BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mệt mỏi 'làm đẹp' hồ sơ 

Cập nhật ngày: 09/10/2019 - 15:19

Cán bộ, công chức, viên chức nếu trình độ ngoại ngữ, tin học không đạt chuẩn có thể bị tinh giản biên chế. Vì lý do này mà nhiều người đăng ký học với mục đích duy nhất: “làm đẹp” hồ sơ.


Anh em “Hoàng tử xiếc” Quốc Cơ – Quốc Nghiệp dù đạt được nhiều vinh quang nhưng vẫn chưa được xét viên chức vì… thiếu chứng chỉ

Giáo sư cũng phải thi chứng chỉ

Vốn là kế toán trưởng của một bệnh viện lớn tại TPHCM, anh Hữu Linh (40 tuổi) mấy ngày gần đây phải ôm tập vở đi học tin học. Theo quy định mới, công chức, viên chức trong biên chế phải có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 4 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo Thông tư 01, chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư 03. “Khổ lắm, việc làm không hết ở cơ quan, nhưng đến ngày lại phải cắp sách đi học. Tin học cũng chỉ ở trình độ cơ bản, nhưng không học đủ số ngày thì không được thi” - anh Linh than thở.

Nhiều giáo viên tại TPHCM cũng “mệt mỏi” với chứng chỉ. Mới đây, giáo sư một trường ĐH lớn ở TPHCM viết trên Facebook: “Sao nỡ lòng nào bắt giáo sư đi thi lấy chứng chỉ sư phạm nữa”.

Theo giáo sư này, ông đã hướng dẫn thành công 8 nghiên cứu sinh, khoảng 50 thạc sĩ, trên 100 cử nhân, đã dạy ĐH và cao học hơn 20 học kỳ và đã được bổ nhiệm làm giảng viên cao cấp. Vậy mà giờ đây ông nhận được yêu cầu phải đi học để lấy chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm do các trường sư phạm cấp, nếu không có chứng chỉ đó thì sau này không được hành nghề giảng viên.

“Lúc thi vào biên chế, mình đã có chứng chỉ phương pháp giảng dạy đại học rồi nhưng cái chứng chỉ này giờ đây không được chấp nhận, phải là chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mới được” - ông viết.

Tác dụng ngược

Mới đây, một số họa sĩ thuộc Hội Văn học nghệ thuật Tiền Giang phản ứng về việc mở lớp bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hoạ sĩ do trường ĐH Mỹ thuật TPHCM tổ chức. Đáng nói, lớp bồi dưỡng này sẽ phân chuẩn họa sĩ theo thứ hạng từ I, II, III, IV.

Theo nhiều họa sĩ, đã làm nghề “cầm cọ” thì sự đánh giá của công chúng mới là quan trọng nhất, chứ giấy chứng nhận xếp hạng làm sao có thể đánh giá đúng được. “Công việc của người họa sĩ là sáng tạo, chúng tôi đa số đều có 4-5 năm học tại trường Mỹ thuật, có bằng cấp, trình độ hơn hẳn so với cái chứng chỉ ngắn ngày đó. Theo tôi, việc định nghĩa các cấp độ họa sĩ, chứng chỉ không thể nào áp dụng trong mỹ thuật, trong đào tạo mỹ thuật chứ đừng nói là áp dụng cho nghề họa sĩ và công việc sáng tạo” - họa sĩ L.Đ bức xúc.

