Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bà luôn tay vuốt đi vuốt lại những thứ quà bánh trên bàn cho nó phẳng phiu hơn để dễ đóng vào thùng. Nói rằng bà nâng niu cũng đúng vì nó không những là mồ hôi nước mắt, mà còn là của yêu thương đến xót xa.
Nhân viên bưu chính đưa ra chiếc thùng hình như bé quá, không chứa hết các vật dụng cần gửi, nên khách phải làm đủ mọi cách cho quà cáp nén lại. Những “trà lài trà dứa”, những “bánh tráng muối me”, mấy hộp kẹo cao su, chục gói mì khoai tây, chục gói cháo yến, mấy gói thuốc lá, chai dầu gội, bịch bột giặt…
Ðôi tay già nua của bà run run khi vuốt đi vuốt lại, rồi lại xếp mớ quà ấy vào thùng, đậy nắp chưa được, lại giở ra vuốt nữa.
Tôi chỉ gửi phần bưu phẩm đã đóng gói sẵn ở nhà, nên trong khi chờ đợi nhân viên bưu chính làm thủ tục thì tiện tay giúp bà gói ghém những thứ này.
- Nay bệnh nhân Covid đâu còn phải cách ly tập trung mà cô gửi thức ăn dữ vậy ạ?
- Ờ không… nó không bị Covid, nó… ở trỏng…
Lời người mẹ ngập ngừng, hai bàn tay đang gói ghém cũng đưa lên lau mắt khiến tôi hiểu ra sự việc.
- Ðừng buồn nữa cô, em nó sắp về rồi mà!
- Về sao được, án mười tám năm, mới ở có bốn năm thôi cô ơi…
Thời gian như đông cứng trong vòng mấy giây mà không ai nói với ai lời nào được nữa.
Bây giờ, các thứ quà cáp đã chịu nằm yên vào chiếc thùng nên người mẹ ấy đến ghế ngồi chờ gọi tên làm thủ tục.
Bà ngồi đối diện tôi, sau lớp khẩu trang vải đã ngả màu, mái tóc chỉ còn sương nắng, bà cho biết mình đã 75 tuổi, làm nghề bán vé số, có ba con trai. Trong đó, một đứa… đang thụ án.
- Em ấy đã có vợ con gì chưa ạ?
- Hai lăm tuổi, vợ con có cũng như không, vậy mà phải ở trỏng mười tám năm vì… giết người.
***
Ðược là trai út trong ba người con trai của bà Năm. Từ mười lăm tuổi, học xong lớp 9 đã theo hai anh đi làm cu li thợ hồ. Mười tám tuổi không đi nghĩa vụ được, vì trong lần đi làm hồ nọ đã bị sập tường gãy xương vai.
Hai mươi tuổi, Ðược đã thành thợ nhì, hai năm sau thì lên thợ nhất. Hai người anh lấy vợ ở xa, chỉ có Ðược ở nhà với mẹ. Lương thợ nhất khá cao nhưng Ðược chỉ “góp” bao gạo, bịch muối hằng tháng với mẹ. Cơm nhà hằng ngày Ðược vẫn ăn, bà Năm đều không ý kiến. Vì nuôi con hai mươi năm còn được, giờ đáng gì số tiền công nhật của nó mà đòi hỏi. Bà Năm ngoài lúc đi bán vé số thì phụ tiệm bánh xèo gần nhà cũng có thu nhập thêm.
Quán bánh xèo nổi lửa từ hai giờ chiều, bán tận chín giờ tối không lúc nào ngớt khách, nên tiền công của nhân viên cũng khá. Vì vậy, bà Năm không bao giờ đòi hỏi số tiền con trai út phải đóng góp hằng tháng.
Vậy mà nó không có dư mới nghiệt! Ðến khi Ðược đòi cưới vợ ở tuổi 24 thì bà Năm mới té ngửa là nó… không dư đồng nào. Ðã vậy, con bà còn đòi sửa nhà khang trang, xây một cái phòng riêng đẹp như cung điện, mẹ bỏ nghề bán vé số đi “cho đỡ mang tiếng” thì cô gái kia mới ưng nó làm chồng.
Bà Năm khóc, tiền đâu sửa nhà? Tiền đâu xây phòng? Mày muốn vậy thì tự lo chứ con? Ðất mẹ có sẵn, nhà cũng có đây, vợ mày chê thì mày phải sửa chứ kêu gì mẹ? Bao năm qua mày làm có đưa tiền mẹ đâu? Chưa kể tiền lễ lạt, cưới xin cũng mất trăm triệu rồi?
- Vậy giờ Mỹ đã có bầu thì làm sao hả má?
- Thì… thú phạt chứ sao hả con?
- Ðời con gái người ta có một lần xe hoa áo cưới, mà má kêu thú phạt là sao?
- Chứ giờ mày muốn sao?
- Sửa nhà, cưới vợ, phải cưới em Mỹ thật rình rang con mới chịu. Nếu không, con đi bụi cho cho má coi.
