BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam” cần phải thật rõ ràng, chặt chẽ (*)

Cập nhật ngày: 17/11/2013 - 10:49

ĐBQH Nguyễn Hoài Phương (đứng) phát biểu tại phiên họp

(BTN) - Chiều ngày 15.11 Quốc hội làm việc tại Tổ, thảo luận dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa.

Góp ý dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, ĐBQH Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) đề nghị sửa đổi nhiều vấn đề về thuật ngữ, về thị thực nhập cảnh. Đáng chú ý, đối với vấn đề thủ tục mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, đại biểu Phương đề nghị bỏ yêu cầu “cần nêu rõ cửa khẩu” mà chỉ cần quy định “cần nêu rõ thời gian nhập cảnh và lý do đề nghị cấp thị thực tại cửa khẩu” vì Pháp lệnh năm 2000 đã bỏ quy định phải đi đúng cửa khẩu nhập cảnh ghi trong thị thực để không gây phức tạp về thủ tục hành chính.

Về thủ tục mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an tại Điều 15 cần được nghiên cứu và bổ sung thêm cụm từ “hoặc thông báo” cho cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế thực hiện. Vì Cục Quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an chỉ quản lý cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh tại các sân bay quốc tế, còn các cửa khẩu quốc tế biên giới đất liền và cảng biển thì do Bộ đội biên phòng quản lý.

Đối với các trường hợp được cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế cần bổ sung thêm trường hợp nhận thị thực tại cửa khẩu đối với trường hợp “người nước ngoài không có cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước mời đón có nhu cầu vào Việt Nam không quá 15 ngày”.

Vì qua thực tiễn hoạt động nhập, xuất cảnh Việt Nam của người nước ngoài thường có trường hợp người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam trong thời gian ngắn nhưng không có cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong nước mời đón. Để giải quyết những trường hợp này lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Ngoại giao đã có ý kiến thống nhất về chấn chỉnh công tác giải quyết cho người nước ngoài sử dụng thị thực D nhập cảnh Việt Nam.

Qua quá trình triển khai 4 năm qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách vào Việt Nam du lịch, không có vụ việc phức tạp nảy sinh. Đại biểu Nguyễn Hoài Phương đề nghị nên luật hoá vấn đề này.

Về thẩm quyền chưa cho nhập cảnh, đại biểu Phương cho rằng quy định trong dự thảo Luật là chưa rõ ràng. Chẳng hạn như cần xác định rõ ràng chủ thể trong quy định “Người có thẩm quyền ra quyết định chưa cho nhập cảnh thì có thẩm quyền giải toả chưa cho nhập cảnh” (quy định tại Khoản 5, Điều 20 của dự thảo Luật), và “Người ra quyết định chưa cho nhập cảnh, giải toả chưa cho nhập cảnh chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình” (Khoản 6, Điều 20 của dự thảo Luật) ở đây là ai? Theo đại biểu Phương, để chặt chẽ hơn, nên quy định rõ là: “Đồn trưởng Đồn Công an cửa khẩu Bộ Công an, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Bộ Quốc phòng có thẩm quyền quyết định chưa cho nhập cảnh đối với các trường hợp quy định tại các Điều… Khoản… của Luật này”.

Cũng theo Đại biểu Nguyễn Hoài Phương thì dự thảo Luật còn nhiều vấn đề cần giải thích, làm rõ như người nước ngoài có được tạm trú ở khu kinh tế cửa khẩu hay không? Nếu khu kinh tế cửa khẩu là xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia trên đất liền thì sao? Do đó, cần làm rõ phạm vi tạm trú của người nước ngoài trong khu kinh tế cửa khẩu để đảm bảo tuân thủ Luật Biên giới quốc gia.

Về quy định “Người nước ngoài đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam được đi lại trên lãnh thổ Việt Nam, tham quan, du lịch, thăm thân không phải xin phép. Trường hợp vào khu vực biên giới, khu vực cấm phải được phép của cơ quan quản lý khu vực đó”, đại biểu Phương cũng cho rằng quy định như thế là chưa rõ ràng và chưa chặt chẽ, đối với khu vực biên giới, pháp luật hiện hành của Nhà nước ta quy định cơ quan quản lý ở đây là lực lượng Bộ đội biên phòng, nhưng việc cấp phép đi lại thì lại do lực lượng Công an đảm nhiệm, do vậy, việc xác định người nước ngoài vào khu vực biên giới “phải được phép của cơ quan quản lý khu vực đó” là chưa thực sự rõ ràng và chưa chặt chẽ.

Bên cạnh đó, cũng sẽ là thiếu sót nếu dự thảo Luật chỉ đề cập đến việc cấp phép mà không quy định việc chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền đối với người nước ngoài khi vào khu vực biên giới, khu vực cấm. Từ những phân tích trên, đại biểu Phương đề nghị chỉnh sửa theo hướng: “Người nước ngoài đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam được đi lại trên lãnh thổ Việt Nam, tham quan, du lịch, thăm thân không phải xin phép. Trường hợp vào khu vực biên giới, khu vực cấm phải được phép và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền”…

Kim Hạnh – Minh Quang

(lược ghi)

 (*) Tựa đề do Toà soạn đặt