Việc đưa ra quy định về chứng chỉ nghề có “tác dụng ngược” khi những người liên quan không quan tâm, thậm chí thờ ơ. Mới đây, UBND TPHCM gửi công văn tới Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch đề xuất về việc xem xét, đặc cách trong quá trình xét tuyển viên chức trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Công văn nêu rõ tại đợt xét tuyển viên chức vừa qua, chỉ có 31/71 trường hợp cá nhân có tài năng đặc biệt được xét đặc cách tuyển dụng. 40 trường hợp còn lại do thiếu bằng cấp chuyên môn, do chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành biểu diễn nghệ thuật nên chưa được công nhận kết quả xét tuyển đặc cách…

Trong số những người bị trượt công chức có nhiều tên tuổi như anh em “Hoàng tử xiếc” NSƯT Giang Quốc Cơ và NSƯT Giang Quốc Nghiệp, NSƯT Trọng Phúc, NSƯT Tú Sương, NS Dương Thanh…

 Quốc Nghiệp cho biết: “Anh em tôi công tác ở đoàn xiếc Thành phố hơn 20 năm, chỉ lo đi diễn nên không biết có lớp chứng chỉ biểu diễn mà đi học. Mà có học cũng khó vô vì nhiều khái niệm có vẻ cao siêu quá. Dù có được xét công chức hay không, chúng tôi vẫn ở lại đoàn”.

Rất có vấn đề”!

 Trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều chuyên gia khẳng định: Quy định về văn bằng chứng chỉ áp dụng đối với nhiều chức danh công chức, viên chức đang bộc lộ nhiều bất hợp lý. Hiện các bộ, ngành đã ban hành các thông tư quy định tiêu chuẩn các ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức; các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo tiêu chuẩn mới. Cụ thể, Thông tư 01 của Bộ GD&ĐT; Thông tư 03 của Bộ TT&TT và Thông tư liên tịch 17 của Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT, mới đây Nghị định 161/2018 của Chính phủ và Thông tư 03/2019 của Bộ Nội vụ liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng.

Trước phản ánh về “tính hình thức và gây phiền hà” của các loại chứng chỉ, văn bằng, ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức (Bộ Nội vụ) từng khẳng định, Bộ GD&ĐT là cơ quan có thẩm quyền quản lý về cấp chứng chỉ nên phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Còn Bộ Nội vụ có trách nhiệm ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về vấn đề tuyển dụng viên chức và “nơi nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm”. Ông Trương Hải Long thừa nhận, việc xác minh văn bằng, chứng chỉ có thể làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây khó khăn vướng mắc cho cơ quan tuyển dụng nhân sự. Tuy nhiên, việc Bộ Nội vụ đề xuất yêu cầu này cũng dựa trên cơ sở kiến nghị, chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, vấn đề chứng chỉ “rất phức tạp và có vấn đề”. Tới đây Bộ Nội vụ sẽ làm việc với Bộ GD&ĐT về việc này. Ngoài ra, vấn đề này cũng sẽ được đặt ra khi sửa đổi Luật Công chức, viên chức đang được Quốc hội cho ý kiến và chuẩn bị thông qua.

THÀNH NAM

 

Học xong diễn có tốt hơn?

Đầu tháng 8 năm nay, Cục Nghệ thuật biểu diễn mở lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về nghệ thuật biểu diễn của loại hình cải lương tại phía Nam. Học viên học 2 buổi/ngày với các chuyên đề: Đặc trưng nghệ thuật ca - múa - diễn trong sân khấu cải lương; Đặc trưng, tính chất của âm nhạc dân tộc; Ứng dụng tính mới vào âm nhạc dân tộc; Tìm hiểu những vai diễn đề tài lịch sử và đề tài xã hội… Thế nhưng chỉ có chừng 50 học viên của toàn bộ các đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực cải lương tham dự. Nghệ sĩ Hữu Trí, diễn viên gạo cội của đoàn cải lương Tây Ninh bảo: “Muốn học lắm chứ nhưng nhiều kiến thức quá, lại chỉ có 10 ngày e khó “nhét”. Chưa kể, nhiều vấn đề mang tính lý luận, chỉ dành cho người nghiên cứu sao tôi phải học? Học xong thì hát, diễn có tốt hơn được không?”.

Công văn của Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM về việc học chứng chỉ hoạ sĩ.

Nguồn TPO


Liên kết hữu ích