Nói là đi, bà Năm làm sao cản. “Con không cha như nhà không nóc” là vậy. Ông ấy đã bỏ vợ ra đi cùng người đàn bà khác, khi họ vừa kịp có ba đứa con với nhau. Cái ngày chồng bà Năm ra đi, cu Ðược mới năm tuổi chứ lớn lao gì. Cái ăn cái mặc đã oằn lưng người mẹ nghèo. Thì sự dạy dỗ con cái chỉ có giới hạn chứ làm sao xuyên suốt được? Tụi nó không đói, không thất học, không lưu linh lưu địa, không du côn du đảng… thì đã là sự cố gắng hết sức của người mẹ đơn thân rồi.
Còn trí tuệ và hiểu biết để sống sao cho phải đạo làm con, phải cách làm người thì có khi phải là đời dạy cho chúng chứ mẹ chỉ dạy ở giới hạn nào đó thôi.
Hai người anh của út Ðược sau mấy lần tìm em cũng không thèm đi tìm nữa. Họ có tổ ấm riêng, còn phải lo cơm áo cho vợ con mình. Làm sao để dễ tìm khi người cố trốn? Bà Năm cũng không còn cách để tìm con, lòng nhủ thầm nó đã hai mấy tuổi, chắc không đi lạc đâu mà sợ. Nhà đây, rồi nó sẽ trở về.
Nó về thật, gần một năm sau ngày ra đi, nó đã trở về trong một đêm khuya mà mẹ già không ngủ được.
Hôm ấy, bà Năm nghe trong người mệt quá, lòng chộn rộn, mi mắt giật liên hồi, bà không ngủ được dù kim đồng hồ đã nhích sang ngày mới. Bà vẫn nằm trên võng, bật điện thoại nghe mấy bài kinh Sám hối:
“…Người làm phước có khi mắc nạn,
Kẻ lăng loàn đặng mạng giàu sang.
Ấy là nợ trước còn mang,….”
- Má ơi! Mở cửa cho con đi má!
Tiếng gọi khẩn cấp và hình như run sợ. Bà Năm vụt dậy.
Một bóng người quen thuộc lách vào nhà, chiếc áo sơ mi màu xám còn thoảng mùi hành mỡ trên người của thanh niên ấy hình như dính máu. Mùi tanh tanh xộc vào khướu giác mẹ già.
Bà Năm lần tường tìm công tắc đèn bật thêm cho nhà sáng.
- Má… đừng bật đèn… con giết người rồi má ơi!
- Giết… người…. mà giết ai? Tại sao giết?
- Em Mỹ… Mỹ…
- Mỹ… nó là vợ mày mà? Mày nói gì vậy Ðược?
Bóng thanh niên ngồi thụp xuống ôm đầu. Ðược cho biết, gần một năm qua, mình và Mỹ thuê nhà trọ sống chung, ngày anh đi làm, tối đi chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập. Mỹ bầu bì rồi sinh con, chẳng may đứa trẻ bị tim bẩm sinh nên cứ bệnh vặt mãi. Bao nhiêu tiền anh làm ra đều không đủ chi dùng. Ðược muốn đem Mỹ về nhà “cho đỡ tiền nhà trọ” và dù sau cũng có bà nội bé chăm sóc phụ. Nhưng Mỹ không chịu, nói sống nhà trọ thoải mái hơn.
Dạo gần đây, chạy xe ôm đêm ế quá, Ðược xoay qua phụ quán ăn. Rất nhiều đêm phải mười hai giờ khuya mới về nhà. Sáng sáu giờ đã phải dậy đi tới công trường. Sức khoẻ bị bào mòn, tình yêu đã bị cơm áo, gạo tiền, thuốc thang con trẻ làm cho hao hụt. Ước vọng “chỉ cần có nhau là đủ” của tuổi trẻ không còn là lý tưởng nữa.
Ðêm nay, Ðược cảm thấy mệt, nên xin chủ quán về sớm một chút. Trên tay còn hộp thức ăn với món hải sản yêu thích của Mỹ. Vậy mà… căn phòng trọ quen thuộc ấy, trước cửa là đôi giày của ai chứ không phải của Ðược. Cửa phòng khoá trong, gọi điện thoại Mỹ không nghe, đến khi cửa mở thì một bóng người chạy vụt ra còn chưa kịp mặc áo.
Vương vãi trên tấm nệm quen thuộc không phải là quần áo của Ðược. Người đàn ông trẻ đã hiểu ra tất cả. Cây xà beng 60cm vốn là đồ nghề của thợ hồ, hôm nay đã thành hung khí. Máu Mỹ chảy khá nhiều, dính cả áo của người gây án. Ðược chỉ kịp lên xe rồ máy, hướng vô thức về lại nhà mình sau bốn mươi phút chạy xe.
- Con mày đâu?
- Con… con không biết…
- Rồi… con Mỹ… nó sao?
- Con… cũng không biết… Giờ làm sao hả má ơi?
