Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ma Thiên Lãnh là một thung lũng khá rộng, nơi giao nhau giữa 3 ba chân núi Bà Đen, núi Phụng, núi Heo (thuộc xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh). Nơi đây ẩn chứa nhiều truyền thuyết và có tiềm năng du lịch sinh thái hấp dẫn.
Một góc suối Vàng trong Ma Thiên Lãnh.
Đến nay, chưa có tài liệu nào giải thích rõ ràng vì sao vùng này được gọi tên là Ma Thiên Lãnh. Theo một số người lớn tuổi có nhiều năm làm ăn, sinh sống ở vùng đất này, thời xa xưa, nơi đây hoang sơ, lạnh lẽo, hiểm trở và có nhiều lời đồn về ma, rắn khổng lồ, ít người dám đặt chân đến. Vì thế, người xưa gọi nơi đây là Ma Thiên Lạnh (vùng đất tiên, có ma và không khí lạnh), do đọc trại âm thành Ma Thiên Lãnh.
Cũng có giả thuyết cho rằng tên gọi Ma Thiên Lãnh bắt nguồn từ câu chuyện thuở xưa, khi tướng Tiết Nhơn Quý vâng lệnh vua Đường Cao Tông của Trung Quốc tiến đánh Cao Câu Ly. Trong cuộc viễn chinh này, quân Đường đã nếm mùi cay đắng khi hằng hà sa số quân binh phải bỏ mạng tại ngọn núi hiểm trở có tên Ma Thiên Lãnh. Một số học giả cho rằng, từ trận chiến khốc liệt tại Ma Thiên Lãnh năm xưa, người đời sau thường dùng cái tên “Ma Thiên Lãnh” để chỉ những vùng đất dữ thâm u, nơi sơn lam chướng khí với bao câu chuyện kỳ bí được thêu dệt, bao truyền thuyết, huyền thoại được che phủ bởi lớp sương mù tâm linh huyễn hoặc...
Khi du nhập vào Việt Nam, cụm từ “Ma Thiên Lãnh” không còn đơn thuần là tên đặt cho một địa danh mà đã thành một ám thị chỉ nơi chốn đầy khắc nghiệt, một vùng đất linh thiêng kỳ bí với nhiều hiểm nguy, chết chóc (!)... Có lẽ từ cách hiểu này mà vùng sơn cước nằm giữa cụm núi Bà Đen được gọi tên là Ma Thiên Lãnh.
Nghiên cứu khoáng sản có màu vàng dưới suối Vàng trong Ma Thiên Lãnh.
Có người lại cho rằng, tên Ma Thiên Lãnh bắt nguồn từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Thung lũng huyền bí này là một căn cứ địa hiểm trở khiến cho các đội quân của giặc khi vào đây đều bị phục kích, đánh tan tác.
Không rõ những lời giải thích về địa danh này có cơ sở ra sao, nhưng ngày nay, đến Ma Thiên Lãnh vẫn có thể nghe nhiều câu chuyện ly kỳ về vùng đất này. Tương truyền rằng thời xa xưa ở Ma Thiên Lãnh có vị thần đi ngang, để lại một dấu chân trên tảng đá.
Những năm trước, chúng tôi từng đi thực tế, bắt gặp một tảng đá màu trắng bị tróc lớp đá trên mặt, trông như dấu bàn chân. Một người làm vườn tên Đô kể: “Trước đây, dấu chân lớn lắm, có đủ các ngón, nhưng từ từ dấu chân nhỏ lại, mờ dần. Giờ không còn thấy ngón nào nữa, dấu chân cũng thu lại nhỏ xíu...”.
Anh Đô cho biết thêm, phần đất này của một người đàn bà có tên thường gọi là bà Sáu “đau tim”, ngụ phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh. Trước đây, bà Sáu cất một cái chòi nhỏ ở gần tảng đá có dấu chân, đặt một lư hương, hằng ngày thắp nhang, cúng vái. Không rõ đồn đãi thế nào, sau đó có nhiều người tìm đến cúng.
Lời đồn “dễ nghe” nhất là nơi đây có nhiều loài rắn khổng lồ, đầu quấn ở thân cây này, đuôi quấn ở thân cây khác, thân hình đong đưa như cái võng, những người đi rừng nhìn thấy đều hoảng sợ bỏ chạy.
