Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo bộ phận nông nghiệp của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà (TTC), niên vụ mía 2017, diện tích mía thu hoạch trên địa bàn tỉnh đưa về nhà máy tiêu thụ khoảng 14 ngàn ha. Tuy nhiên, trong đó, có đến 20% diện tích mía bị cháy, điều này và cả gây thiệt hại cho nông dân mà doanh nghiệp.
Xe tải chở mía nối đuôi khi vào vụ thu hoạch.
VÌ SAO MÍA CHÁY ?
Có khá nhiều giả thuyết đặt ra về nguyên nhân mía cháy. Theo một lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành- địa phương có diện tích mía lớn nhất trong tỉnh, mía gần đến ngày thu hoạch bị cháy, có thể do nông dân này đốt mía của nông dân kia vì ghen ghét, đốt cỏ rẫy cháy lan sang ruộng mía, hoặc người chăm sóc mía hút thuốc bất cẩn khiến tàn thuốc bay vào ruộng mía gây cháy.
Bên cạnh đó, nhiều người trồng mía còn cho rằng mía cháy là do những người đầu công đốt ruộng mía để người trồng mía phải trả công lén thu hoạch mía cho họ cao hơn. Thậm chí, có trường hợp người dân còn cho rằng, do mía đến ngày thu hoạch nhưng nhà máy chưa cho lệnh đốn chặt, người trồng mía không muốn để mía bị khô trên đồng nên đã tự đốt rẫy mía để nhà máy cho thu hoạch sớm.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, cơ quan chức năng và người trồng mía chưa phát hiện được trường hợp nào người dân đốt rẫy mía của người khác, hay chủ rẫy mía tự đốt rẫy của mình.
Anh Thanh, một người trồng mía tại ấp Bàu Sen, xã Hảo Ðước cho biết, mía bị cháy chắc chắn rằng sản lượng và chữ đường sẽ sụt giảm. Nếu không kịp thu hoạch, mía bị cháy quá 62 giờ coi như bỏ, vì cây mía bị chua. Thời gian qua, khi mía bị cháy, nhà máy đã huy động nhân công và phương tiện tập trung “cứu” mía cháy cho người dân.
Dù vậy, chuyện người dân tự đốt rẫy mía của mình để được thu hoạch sớm thì anh có nghe, bởi dù cây mía có được lợi thế ít tốn công chăm sóc hơn các loại cây trồng khác như mì, nhưng đến kỳ mà chưa có lệnh thu hoạch của nhà máy, ngoài việc mía khô mất sản lượng, việc thu hoạch mía trễ sẽ dẫn đến tình trạng không kịp chăm sóc cho vụ kế tiếp. Do đó, chuyện nhiều người cho rằng nông dân “tự” đốt mía của mình để nhà máy tập trung nhân lực thu hoạch sớm cũng có cơ sở.
NÔNG DÂN CẦN DOANH NGHIỆP
Chủ tịch UBND xã Thành Long cho rằng, địa phương chỉ có trách nhiệm tuyên truyền, vận động người trồng mía áp dụng các biện pháp để hạn chế thấp nhất tình trạng mía cháy.
Còn theo Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Tân Biên- địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền và vận động người dân áp dụng các biện pháp để hạn chế mía cháy, tránh tình trạng người dân tự đốt mía. Do đó, niên vụ 2017, trên địa bàn xã Tân Lập chỉ xảy ra cháy mía nhỏ lẻ với diện tích khoảng 4 đến 5 ha.
Theo một số cán bộ địa phương lẫn người trồng mía, với diện tích mía lớn, nhà máy thường hỗ trợ cơ giới hoá gần như từ khâu trồng cho đến khâu thu hoạch, nên người trồng mía không băn khoăn nhiều khi mía đến thời điểm thu hoạch. Ngược lại, những hộ trồng mía có diện tích nhỏ chỉ khoảng 2-3 ha, nhà máy chỉ hỗ trợ cơ giới hoá khâu trồng mía, còn thu hoạch vẫn phải phụ thuộc vào lao động, trong khi lao động ngày càng “khan hiếm”.
