Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Luật Thủ đô cần có tính đặc thù
2010-11-06 01:28:00

Với mục tiêu tìm ra tính đặc thù để từ đó có những chính sách riêng, nhưng theo nhiều đại biểu, các quy định trong dự thảo Luật còn chung chung, chưa thể hiện được Hà Nội với tư cách là Thủ đô của cả nước.

Sáng 6.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này.

Dự thảo Luật Thủ đô gồm 4 Chương, 35 Điều, được xây dựng trên cơ sở quán triệt Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 15.12.2000 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô thời kỳ 2001-2010; kết quả tổng kết 9 năm thực hiện Pháp lệnh Thủ đô và tham khảo pháp luật về Thủ đô của một số nước trên thế giới.

Thảo luận về dự thảo Luật này, đa số các đại biểu đều tán thành về sự cần thiết phải ban hành một đạo luật với những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đang với danh hiệu là Trái tim của cả nước.

Đi vào những vấn đề cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần nghiên cứu kỹ quy định “Áp dụng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính ở nội thành cao hơn mức xử phạt áp dụng chung cho cả nước trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú”. Theo đại biểu, cần nghiên cứu nếu quy định mức phạt cao hơn thì không chỉ dừng lại ở 6 lĩnh vực trên, bởi với tốc độ đô thị hoá nhanh như hiện nay, chắc chắn sẽ có thêm nhiều vấn đề khác nảy sinh ngoài những lĩnh vực trên.

Quan điểm của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội về vấn đề trên cũng cho rằng, việc áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn mức quy định chung của cả nước nhằm mục đích chấn chỉnh công tác quản lý đô thị, răn đe để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô như trong Tờ trình của Chính phủ là chưa thuyết phục.

Lý do của Uỷ ban đưa ra là, thứ nhất, phải chăng ý thức chấp hành pháp luật trên địa bàn Thủ đô kém hơn các nơi khác nên phải áp dụng mức xử phạt cao hơn? Thứ hai, tại sao lại chỉ tăng mức phạt trong 6 lĩnh vực mà không phải tất cả các lĩnh vực? Thứ ba, nếu đặt vấn đề răn đe đối với các hành vi vi phạm hành chính thì tại sao lại không đặt vấn đề áp dụng hình phạt nặng hơn đối với các hành vi phạm tội hình sự, bởi vì các hành vi này xét về tính chất nguy hiểm cho xã hội thì cao hơn rất nhiều so với các hành vi vi phạm hành chính...

Bên cạnh việc đề nghị cần cân nhắc mức trần của các loại phí, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng dân cư, đặc biệt nhân dân sống ở vùng ngoại thành. Đại biểu Đào Trọng Thi và đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) cũng đề nghị cần nhanh chóng thực hiện di dời các trường Đại học, bệnh viện, cơ quan Nhà nước ra khỏi nội đô để giảm áp lực cho hạ tầng giao thông, bởi nếu để như hiện nay, khó có thể (thậm chí là không khả thi) cho việc giảm ắch tắc giao thông - vốn đang là một vấn đề nan giải đối với Thủ đô Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (đoàn Hà Nội) đồng ý với ý kiến của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, nhiều quy định trong dự thảo Luật chưa phản ánh được tính đặc thù trong cơ chế, chính sách dành cho Hà Nội với tư cách là Thủ đô của cả nước; Chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể cho việc phát triển và quản lý của riêng Thủ đô.

Theo đại biểu, nhiều quy định đều có thể áp dụng cho cả các địa phương khác, chẳng hạn, quy định về mục tiêu xây dựng, phát triển Hà Nội (Điều 3); quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan và trật tự xây dựng (Điều 12); quản lý và bảo vệ môi trường (Điều 20)…

Đại biểu đoàn Hà Nội thảo luận về Luật Thủ đô

Về việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cũng đồng tình với quan điểm: làm gì thì làm nhưng phải bảo đảm không trái với Hiến pháp, không tạo ra một thiết chế độc lập, thiếu sự gắn kết về nghĩa vụ, trách nhiệm của Thủ đô với Trung ương và với các địa phương khác. Theo đại biểu, từ kinh nghiệm của các thành phố khác trên thế giới, có thể họ có những quy định riêng, nhưng nó chỉ nằm trong phạm vi thành phố đó. Cũng không nhất thiết những quy định đó phải do UBND thành phố Hà Nội xây dựng, trình HĐND thành phố Hà Nội ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Cũng về vấn đề xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban pháp luật cho rằng, theo quy định tại Điều 120 của Hiến pháp hiện hành thì “Căn cứ vào Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên, HĐND ra Nghị quyết về các biện pháp bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật ở địa phương…”. Như vậy, Nghị quyết của HĐND được ban hành là để đề ra các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật, chứ không để điều chỉnh những vấn đề chưa được pháp luật điều chỉnh. Chính vì vậy, Uỷ ban Pháp luật cho rằng, quy định này chưa phù hợp với hiến pháp và đề nghị không quy định vấn đề này trong dự thảo Luật.

Nhiều đại biểu tán thành các nội dung dự thảo Luật nêu ra cần phải được bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ… Về mặt quốc phòng, an ninh, đây là địa bàn đặc biệt quan trọng không thể để xảy ra bất kỳ những biến cố bất thường nào. Vì vậy, Hà Nội cần phải được bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ, quốc phòng, an ninh để làm tròn chức năng Thủ đô của cả nước. Trách nhiệm này không những thuộc về chính quyền Hà Nội mà còn của Trung ương.

(Theo VOV)

Từ khóa:
Tin liên quan