BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mất trộm cây rừng tại Vườn quốc gia… do lực lượng bảo vệ mỏng? 

Cập nhật ngày: 07/05/2023 - 11:23

BTNO - Ngày 3.5.2023, Báo Tây Ninh có đăng bài ghi nhận tình hình một số cây rừng tự nhiên bị lâm tặc cưa trộm tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Ngày 5.5.2023, ông Tạ Ngọc Dân- Phó Giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Vườn QGLGXM) xác nhận có tình trạng này.

Một trong số 5 gốc cây lim xẹt bị cưa trộm tại tiểu khu 24

Theo ông Dân, tại khoảnh 4, tiểu khu 24 Vườn QGLGXM có 6 cây rừng bị kẻ trộm cưa hạ và lấy đi phần thân. Trong đó, có 1 cây xoay (tên thường gọi là cây xay) và 5 cây lim xẹt. Đường kính gốc các cây này từ 28cm - 40cm, đường kính ngọn từ 18cm - 30cm. Số cây rừng bị cưa hạ rải rác, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2022 đến đầu tháng 4.2023.

Ông Dân còn cho hay, còn có  2 cây trắc, 1 cây cầy, 1 cây lim xẹt đã bị cưa hạ rải rác từ nhiều năm trước, các cây này cũng đã được phát hiện và báo cáo. Đồng thời, đơn vị chủ rừng và Hạt Kiểm lâm đã triển khai kế hoạch tuần tra, kiểm tra khu vực bị mất trộm cây, kết quả đã tịch thu một số tang vật, phương tiện nhưng không truy bắt được đối tượng.

Ông Tạ Ngọc Dân cho biết, do địa bàn quản lý rộng, lực lượng bảo vệ rừng của Vườn QGLGXM khá mỏng. Tổng số biên chế lực lượng bảo vệ rừng hiện nay là 82 người, được bố trí cho 8 đội quản lý bảo vệ rừng.

Các đội được chia thành 27 chốt bố trí rải rác trên địa bàn, trực tiếp quản lý bảo vệ 30.023 ha rừng thuộc địa giới hành chính của 6 xã. Trong mùa cao điểm phòng, chống cháy rừng, lực lượng này còn phải được huy động tối đa để làm nhiệm vụ trực phòng cháy, chữa cháy ở các khu vực trọng điểm… các đối tượng lợi dụng mùa khô để vào rừng trộm cắp lâm sản.

Mặt khác, khu vực cây rừng bị cưa trộm tiếp giáp với khu dân cư có nhiều hộ dân sinh sống, nhiều đường mòn, lối mở nên khó kiểm soát hoàn toàn việc người dân xâm nhập trái phép vào rừng. Thực tế, khu vực có số cây bị cưa trộm cách chốt bảo vệ rừng gần nhất khoảng 2km, các đối tượng trộm cắp cây rừng thường dùng cưa tay, cưa máy hoạt động bằng pin hoặc gắn bộ phận hãm thanh nên tiếng ồn rất nhỏ, cây bị cưa ở cự ly xa rất khó phát hiện.

Phần ngọn cây xoay bị cưa hạ còn bỏ lại tại hiện trường

Bà Trần Thị Ngân Hà- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh xác định tình hình về số cây rừng tự nhiên bị mất trộm đúng như ông Tạ Ngọc Dân đã cho biết, với nguyên nhân tương tự. Trong đó, bà Hà cũng nhấn mạnh nguyên nhân do lực lượng bảo vệ rừng mỏng, cây rừng bị mất trong thời điểm cần tăng cường lực lượng bảo vệ rừng tập trung phòng, chống cháy tại các khu vực trọng điểm.

Về việc tiếp tục duy trì các giải pháp bảo vệ rừng trong thời gian tới, ông Tạ Ngọc Dân cho hay, Vườn QGLGXM sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học đối với các hộ dân vùng đệm với nhiều hình thức đa dạng. Củng cố, kiện toàn lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Thường xuyên phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Tân Biên tuần tra bảo vệ rừng trên địa bàn, mật phục vào ban đêm, nhất là tại các điểm nóng.

Một trong số gốc cây trắc bị cưa hạ tại tiểu khu 24 đã mọc chồi tái sinh

Đồng thời, Vườn QGLGXM chú trọng phát triển mạng lưới cung cấp tin báo, tố giác các hành vi phá rừng, tăng cường quản lý địa bàn, quản lý đối tượng. Triển khai công tác quản lý, giám sát tuần tra rừng bằng phần mềm Locus Map, lắp đặt thêm thiết bị công nghệ cao bí mật trong rừng để truyền dữ liệu báo động, phát hiện kịp thời các hoạt động bất hợp pháp. Theo đó, lắp đặt bẫy ảnh (ghi dữ liệu video HD, hình ảnh), thiết bị chip tích hợp camera bí mật sử dụng sóng điện thoại, thiết bị báo động chuyển động sử dụng tín hiệu LoRa…

Quốc Sơn