BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mê Mai 

Cập nhật ngày: 14/01/2024 - 21:17

BTN - Tôi nằm nghiêng, gác cái chân đau lên đống mền. Bàn chân phải bị cụt mất một nửa bất chợt nhức buốt, giần giật mỗi khi trời về khuya, se lạnh. Mùa Đông đã về. Mới ba giờ sáng, giấc ngủ trốn đi đâu mất tiêu. Sáng nay tôi có cái hẹn với một chị bạn. Tối qua, lúc sắp đi ngủ, cổ điện thoại.

- A lô anh Nam! Có cái kèo thơm lắm. Mần không?

- OK! Cô biết tính anh rồi, còn hỏi. Trừ việc ở nước ngoài, chứ còn ở đâu anh cũng không ngán!

Tiếng cười lanh lảnh trong điện thoại.

- Mà kèo này ở nước ngoài thiệt á! Dám hông?

 Tôi viện cớ “bát-bo” đã hết hạn. Chắc cô này tính dẫn mình qua Cam.

- Xời ơi! Ngay gần Cửa khẩu Mộc Bài thôi! Không cần hộ chiếu! Em bao anh đi về luôn!

Vậy là chúng tôi hẹn nhau tám giờ cà phê ở bên kia đất bạn.

Trước khi đi gặp đối tác, Lan- tên cô bạn, dặn tôi:

- Bà này là khách ruột của em, tuy mới thượng gia chứ chưa đại gia, nhưng mà chịu chơi lắm! Bả đám cưới cho con gái. Có đứa con cưng nên làm rình rang, muốn quay phim lưu lại cho ba nó ở xa về coi! Anh ráng làm cho đẹp nhen!

Chuyện nhỏ! Ai không biết tôi là chuyên gia quay phim, chụp hình có tiếng ở đất này. Tuy cái chân bị thương hồi chiến tranh làm tôi di chuyển tập tễnh, nhưng tinh thần và kỹ thuật thì miễn chê. Xe dừng lại trước ngôi nhà ba tầng khang trang, cách cửa khẩu hai cây số. Bà chủ nhà khoảng sáu mươi tuổi, bận chiếc xà rông màu tím sẫm, áo thun đen lấp ló phần ngực trên còn rắn chắc. Tôi giật mình, như nhìn thấy chiếc xà rông này ở đâu đó. Người phụ nữ chắp hai tay trước ngực, khẽ cúi đầu chào.

- Xôm rua coongtop Nam!” (Chào bộ đội Nam!)

Ủa! Sao bả biết tên tôi nữa? Lan giới thiệu về tôi bằng tiếng Khmer, bà kia bất chợt nói tiếng Việt.

- Tui biết ổng lâu rồi!

Rồi quay lưng dẫn chúng tôi vô nhà. Cặp mông lớn căng tròn sau tấm váy, lắc qua, lắc lại. Trí nhớ của tôi loé lên như chớp lửa đạn pháo bốn mươi lăm năm trước. Tôi kêu lên.

- Mê mai! (bà goá!)

- Dạ! Em là Mê mai ngày đó đây!

Hôm đó, đơn vị tôi phối hợp với một trung đội bạn, truy quét tàn quân địch ở vùng Tôn-lê-sáp. Đội lính vận tải địch nổ súng đánh trả một lúc, rồi rút chạy, bỏ lại vô số ba lô chứa đầy hàng hoá. Từ thuốc men, đạn dược đến lương khô, thịt hộp đều in những chữ tượng hình của nước ngoài. Chúng tôi thu chiến lợi phẩm, quay về. Đang hành quân trong nóng bức và khát khô cổ họng, tiếng reo của đồng đội làm tôi khoẻ lại.

- Ô! Về tới phum rồi!

Trước mặt tôi, trong ráng chiều đỏ rực, những ngọn cây thốt nốt đong đưa theo chiều gió. Bà con trong phum đổ ra đón bộ đội. Mấy bà, mấy cô đội trên đầu những chiếc thúng đầy thức ăn, nước uống và cả thuốc lá. Đứng trước tôi là một phụ nữ trẻ, đôi mắt to có hàng mi cong vút nhìn chằm chặp cái mặt lính đầy khói bụi. Cô bận chiếc xà rông màu tím cũ xỉn, chiếc áo thun đen sờn rách muốn nứt tung cặp vú đồ sộ. Cô nhìn tôi lẩm bẩm:

- À so men ten! (da trắng quá)

Một bà già gần đó, cất tiếng gọi:

- Mê mai! Chụa tâu! (Bà goá! Lấy đi)

Tôi hiểu tiếng “Mê mai” là bà goá. Trên đất nước này, sau cuộc diệt chủng của chế độ độc tài, có hàng triệu “mê mai”. Người phụ nữ đang đứng trước mặt tôi chắc cũng có chồng chết trong cuộc tàn sát đó. Cô quay lại đám đông, cặp mông núng nính qua lại, làm tôi không rời mắt. Cô lấy một nải chuối, một ống tre nước thốt nốt và gói thuốc lá, đem tới cho tôi. Ánh mắt goá phụ đầy khát khao, quyến rũ.