Theo anh Thái, người dân trồng mía tại xã Thành Long, huyện Châu Thành, có trường hợp tới thời điểm thu hoạch và được nhà máy cấp lệnh chặt mía, nhưng người trồng mía không tìm được nhân công thu hoạch. “Bỗng dưng”, chỉ một ngày sau, rẫy mía của người này bị cháy và nhà máy phải hỗ trợ nhân lực để thu hoạch.
Còn ông N.V.B cho biết, ông trồng hơn 100 ha và là người trồng mía lâu năm, am hiểu kỹ thuật trong việc chọn giống, chăm sóc nên năng suất mía của gia đình ông luôn đạt 100 tấn/ha. Tuy nhiên, đến lúc mía chín, nhà máy không thu hoạch đồng loạt, mà cứ cách 2-3 ngày, thậm chí 1 tuần lễ mới cho thu hoạch một lần.
Theo ông B, thu hoạch như dễ gây thiệt thòi người trồng, mía càng để lâu càng mất sản lượng, cứ sau 3 ngày mía cháy sẽ mất 2 chữ đường, còn để tới 1 tuần mía khô hết, người trồng không còn gì. Do đó, ông kiến nghị nhà máy nên bố trí việc thu hoạch mía cho nông dân một cách khoa học để hạn chế tình trạng mía cháy, trong đó có cả việc người trồng mía “tự xử”.
DOANH NGHIỆP CẦN NÔNG DÂN
Bộ phận nông nghiệp TTC cho rằng, hằng năm, nhà máy đều tổ chức thông tin những giải pháp ngăn ngừa mía cháy đến người trồng mía. Nhà máy cũng tìm hiểu và nắm được nhiều nguyên nhân dẫn đến mía cháy, nhưng chưa kết luận được.
Niên vụ vừa rồi, tỷ lệ mía cháy chiếm hơn 20% với khoảng 200.000 tấn được đưa về nhà máy tiêu thụ, có thời điểm công ty tiếp nhận thu mua gần 80% mía cháy/ngày để đưa vào ép, chữ đường đạt rất thấp.
Thậm chí có trường hợp mía bị cháy thời gian lâu, ép không ra đường mà chỉ ra mật rỉ, nhà máy phải trộn với mía tươi để ép nên tốn thêm chi phí sản xuất, nói chung mía bị cháy, cả người trồng lẫn nhà máy đều bị thiệt hại.
Ðể bảo đảm quyền lợi cho người trồng mía, công ty phải vận động những hộ mía còn tươi hỗ trợ cho những hộ có mía bị cháy được thu mua trước. Việc cho mía cháy đưa vào ép trước đã làm đảo lộn hoàn toàn lịch thu mua của công ty, dẫn đến những hộ trồng mía thu hoạch muộn bức xúc là điều không tránh khỏi.
Riêng vấn đề thiếu hụt lao động thu hoạch mía đối với diện tích mía nhỏ, thời gian qua, nhà máy cùng người trồng mía đã hỗ trợ nhân công ở các tỉnh miền Tây lên Tây Ninh làm công việc này, bằng việc hỗ trợ chi phí tiền xe cho công lên và về sau khi hết vụ.
Trong thời gian tới, giải pháp chủ yếu vẫn là nhà máy kết hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để người trồng mía nâng cao ý thức bảo vệ rẫy mía của mình. Ðối với những khu vực trồng mía tập trung, nhà máy hỗ trợ nông dân chi phí đầu tư chòi canh lửa để người trồng mía phát hiện cháy kịp thời.
THIÊN TÂM - THANH NHI
Theo ông Chủng, nguyên nhân dẫn đến mía cháy thời gian qua có rất nhiều nhưng để xác định cụ thể thì rất khó. Niên vụ 2017, chỉ có một vụ mía cháy với diện tích lớn vài chục ha, xác định được nguyên nhân là do người dân đốt cỏ trồng mì dẫn đến cháy lan sang rẫy mía. Vụ việc trên đã được các ngành chức năng huyện xử lý.