Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Có cả những đôi lứa sắp thành hôn, nghe đồn cũng rủ nhau tới chọn cảnh chụp album ảnh cưới. Nhìn hướng nào cũng bát ngát nước, trời, cây xanh và đá núi.

|
Hồ ở khu khai thác đá granite |
(BTN) - Ma Thiên Lãnh của núi Bà vốn nổi tiếng đẹp vì vẻ hoang sơ như tạo hoá cố tình để dành lại cho con người. Thì nay có thêm một Ma Thiên Lãnh khác, do những người khai thác đá vô tình mà tạo nên. Đấy là ở phía chân núi Heo (còn gọi là núi Đất)- nơi vài năm trước còn nhộn nhịp những công trường khai thác đá.
Bạn chỉ cần theo con đường vào Ma Thiên Lãnh, khoảng 800 mét là sẽ gặp con đường vòng quanh chân núi sang phía Đông Nam, đi thêm 2-3km nữa là tới một vùng sơn thuỷ tuyệt vời. Vâng! Nếu ở bên phải con đường vòng quanh ấy là những rẫy mãng cầu, đu đủ non tươi, sum suê trái thì chỉ đi vài chục mét vào phía bên tay trái, sẽ đột ngột hiện ra một vùng cảnh quan tươi mới, mà long lanh kỳ thú lạ thường. Đất đỏ, núi xanh, nước trời lộng lẫy. Lại còn cỏ cây nhiều loài đã quen, nhưng có loại còn hoang dại. Tất cả cứ hài hoà, sống động bên nhau như trong các bức tranh của một hoạ sĩ thiên tài.
Và người “hoạ sĩ” tài hoa ấy chính là những người thợ khai thác đá xây dựng công trình ở núi Bà từ rất nhiều năm qua để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh nhà. Cho đến khi khu di tích cấp quốc gia này có khả năng bị xâm hại nghiêm trọng, thì những công trường khai thác đá mới bị đóng cửa. Lẽ ra họ phải phục hồi lại cảnh quan đã bị phá vỡ, như lấp lại các hầm hố sâu hút rồi trồng lại cây rừng. Nhưng, công của ở đâu ra? Thế là hầm hố vẫn y nguyên. Sau mấy năm, nước từ ruột núi, rồi nước mưa tích lại, những hầm hố ấy nay đã trở thành những hồ nước leo lẻo trong xanh, in bóng mây trời.
Không biết các nhà quản lý đã để ý chưa, chứ dân thì đã biết từ lâu rồi đấy ạ! Vô số người vào câu cá, rồi những nhóm thanh niên đi picnic ngả ngay tăng bạt xuống ven hồ ngắm cảnh và ăn uống. Có cả những đôi lứa sắp thành hôn, nghe đồn cũng rủ nhau tới chọn cảnh chụp album ảnh cưới. Nhìn hướng nào cũng bát ngát nước, trời, cây xanh và đá núi.
Vâng! Thật hiếm có cảnh quan nào đầy đủ và tươi đẹp cho bằng! Nếu thích sự mộc mạc và gần gũi thì nên tới khu hồ xưa là hầm khai thác đá ong. Phông xanh đậm là núi Bà giăng ngang như một bức trường thành. Phía dưới nổi bật lên những đoạn bờ hồ tươi đỏ màu son- màu của loại đá ong từng được trân trọng gắn lên những mảng tường trang trí của biệt thự hay công sở. Rồi mặt nước láng lênh bốn phía giữa cỏ hoang và từng đám rau dừa cọng đỏ trắng ngời hoa.
Dưới một cây điệp bông vàng còn nguyên một bộ bàn ghế mà nghệ nhân đã đẽo tạo từ nguyên khối đá ong, chắc là dùng làm chỗ nghỉ ngơi, trà nước phút giải lao sau những giờ hì hục xà beng. Lại còn những đảo nhỏ đứng chơ vơ trên hồ nước, chắc là do đá ở đấy chưa đủ chuẩn, hoặc là do quá cứng. Giờ đảo nào đảo nấy đều xanh ngời cây cỏ. Cảnh quan lý thú ấy đã mời gọi rất nhiều người về câu cá. Hỏi câu được cá gì? Một anh bảo: ở đây rất nhiều cá rô phi.
Loại thứ hai của cảnh quan hồ có phần sắc sảo và lộng lẫy hơn, là những hồ sát vào chân núi. Những hố đào đá sâu hút năm xưa nay đã thành những hồ nước sẫm xanh như màu nước biển. Bờ bên này, còn vô số những vỉa đá màu hồng nhạt chìa ra với đủ dáng hình, có chỗ giống như một bầy rùa đang cất cổ muốn bơi ra mặt nước. Nơi lại chênh vênh như chỗ đứng của vua sư tử trong phim hoạt hình. Hồ nước lại thật rộng dài, có thể tổ chức đua thuyền hoặc ghe ngo được. Có nơi bờ hồ đã kịp lên cao những rặng rừng tràm lao xao soi bóng nước.
Có chỗ lại là cây hoang sót lại cũng đã lớn cao và tròn xoe tán lá rủ đầy bóng mát. Nhưng thú vị nhất chính là những vách đá dựng đứng, mà đi ngoài đường 785 vẫn nhìn thấy được. Đấy chính là dấu vết những vị trí trọng điểm của công trường khai thác đá năm nào. Nào mìn, nào búa, nào khoan đã gọt thẳng băng một vệt sườn núi đá. Nay thì những vách đá ấy vẫn xám lạnh màu đá, nhưng đã như cắm thẳng vào mặt nước.
Những anh chị thích du lịch mạo hiểm hoặc các vận động viên leo núi mà nhìn thấy chắc sẽ thích mê tơi! Bởi lẽ trèo lên đấy, lỡ có rơi cũng chỉ tõm vào hồ nước sâu không chạm đáy. Thêm nữa, những vận động viên dù lượn chắc cũng sẽ chọn nơi này. Bởi đây là hướng Tây, lúc nào cũng tràn gió Tây Nam, tha hồ mà nâng bổng cánh bay dù lượn. Lại được soi mình trên gương nước khi bay.
Một thông tin đáng vui nữa đây, rằng tất cả các hồ đầm ngẫu nhiên mà có kể trên, nay hồ nào cũng có cá cùng các loại thuỷ sinh. Những hồ đá sát núi thì có cả những người vác lưới đến giăng chài. Thế nhưng vẫn còn đó tin buồn về những người đi chích cá bằng điện vẫn ung dung hành sự. Liệu đã đến lúc các ngành, các cấp quan tâm bảo vệ môi trường khu vực sơn thuỷ này chưa! Mặc dù tiềm năng du lịch ở tỉnh ta vẫn còn “mênh mông bể sở”; nhưng vẫn muốn giới thiệu tiềm năng này nữa, vì nó chỉ cách Thị xã khoảng 12 cây số mà thôi!
TRẦN VŨ