- Boong choòng dô nhâm tê? (Anh muốn lấy em không?)

Tôi, một thằng thanh niên hai mươi ba tuổi, chưa biết mùi đàn bà ra sao, nên chỉ đứng ngẩn người, đỏ mặt. Thú thực, trong đời tôi có hôn cô bạn sinh viên cùng học Trường Thuỷ lợi ba lần. Từ ngày đi bộ đội, cuối lá thư nào cô bạn cũng viết “Hôn anh thắm thiết”, nhưng chỉ là hôn trên giấy.

Nghe câu hỏi của Mê mai, phía bên kia, nhiều tiếng phụ nữ cười rộ lên, những ánh nhìn thương hại.

Đơn vị tôi đóng bên ngoài phum Tờ-ri nhằm bảo vệ dân, nên lính chẳng lạ người nào. Trong phum có việc lớn, nhỏ gì cũng hay được bộ đội Việt Nam giúp đỡ. Buổi trưa tôi có gặp Mê mai đi hái đọt lục bình. Cô ngỏ lời nhờ lắp giùm cánh cửa vô nhà. Bà goá ở một mình mà nhà không có cửa, phiền lắm. Tôi hẹn sáng chủ nhật sẽ đến cùng một đồng đội nữa, nhưng mọi lời hứa hẹn trong chiến tranh đều chẳng biết thế nào. Mới bốn giờ sáng đã có lệnh xuất kích. Tôi lắp pin mới cho chiếc máy 2W-PRC 25, rồi vội lên xuồng chỉ huy. Mười chiếc xuồng, mỗi chiếc chở bốn người lính, lặng lẽ trườn đi trên cánh đồng ngập nước. Trinh sát báo mục tiêu cách hai cây số về hướng trái, trên một gò mối. Quân số địch khoảng một đại đội, hoả lực mạnh có khẩu đại liên K57. Đoàn xuồng triển khai đội hình bao vây, tiến dần về phía cây goòng xa xa. Không hiểu sao trận này “nhạt” quá. Khi khẩu DK vừa điểm hoả, các loại súng của ta nổ dồn dập mấy phút, thì địch nhảy lên xuồng tháo chạy hết. Những chiếc xuồng “thốt nốt” nhỏ gọn nên rút chạy rất nhanh, xuồng lớn chúng tôi không đuổi kịp.

Cả phum lại ra đón chúng tôi trở về. Tôi thoáng nhìn thấy Mê mai tất tả chạy dọc đoàn quân tìm kiếm, chiếc áo thun đen níu chặt bộ ngực tung tẩy. Tôi giơ tay vẫy.

- Mê mai! Tâu na? (Bà goá! Đi đâu?)

Loáng cái, cô đã đứng trước mặt tôi, mắt đỏ hoe, miệng lẩm bẩm.

- Tâu lẹt hơi! (Về rồi!)

Bọn địch có loại mìn sát thương 652A rất nguy hiểm. Nó nhỏ như hộp hồ dán giấy của học sinh, trên mặt là lớp cao su mỏng chống thấm nước. Nó làm bằng nhựa, chỉ có cái kim hoả nhọn nhỏ xíu, nên máy rà mìn dễ bị lừa. Màu hộp mìn sơn xanh lá cây, nên khi địch rải xuống cỏ, chúng tôi khó phát hiện. Nếu lính đạp phải mìn này, bảo đảm bay mất bàn chân. Kẻ nghiên cứu ra loại vũ khí này thật thâm độc. Sau này còn xuất hiện loại mìn 652B cũng thế, kim hoả phụ thuộc vào viên bi lăn bên trong, lính ta không biết mà nhặt lên, viên bi chuyển động là mìn phát nổ ngay trên tay. Bản thân tôi, đã trải qua nhiều trận đánh ác liệt, chưa bao giờ bị thương, vậy mà trở thành thương binh chỉ vì một trái mìn 652A quái ác, trong một lần truy quét tàn binh địch.