Có lần, tôi đem những câu chuyện về rắn ở Ma Thiên Lãnh hỏi một nhân viên bảo vệ rừng thuộc Đội bảo vệ rừng văn hoá lịch sử núi Bà, anh nói chưa tận mắt nhìn thấy những con rắn khổng lồ nào ở khu vực này, song có nhiều rắn là chuyện bình thường.
Từ năm 1997 đến nay, mỗi năm, Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh tổ chức thả động vật hoang dã (bắt được của những người săn bắn, vận chuyển, mua bán trái phép) lên khắp quần thể núi Bà Đen, trong đó có nhiều loại rắn như hổ sơn, hổ rừng, mái gầm, long thừa… Vì vậy, trong các cánh rừng trên 3 ngọn núi có nhiều rắn là điều dễ hiểu.
Du khách dựng lều ngủ qua đêm ở Ma Thiên Lãnh.
Ở núi Bà Đen nói chung, Ma Thiên Lãnh nói riêng từ xa xưa đến nay còn có truyền thuyết về suối Vàng. Truyền thuyết kể rằng ngày xưa có một bầy trâu vàng của nhà trời thường xuống dòng suối thuộc vùng núi Bà Đen ngụp lặn, khiến nguồn nước ở đây tuôn trào, gây nên cảnh lụt lội triền miên.
Ngọc Hoàng ra lệnh các vị thần khuân đá lấp lại dòng suối. Các vị thần khẩn trương làm việc, không chú ý nên đã lấp luôn bầy trâu vàng đang ở dưới đó. Sau khi hoàn thành, vùng đất này trở thành 3 ngọn núi thuộc quần thể núi Bà Đen ngày nay. Bầy trâu vàng bị nhốt trong lòng núi vẫn vùng vẫy mong thoát ra. Vì vậy, nước theo kẽ đá cứ tuôn chảy, có cả cát vàng lấp lánh.
Cát nhiều màu vàng đến nỗi, có một nhóm người lạ ngỡ trong lòng Ma Thiên Lãnh có mỏ vàng nên lén lút đến đây thăm dò, đào bới. Cụ thể, năm 2014, một người đàn ông ngụ phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, đến UBND xã Thạnh Tân (TP. Tây Ninh) trình báo việc “khai thác hầm chôn vật quý hiếm” trong Ma Thiên Lãnh.
Ông dẫn theo một số nhân công đến xin chính quyền địa phương tạm trú tại khu vực này để chuẩn bị khai thác. Xét thấy đơn xin thăm dò, khai thác hầm chôn vật quý hiếm của người đàn ông này không đủ yếu tố, chính quyền địa phương không đề xuất UBND tỉnh cấp phép cho họ khai thác.
Trẻ em thích thú ngâm mình dưới dòng suối Vàng mát lạnh ở Ma Thiên Lãnh.
Bên cạnh những truyền thuyết kể trên, Ma Thiên Lãnh có sức hấp dẫn đặc biệt khác. Hầu như sáng nào ở Ma Thiên Lãnh cũng có sương bay là đà. Dọc theo các sườn núi là những cánh rừng bạt ngàn, xanh thẳm với nhiều cây cổ thụ và cây giá tỵ quý hiếm. Xen lẫn trong những cánh rừng ấy là vườn xoài, mãng cầu, dừa, chuối trĩu quả.
Ở những vùng trũng, người dân địa phương trồng rau cần, rau diếp, sen hồng, sen trắng, tạo thành một thảm thực vật “tổng hợp” vừa đậm chất núi rừng, vừa thân quen, gần gũi như một làng quê Nam bộ. Hệ động vật ở đây cũng đa dạng không kém.
Bên cạnh tiếng suối chảy róc rách dưới những tảng đá là tiếng chim hót véo von trong các lùm cây. Xa hơn một chút là tiếng vượn hú gọi đàn, chim bìm bịp kêu vang vọng núi rừng. Trên cây, những chú sóc đất, sóc lông xù chuyền từ cành này sang cành khác. Dưới những hốc đá là tiếng “khèn khẹt” của những chú thằn lằn núi đang chiến đấu tranh giành lãnh địa. Trên mặt đất, ốc sên, ốc núi, cuốn chiếu chậm chạp bò giữa lối đi.
Trong tương lai không xa, tiềm năng của Ma Thiên Lãnh sẽ được đánh thức, vùng đất này sẽ làm phong phú sản phẩm du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà.
Đại Dương