- Ði, lên công an xã đầu thú chứ sao nữa?
- Nhưng con sợ quá…
***
Xui cho Ðược, Mỹ đã chết vì “gãy đốt sống cổ”. Người thân của Mỹ làm to chuyện, nào là không cưới xin mà vẫn có vợ, vậy mà còn không biết lo cho vợ được cơm no áo ấm. Ðể người đàn ông khác phải lo giùm, đáng ra phải biết nhục mà rút lui chứ sao lại đi cố ý giết người để thoả mãn thù hận?
Mẹ Ðược phải thuê luật sư để bảo vệ cho con. Những đồng tiền gom góp từ bao lâu nay của những tờ vé số, những buổi rạc chân vì chạy bàn phụ quán bánh xèo được người mẹ ki cóp giữ gìn. Tưởng để cho dâu, cho cháu mà đổi lấy nụ cười. Ai dè phải run run trao nó về hướng luật sư.
Cha mẹ của “bị hại” yêu cầu “mạng đền mạng”, án của Ðược phải “có chữ” chứ không phải “có số” thì họ mới bằng lòng.
May luật sư của Ðược giỏi, ông phân tích thiệt hơn, đúng luật, đúng người, đúng tội. Bởi thật ra vụ án xảy ra, lỗi một phần cũng do “bị hại”, tuy Mỹ và Ðược chưa cưới, nhưng họ đã đăng ký kết hôn. Thế nhưng “bị hại” đã có quan hệ ngoài chồng ngoài vợ với người khác. Ðó là vi phạm luật hôn nhân gia đình, Ðược vì ghen, tất nhiên không nhịn được.
Toà chấp nhận lời biện giải của luật sư bên “bị cáo”.
Án tuyên Ðược 18 năm tù ở.
Người mẹ già gục xuống: “Trời ơi… tui đặt nó tên Ðược, mà sao nó mất cả cuộc đời vì một người đàn bà như vậy?”.
***
Bốn năm nay, lúc dịch bệnh chưa hoành hành, đôi chân người mẹ ấy còn khoẻ hơn thì ngày bà bán trăm tờ vé số. Chiều phụ quán bánh xèo được một trăm ngàn nữa. Tháng có sáu triệu, chia ra làm hai phần. Một nửa mua thức ăn, mua thuốc uống, phần còn lại để dành đi thăm con. Từ nhà tới trại giam là 80km, “bao” xe honda ôm hết bốn trăm ngàn. Quà cáp, tiền xài vặt gửi cho con cũng bạc triệu mỗi lần thăm.
Lâu lâu hai anh của Ðược thay phiên nhau chở mẹ đi thăm em, cũng cho nó vài gói thuốc, bịch trà. Nhưng biết bao nhiêu là đủ, khi mà họ cũng có gia đình riêng.
Bà Năm “sắp lịch” hai tháng đi thăm con một lần. Ngày đi thăm nó, sẽ là nghỉ bán vé số, cũng không phụ quán bánh xèo, vì đi về mệt lắm. Ðường xa dằn xóc, nắng nóng, sức khoẻ người già không cho phép nữa. Rồi dịch bệnh tới, gần cả năm dài không thăm nom hay gửi quà cáp gì được hết.
Dạo này mưa gió bán buôn ế ẩm nên bà chỉ gửi quà thôi, không đi thăm con được, vì tiền xe ôm cũng ngốn một phần đáng kể.
Nhân viên bưu chính gọi tên người gửi thùng quà vào trại giam X. Tiền cước là… Bà mở kim băng, lần túi lấy ra một xấp tiền nhiều mệnh giá một ngàn, hai ngàn, năm ngàn, mười ngàn… để trả tiền cước bưu phẩm.
Tôi ghi nhanh dãy số điện thoại mình vào mẩu giấy có sẵn trên bàn, dặn rằng khi nào muốn đi thăm Ðược thì bà Năm hãy gọi con chở đi, công việc của con không ngại đường xa, coi như cho bà “quá giang” vậy đó.
Vạt áo bà ba màu trắng ngà ấy lại vén lên lau mắt vì cảm động, tôi phát hiện, chiếc áo túi bà mặc bên trong còn có mấy miếng vá sẫm màu. Thả nhẹ tờ tiền vào chiếc túi mà bà đeo trên vai, tôi bảo “xem như con phụ bà tiền cước gửi quà hôm nay ạ”.
Bà cúi đầu lia lịa cảm ơn. Nước mắt tôi ở đâu bỗng trào ra nhoà nhạt cả người đối diện. Chiếc xe đạp và mê nón lá của bà Năm khuất trong dòng người rồi tôi mới rồ máy xe mình. Lòng nghĩ về người mẹ tuổi bảy lăm hằng ngày bán từng tờ vé số để dành dụm thăm đứa con tù nhân vừa chớm ba mươi ấy.
Nó còn thụ án mười bốn năm nữa, liệu bà đủ sức để chờ ngày con trở về?
Ð.P.T.T