Bữa đó, chính Mê mai là người chạy vô đơn vị, báo tin có bọn tàn quân cướp lương thực của dân trên lều rẫy. Tôi hỏi.

- Mấy người?

 Mê Mai giơ hai bàn tay, rồi cụp lại ba ngón. Bảy tên. Vậy cử một tổ bốn người là ổn.

- Hạ sĩ Nam làm tổ trưởng! Đem theo lương khô ba ngày! Gặp địch, cố gắng bắt sống!

- Rõ!

 Mê mai dẫn chúng tôi đến con rạch cửa rừng, chỉ tay về phía đồi trước mặt.

- Or cun! (Cám ơn). Giờ Mê mai hãy quay về, ở đây nguy hiểm!

 Nhóm tàn quân đang ngủ trưa trong lều, bị chúng tôi tấn công bất ngờ, chỉ kịp bắn đáp trả vài tiếng súng, rồi lủi vô rừng. Đến gần chiếc lều rẫy, tôi thấy một xác địch nằm gục ngay lối đi. Trong lều còn mấy bộ quần áo thường dân, mùng mền, gạo, mắm bò hốc, chanh, ớt… Tôi rê súng bước ra sau lều, lối mòn một vệt cỏ đổ rạp. Tụi nó chạy hướng này. Khoát tay ra hiệu cho anh em triển khai đội hình chữ V tiến sâu, tôi nhảy qua một hòn đá, chân vừa chạm đất thì ánh lửa chớp nhoàng trước mặt, kèm tiếng nổ đanh. Mìn rồi! Tôi kịp kêu thầm trong đầu, rồi ngã vật xuống, bàn chân phải loã máu, đau đớn. Đồng đội cột dây garo trên cổ chân tôi, băng bó xong chuẩn bị khiêng về căn cứ, thì Mê mai chạy ào tới. Cô ôm chặt lấy tôi, khóc nức nở.

- Boong ơi! Sao vậy? - Mê Mai hỏi bằng tiếng Việt, nước mắt chảy ướt ngực áo tôi. Thì ra cô nán chờ chúng tôi ngoài trảng, nghe tiếng mìn nổ thì chạy đi tìm.

Suốt mấy ngày nằm ở trạm quân y, tôi luôn được Mê mai chăm sóc tận tình. Chuối, bánh tét, đường thốt nốt, sữa lon… lúc nào cũng xếp đầy đầu giường. Những thương binh cùng phòng nhìn tôi với ánh mắt ghen tị. Tôi đem chia quà cho anh em, cười cầu tài, giải thích. “Người quen thôi! Nhà cô ấy gần đơn vị tôi. Chồng chết bảy năm rồi! Chúng tôi gọi là Mê mai!”. Từ hôm ấy, anh em thương binh hay chuyện trò, hỏi thăm Mê mai, cô trở thành người giúp việc tình nguyện, khi mua giúp cho thương binh vài thứ đồ dùng cá nhân, thuốc hút. “Mê mai tốt quá! Lấy chồng đi!”. Mê mai liếc nhìn tôi, cười.

Trạm trưởng đột ngột thông báo.

- Năm đồng chí bị thương nặng, chuẩn bị ba lô gọn gàng, để chuyển quân!

 Trong danh sách năm người có tên tôi. Tôi giữ lại hai bộ quần áo, quyển tiểu thuyết văn học Nga, còn trái cây, quà bánh đem chia hết cho anh em ở lại. Chiếc khăn Krama sọc đen trắng của Mê mai bữa cô choàng cổ cho tôi được gấp gọn gàng để dưới đáy ba lô.

Chiếc xe U-oát nổ máy, những bàn tay đồng đội lưu luyến vẫy chào. Tôi chợt nhìn thấy Mê mai sấp ngửa chạy tới, mái tóc cắt ngắn bay loã xoã, bàn chân trần đỏ bụi. Cô bám lấy cửa xe, mắt dáo dác tìm tôi.

- Nam! Ở lại với em! Em sẽ nuôi anh!

 Tiếng cô gào lên, chìm trong tiếng động cơ. Ai đó xuống xe, cố gỡ hai bàn tay cô nắm chặt. Chiếc xe lao vút đi. Mê mai loạng choạng suýt ngã. Tôi ngoái nhìn lại, thấy cô vẫn chạy theo xe, hai tay giơ lên trời. Bóng Mê mai mờ dần trong bụi đỏ. Tôi gục đầu xuống, lén lau dòng nước mắt.

Số thương binh nặng ở các đơn vị tập trung tại sân bay, chờ chuyển về nước điều trị. Tôi may mắn còn chống nạng đi được, có người còn nằm mê man trên cáng, chai nước biển truyền nhỏ từng giọt vào mạch máu. Nắng tháng Tư đổ lửa hầm hập xuống sân bay. Mồ hôi chảy tràn trên mặt tôi, thấm ướt ngực áo. Mãi tới hai giờ chiều, chiếc máy bay AN24 mới xuất hiện, lượn một vòng rồi như con chim khổng lồ nhẹ nhàng hạ cánh. Chiếc cửa dưới bụng máy bay mở toang hoác. Chúng tôi điểm danh, rồi được các y, bác sĩ dìu lên khoang. Máy bay cất cánh ngay, trong khoang bắt đầu ồn ào tiếng cười nói. Ai cũng mừng vì được về nước, riêng tôi, một nỗi buồn trĩu nặng, ê ẩm đau cùng vết thương dưới chân. Hình dáng người phụ nữ liêu xiêu chạy theo tôi trong gió bụi ám ảnh trong đầu không dứt. Nước mắt tôi lại chảy ra. Mãi tới khi máy bay sắp hạ cánh, tôi vẫn chưa hết buồn. Khi được chuyển tới bệnh viện quân đội ở Thủ Đức, tôi mới sực nhớ tới ba mẹ, người thân và cô bạn gái. Vừa ổn dịnh chỗ nằm, tôi đã chống nạng tập tễnh ra cổng viện, lân la làm quen một chiến sĩ bảo vệ.

- Ở bển ác liệt lắm hả?

Anh nhìn bàn chân cụt của tôi, ái ngại.

- Cũng bình thường!

 Tôi nói và ngỏ ý nhờ anh liên lạc với gia đình. Nhà tôi ngay ở quận 5, TP. Hồ Chí Minh, nên liên lạc nhanh chóng. Chỉ tuần sau, má và em trai tôi đã có mặt, với giỏ quà lỉnh kỉnh đường, sữa, trái cây. Không biết nghe tin từ đâu, cô bạn thân của tôi cũng có mặt. Nàng khóc hết nước mắt, lột cam đút từng múi cho tôi ăn.

- Em giờ công tác mãi dưới Long An. Nghe tin anh là em chạy về liền.

 Nàng vuốt ve bàn chân cụt, xót xa.

- Chân cẳng vầy, rồi làm sao đi lại anh?

 Tôi cười, tự động viên mình. Rằng có cây nạng phụ đỡ, đi lại còn được mà. Chỉ không chạy được thôi. Cũng chỉ lần đó duy nhất, nàng công chúa của tôi mất dạng, không bao giờ trở lại, cho tới cuối năm sau, thằng em tôi vô thăm, khoe.

- Chị Bảy Dung đám cưới rồi! Chồng bả giàu lắm!

 Tôi bị sốt mất một tuần.

Sa The cho tôi xem tấm ảnh cưới của con gái dựng ở góc phòng khách. Ba mươi lăm năm sau, tôi mới biết Mê mai tên thật là Thạch Sa The. Cô gái xinh đẹp e ấp ôm bó hoa đứng bên chồng, chỉ giống mẹ đôi mắt to tròn, hàng mi cong vút. Da cô trắng, mũi cao hơn mẹ.

- Nó làm việc ở Phnom Penh. Sắp cưới về được!

 Sa The nói, sau khi bộ đội Việt Nam về nước, cô mới có ý định sinh một đứa con. Cô không muốn mang cái tên Mê mai suốt đời.

- Hồi đó, nếu bộ đội Nam ở lại với em thì hết sẩy.

 Tôi nói với Sa The, bên nhà còn ba mẹ, còn gia đình, không thể ở lại được.

- Em muốn đi tìm anh, nhưng không biết địa chỉ. Hỏi các anh bộ đội có biết anh Nam không? Họ cười nói. Về nước hết rồi!

Tôi cũng rất nhớ Mê mai, nên sau khi ra quân, liền kéo lên Tây Ninh cưới vợ, lập nghiệp, cho gần biên giới hơn.

- Em cũng vậy! Cũng chuyển dần về đây, hy vọng gặp được ai đó quen anh Nam. Lục ơi! Ông trời thương!

Tôi hứa, hôm đám cưới con gái Sa The, sẽ đưa cả vợ con đến dự. Sẽ giới thiệu cho họ biết một Mê mai từng thương yêu, chăm sóc tôi những ngày chiến trận.

- Có dịp, em sẽ giới thiệu ba con Nam cho anh biết. Ổng dễ chịu lắm!

- Ủa! Cháu cũng tên Nam hả?

Sa The cười, mà mắt đỏ hoe.

P.P.Q