực thi chức trách, nhiệm vụ vì lợi ích chung mà phải lo âu, phải tìm cách lách từ “cái tên” của công việc cho đỡ bị chú ý đến phải “trình bày nhỏ to” để cơ quan chức năng thông cảm, bỏ qua hoặc “giơ cao, đánh khẽ”.

Việc quyết liệt rà soát hàng trăm văn bản để tìm ra những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc theo Nghị quyết 101 là nền tảng để sửa đổi bổ sung các quy định; xử lý những vướng mắc tồn tại từ nhiều năm, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ của chúng ta an tâm, chủ động hơn trong thực thi công vụ; giảm bớt "căn bệnh" không dám làm những việc cần phải làm do vi phạm các quy định hiện hành.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hậu, thực tiễn luôn biến động; chất lượng xây dựng pháp luật lúc này, lúc khác chưa cao… những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn mới sẽ lại phát sinh, chúng ta cần tìm thêm những phương thức xây dựng pháp luật phù hợp.

Hiện nay, ta có những cách làm hay như “thông qua luật trong một kỳ họp theo thủ tục rút gọn” hay “một luật sửa nhiều luật”. Do vậy, đại biểu Hậu đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng cho phép trình, thông qua Quốc hội 1 luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật liên quan với chỉ một hoặc một vài nội dung cụ thể, theo quy trình, thủ tục ngắn gọn trong một kỳ họp.

Nếu có những luật ngắn gọn, cụ thể, kịp thời như trên… Luật sẽ đi thẳng vào cuộc sống, phát huy tác dụng ngay không cần hướng dẫn; và theo đại biểu việc ấy cũng đáp ứng một yêu cầu cơ bản trong xây dựng pháp luật là luật phải xây dựng từ thực tiễn, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của thực tiễn, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội liên quan, phát huy cao nhất các tiềm lực để phát triển đất nước. Luật gây vướng mắc, trì trệ, góp phần tạo sức ì cho cả hệ thống công quyền mà không sửa kịp thời là có lỗi với dân, với nước.

K.C

(lược ghi)

Tin cùng chuyên mục