Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mong nhận được ý kiến phản hồi, phân tích về mặt pháp lý trường hợp của cháu N có được đăng ký khai sinh theo pháp luật Việt Nam hay không?

![]() |
Ngày 15.7.2003, chị H.N.D (sinh năm 1984, quê quán ở thị trấn Dương Minh Châu) kết hôn cùng ông L.L.T (công dân thành phố Tân Trúc, Đài Loan). Đến ngày 25.9.2004, vợ chồng chị D sinh cháu L.K.N. Tuy nhiên, theo nội dung tờ “Lệnh bảo hộ dân sự thông thường của toà án địa phương Tân Trúc- Đài Loan”, trong quá trình chung sống, chị D liên tục bị chồng bạo hành. Cháu L.K.N cũng thường bị cha đánh đập.
Do nhiều lần bị bạo hành, chị D đã đến trình báo toà án địa phương và được cấp phát lệnh bảo hộ thông thường. Căn cứ vào tài liệu ghi chép điều tra xử lý bạo lực gia đình của Cục Cảnh sát thành phố Tân Trúc và tài liệu chứng nhận chẩn đoán xâm hại của Bệnh viện Tân Trúc, sau khi điều tra, toà án nhận định “nguyên đơn đã chịu hành vi bạo lực gia đình từ bị đơn rất nhiều lần, và chịu những nguy hiểm từ bạo lực gia đình”. Tuy nhiên, sau đó chị D vẫn tiếp tục bị bạo hành, nên đã trốn chồng đi nơi khác sinh sống. Đến tháng 8.2008, chị D trốn về Việt Nam, mang theo cháu N. Thế nhưng, do nhu cầu kinh tế, chị D đã quay sang Đài Loan để lao động và gửi con cho cha mẹ ruột chị ở Việt Nam chăm sóc (chị D đã nhập quốc tịch Trung Quốc, nhưng khi quay lại Đài Loan, chị “trốn” gia đình chồng thuê nhà ở riêng).
Rắc rối xảy ra khi chị D và cha mẹ ruột chị xin làm thủ tục cấp giấy khai sinh cho cháu bé để cháu được đi học như bao đứa trẻ khác (gia đình chị D được ngành chức năng cho biết, theo quy định, trẻ không có khai sinh không được đi học). Do có yếu tố nước ngoài, nên không được cấp giấy khai sinh. Với nguyện vọng muốn cho cháu mình định cư lâu dài ở Việt Nam, nhưng gia đình chị D gặp “bế tắc” trong việc dự định cho cháu N đi học.
Trao đổi với phóng viên về trường hợp trên, một cán bộ ngành Tư pháp cho biết: “Cha cháu là người Trung Quốc, mẹ cháu đã nhập quốc tịch Trung Quốc thì mặc nhiên cháu bé là người Trung Quốc. Trong khi mẹ cháu bé vẫn ở Đài Loan, không về định cư hẳn ở quê nhà và vẫn chưa ly dị thì cháu bé không thể được làm giấy khai sinh theo quy định”. Vị cán bộ này cho biết thêm, đây là một trong số nhiều trường hợp tương tự gần đây. Tuy nhiên, một cán bộ khác cũng thuộc ngành Tư pháp lại khẳng định: “Theo quy định của pháp luật Việt Nam, nếu mẹ mang quốc tịch Việt Nam thì con phải được làm giấy khai sinh. Nếu như chị D, đã bị Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch Việt Nam thì lúc đó con chị mới không được cấp giấy khai sinh và ngược lại”. Trong khi đó, gia đình chị D khẳng định, chị chưa bị cắt quốc tịch Việt Nam.
Chúng tôi mong nhận được ý kiến phản hồi, phân tích về mặt pháp lý trường hợp của cháu N, về việc cháu có được đăng ký khai sinh theo pháp luật Việt Nam hay không?
BẢO TÂM