Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong bài tuỳ bút nổi tiếng “Cây tre Việt Nam”, nhà báo Thép Mới viết: “Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái chùa cổ kính. Dưới bóng tre xanh, ta gìn giữ một nền văn hoá lâu đời”.
Ngôi chùa nhà báo Thép Mới miêu tả là một trong những ngôi chùa nhỏ trên các làng quê miền Bắc. Góc vườn chùa nào chẳng xao xác bóng tre, bóng trúc. Và ngọn tre có thể vít cong xuống, la đà trên những đầu đao.
Từ ấy đến nay, sáu bảy chục năm trôi qua, hình ảnh ngôi chùa này có thể đã ít nhiều đổi khác. Trên hành trình đô thị hoá, nhiều ngôi chùa phải lên lầu. Tre nếu còn cũng không đủ lớn để ấp ủ những mái chùa xinh xắn. Nhiều ông tượng Phật cũng to lớn hơn, đường bệ khác thường.
Vậy mà vẫn có một hình ảnh rất thân thương trên những ngôi chùa mới. Để những mái chùa vẫn tiếp tục là nơi “che chở hồn dân tộc” như một nhà thơ nào đã viết. Hình ảnh mới mẻ này là những cánh chim câu.
Những cánh chim bồ câu, đi đâu hôm nay ta cũng thấy. Ngay trên đường phố Trần Hưng Đạo, đoạn giao với đường Quang Trung, chiều nào chẳng bập bềnh giữa trời rồi chao nghiêng trên mặt nước rạch Tây Ninh những đôi cánh chim câu. Nhưng có nhiều ngôi chùa mà chim câu đã tạo nên một cảnh quan sinh động hơn nhiều, khiến ai cũng phải ngước nhìn theo.
Ai đi Hội xuân Núi Bà, chắc nhớ chùa Trung dịp tết. Mặc kệ không khí hội hè người đông như nêm, trên nóc mái đỏ của chùa vẫn xao xác cánh chim. Chúng bay lượn từng vòng, trên nóc cây bồ đề rồi vòng vòng trên mái như muốn vui cùng người về dự hội.
Cách đấy không xa lắm là chùa Khmer Khedol ở bên kia núi, cũng xao xác cánh chim. Mái chùa Khmer cao hơn, tạo hình nhiều tầng tháp nhọn, lại là chỗ cho chim bồ câu đậu vào, tạm nghỉ sau những vòng bay tản rộng dưới trời.
Trở về thành phố Tây Ninh, chùa Hiệp Long cũng là nơi bồ câu tụ hội. Sang Thanh Điền, có chùa Tứ Phước lúc nào cũng rợp bóng chim câu. Sư cô Diệu Lạc bảo:- Cậu cứ phải ra lúc 6 giờ sáng, khi nhà chùa cho chim ăn thì có cả mấy trăm con chim về ăn như tằm ăn rỗi. Chùa này cũng lạ. Chẳng cần làm tổ cho chim, sư cô chỉ cần vài chiếc ky tre buộc dưới mái một ngôi nhà phụ. Thế là đủ cho bầy chim ríu rít theo về làm tổ, sinh con đẻ cái thành đàn.
Đang là mùa lễ Vu lan báo hiếu. Tháng Bảy âm lịch, trời đất vẫn còn xập xình, khi nắng, khi mưa. Đầu mùa lễ diễn ra ở chùa Hiệp Long. Sang mùng 4 lại quá sức đông người ở lễ hội chùa Thiền Lâm - Gò Kén. Tịnh xá Ngọc Ninh ở TP. Tây Ninh cũng làm lễ ngày này… Tôi đi qua mấy nơi ấy đều nhìn người mà nhớ bóng chim câu.
Dưới bóng những ngôi chùa xao xác cánh chim ấy là muôn ngàn tấm lòng đang rộng mở. Như chùa Gò Kén, cùng với việc tổ chức lễ Vu lan là những hoạt động từ thiện tặng 70 xe đạp cho học sinh và 250 phần quà cho những người nghèo khó.
Rất đông bà con buôn bán làm ăn từ nhiều nơi trong tỉnh đổ về. Nhóm làm cơm chay, nước giải khát cho bữa cơm chay chùa đãi khách… Nhóm Gò Kén làm bánh kẹp. Nhóm bà Mười Khiêm đến từ Tân Châu lại đổ bánh xèo. Nhóm Hội Ngàn thương từ Tân Biên xuống lại làm bánh khọt…
Vài nhóm từ chợ Long Hoa lại làm sẵn bánh bao chay, đem đến chùa… và hoan hỉ mời ăn. Dường như những cánh chim câu rộng mở bao dung cũng biểu tượng cho lòng người rộng mở. Cũng giống như cánh chim câu trong tranh Picasso đã thành biểu tượng của hoà bình…
Mỗi năm cứ đến độ này, chùa nào chẳng rộn ràng chuẩn bị cho mùa lễ Vu lan- báo hiếu. Người ta nhắc lại những sự tích xa xưa của ngài Mục Kiền Liên báo hiếu mẹ của mình và lấy đó làm gương. Chữ hiếu được mở rộng thêm, ngoài ơn mẹ, ơn cha còn là ơn thầy tổ và ơn đồng bào, đất nước.
Mái chùa mà không có những cánh chim bay chắc sẽ cho ta cảm giác còn vắng, thiếu. Mà đồng bào còn nhiều người nghèo thì những người con Phật cũng chẳng lấy làm vui. Vậy mới có những cảnh chùa Vu lan náo nức những niềm vui chia sẻ.
Từ trong giảng đường, nơi đang hành lễ bỗng có ai đó ngân nga một câu ca: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/ Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không…”. Đã tới lúc những cô gái bưng khay hoa hồng đi gắn. Vội vào xin lấy một bông. Tự hào vì mình còn mẹ nên đã xin một đoá hồng đỏ.
NGUYỄN