Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Máy bay không người lái – “át chủ bài” của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố
Thứ sáu: 10:38 ngày 15/07/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - CIA đang chỉ huy các hoạt động của hai sát thủ không người lái là Predator và Reaper ở ít nhất 5 quốc gia: Afghanistan, Pakistan, Somalia, Yemen và Libya.

Trong thời đại ngày nay, đối với một quốc gia nền kinh tế bị giảm sút vì mãi mê chinh phạt như Mỹ, việc sử dụng một vũ khí hoàn hảo rất thích hợp với điều kiện ngân sách chiến tranh ngày càng eo hẹp.

Trong hai năm trở lại đây, máy bay không người lái trang bị tên lửa đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là khi Tổng thống Barack Obama bắt đầu rút dần binh lính ra khỏi Iraq và Afghanistan, tập trung mở rộng cuộc chiến chống khủng bố sang những nơi từng là thiên đường của các tổ chức vũ trang Hồi giáo cực đoan như Somali, Yemen – những nơi mà lính Mỹ không khi nào đặt chân đến. Theo các quan chức đương nhiệm lẫn các cựu quan chức chính phủ Mỹ, hiện nay Cục tình báo trung ương Mỹ CIA đang chỉ huy các hoạt động của hai sát thủ không người lái là Predator và Reaper, được trang bị tên lửa cực mạnh Hellfire ở ít nhất 5 quốc gia: Afghanistan, Pakistan, Somalia, Yemen và Libya. Trong khi đó, quân đội Mỹ sử dụng các loại máy bay không người lái khác, chủ yếu là để do thám ở Iraq và một số khu vực khác.

Theo các chuyên gia, trong tương lai, có thể CIA sẽ mở rộng việc sử dụng loại vũ khí này nhằm đối phó với những mối đe doạ khủng bố đang nổi lên. Mới đây nhất, trong hai ngày 11 và 12.7, ít nhất 48 tay súng Hồi giáo cực đoan bị tên lửa của máy bay không người lái tiêu diệt ở vùng bộ tộc biên giới Pakistan, nâng số vụ tấn công bằng loại vũ khí này tại Pakistan kể từ năm 2004 đến nay là 260 vụ, trong đó chỉ riêng năm 2011 đến giờ đã là gần 50 vụ. Hầu hết các chuyên gia quân sự lẫn các cựu quan chức tình báo Mỹ đều tán thành việc tăng cường sử dụng máy bay không người lái, nhưng cũng cảnh báo, những vụ tấn công sai mục tiêu, nhầm vào dân thường, đã làm gia tăng làn sóng chống Mỹ ở Pakistan. Mặt khác, họ cũng e ngại, việc mở rộng sử dụng máy bay không người lái có thể sẽ dẫn đến hậu quả: công nghệ quân sự tiên tiến này sẽ lọt vào tay “những thế lực thù địch”, và có một ngày, “gậy ông đập lưng ông”.

Việc sử dụng máy bay không người lái nhằm tiêu diệt các nhóm khủng bố bắt đầu được Mỹ triển khai kể từ sau sự kiện 11.9.2001. Chương trình này được tăng cường vào những năm cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống George W. Bush và đang được Tổng thống Barack Obama sử dụng như một át chủ bài. “Khi bị đe doạ, chúng ta phải phản ứng bằng vũ lực. Nhưng khi có thể xác định được mục tiêu, chúng ta không cần phải triển khai số lượng lớn binh lính ở nước ngoài” – ông Obama nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu hôm 22.6, thông báo việc rút binh lính khỏi Afghanistan. Bài phát biểu này cũng ngầm ám chỉ rằng, Mỹ đã chấm dứt thời kỳ phát động các chiến dịch chống khủng bố với quy mô lớn, góp phần giảm bớt số lương thương vong cho binh lính Mỹ.

Chiến lược chống khủng bố mới của Nhà Trắng mang không ít dấu ấn của Phó Tổng thống Joe Biden. Theo ông Biden, bộ binh sẽ được thay thế bằng các đơn vị đặc nhiệm – đảm nhận vai trò bắt giữ, thẩm vấn – và máy bay không người lái.

Tuy nhiên, không hẵn Tổng thống Obama quá phụ thuộc chiến lược này. Bằng chứng là ông Obama đã không sử dụng máy bay không người lái để tiêu diệt Osama bin Laden hồi đầu tháng 5, mà cử đặc nhiệm hải quân SEAL thực hiện. Một tháng trước đó, ông cũng đã từ chối sử dụng máy bay không người lái để tiêu diệt thủ lĩnh phiến quân Somali Ahmed Abdulkadir Warsame. Lực lượng đặc nhiệm đã bắt giữ hắn và dẫn độ về Mỹ.

Đặng Hoàng Thái

(tổng hợp)

Từ khóa: