Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
“Cơm củi” là nấu cơm bằng củi. Hồi đó chưa có bếp gas, bếp điện như bây giờ nhưng cũng có nhiều lựa chọn. Nhà nghèo dùng củi, trấu, nhà khá giả nấu cơm than. Riêng nhà tôi thay phiên giữa trấu và củi. Trấu là lúc xay gạo hốt về, còn củi phải vô rừng để mót.
Cơm nấu quanh năm nhưng củi chỉ mót được trong mùa khô nên phải tranh thủ làm trong cái nắng lạnh người của miền Trung. Mỗi buổi chiều về, mẹ đặt gánh củi xuống, lót dép ngồi thở tại chỗ. Bạn đã thấy một người lao động nặng thở chưa? Mẹ thở xì xì, hơi ra ngùn ngụt. Mẹ nói phải thở bằng lỗ tai mới đỡ mệt. Gánh củi của mẹ to lắm, mấy ông trong xóm sức yếu yếu, thấy gánh củi của mẹ là lắc đầu ngán ngẩm. Để có một trảng củi to chụm cả năm, xong mùa hè, hai vai mẹ thâm tím.
Mùa hè mẹ đi mót củi. Mùa hè rảnh học, chị em tôi hú bầu bạn tới nhà bày trò bắt nẻ. Hì hục, tháo tung mấy bó củi của mẹ tìm cây lách (như cây sậy nhưng chắc hơn) làm nẻ. Mẹ thường chêm một ít lách vào gánh củi, dụng ý để nhen lửa cho dễ nhưng con gái tận dụng làm nẻ. Bắt nẻ ớn thì nghĩ trò khác, lại ra hè lật tung bó củi, rút những cây chắc, suôn chơi đánh đáo. Chơi xong vứt mất, lúc cần lại ra tìm cây mới.
Chị Hai nóng ruột la, phá hết đi rồi mai mốt tao chặt trụi mấy ngón tay tụi mày nấu cơm luôn. Trời ơi! Hung dữ thấy sợ, lần nào bị la, tôi và con Út cũng thấy ức. Mẹ mót củi mà còn la cỡ đấy, lỡ chị vô núi chắc hổng cho ai rờ vào bó củi luôn á. Thấy chị em căng thẳng thì làm hoà, mẹ kêu mùa hè, để cho em nó chơi thoải mái. Giờ nghĩ lại mới thấy hồi đó mình khờ quá chừng. Cứ lấy củi phá mà không nhớ cảnh mẹ ngồi thở và lật đôi dép khêu gai. Đế dép đi mót củi của mẹ gai đâm tơi tả.
Quay lại chuyện nấu cơm củi. Hồi đó, cô bé học lớp 8 như tôi sợ nhất nhiệm vụ nấu cơm. Mẹ biết con gái hậu đậu nên đã chuẩn bị sẵn củi chà hoặc lách khô chặt nhỏ ở góc bếp. Chướng ngại đầu tiên dễ dàng vượt qua, còn mỗi vo gạo nấu nhưng nồi cơm của tôi vẫn rất hên xui.
Cơm củi nếu biết nấu (như mẹ) sẽ rất ngon, đặc biệt hóng lớp cháy vàng ruộm bên dưới nhưng nếu chuyên môn yếu (như tôi) thì ôi thôi, đủ chứng đủ bệnh hết. Cơm sống, cơm sượng, cơm khê, cơm khét, chỗ cháy đen, chỗ nhão...
Cơ khổ, nấu cơm củi đâu có dễ, phải ngồi canh chừng, phải canh cho lửa cháy đều, cơm sôi bớt lửa, đợi cạn nhấc xuống bới than ra dần. Không dễ đâu nha, đưa củi vào bếp không khéo sẽ bị tắt, khói bay cay mắt, phải lật đật lấy ống thổi lửa ra sức thổi kẻo tàn than. Chỉ cần một hai lần tắt lửa lâu, cơm sẽ mất hơi, sượng, chưa kể mùi khói sẽ làm cơm khê, khét. Còn khâu hong nữa, hong không khéo nồi cơm cũng hỏng, chỗ non chỗ cháy. Con gái nhiều lần nấu cơm bất thành, mẹ đe: mai mốt lấy chồng, nấu cơm không chín, nhà chồng người ta úp nồi cơm lên đầu mà chạy. Tôi cười hi hi, “trả treo”: giờ con ráng học, mai mốt đi làm có tiền, mua nồi cơm điện rồi mới lấy chồng. Mẹ cười hiền trước câu trả lời “đáo để” của con gái.
* * *
Ra làm cô giáo. Tháng lương đầu tiên, tôi hớn hở ghi điểm bằng việc mua tặng mẹ chồng tương lai nồi cơm điện hàng hiệu để rồi hằng tuần về nhà ăn cơm củi với mẹ.
Ngày lên xe hoa, mẹ dạy con gái lấy chồng thờ phụng giang sơn nhà chồng. Và tôi đã làm y như thế. Rồi trong cơn đau bệnh lao đao, tôi bị người ta đá hất như cái cách vứt đi một miếng giẻ rách. Con gái khốn đốn, mẹ nghèo lại rộng cửa, dang tay đón con về căn nhà - vẫn còn nguyên chái bếp nấu cơm củi ngày xưa.
Nguyễn Thị Bích Nhàn