BAOTAYNINH.VN trên Google News

Miễn giảm thuế, phí, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển 

Cập nhật ngày: 30/05/2024 - 08:34

Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ hơn vấn đề "sức khỏe" của doanh nghiệp, từ đó có giải pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Sáng 29-5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Trần Thanh Mẫn, QH thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định

ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cơ bản đồng tình với những nội dung trong báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Ông Ngân vui mừng với những kết quả đất nước đạt được khi kinh tế vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại. Kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định trong khi nền kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn. Tuy nhiên, ĐB cũng rất lo lắng với những tồn tại khi số lượng doanh nghiệp (DN) rút khỏi thị trường còn cao; nhiều dự án đầu tư còn dở dang và tài sản công còn sử dụng chưa hiệu quả.

Ông Trần Hoàng Ngân đánh giá cao 11 giải pháp Chính phủ đã báo cáo trước QH, trong đó đặc biệt là những giải pháp ngắn hạn khi tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có kiểm soát; chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả theo lạm phát mục tiêu; tiếp tục trình QH miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, trước mắt là giảm thuế GTGT 2%; tiếp tục cơ cấu lại nợ, ổn định tỉ giá, ổn định lãi suất, kiểm soát lạm phát...

ĐB Ngân cho rằng phải kiểm soát độ mở của nền kinh tế, cần quan tâm đến thị trường nội địa 100 triệu dân - đặc biệt tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, phải ưu tiên xúc tiến thương mại đối với thị trường nội địa, thị trường lân cận, thị trường khu vực ASEAN, thị trường Trung Quốc, Ấn Độ. Trong phân bổ vốn đầu tư, cần quan tâm đến các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu như khu vực ĐBSCL...

ĐB Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) cho rằng hoạt động của DN và thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân vào nền kinh tế còn hạn chế. Lần đầu tiên trong 5 năm qua, số DN gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng DN rút lui khỏi thị trường. Đây là những yếu tố tác động hết sức tiêu cực đến nền kinh tế. Đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá đầy đủ hơn vấn đề "sức khỏe" của DN, nhất là khối DN tư nhân và có giải pháp hiệu quả hỗ trợ DN trong thời gian tới.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại cuộc họp Quốc hội vào ngày 29-5Ảnh: LÂM HIỂN

Đề nghị sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh

Phát biểu tại hội trường, ĐB Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, nhấn mạnh mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phản ánh đúng với thực tế cuộc sống khi quy định mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Cử tri cho rằng mức giảm trừ gia cảnh, nhất là mức giảm trừ đối với người phụ thuộc quá lạc hậu, cần được QH xem xét sửa đổi sớm, không nên chờ đến năm 2026 mới thông qua như đề xuất.

Theo bà Thủy, mức giảm trừ đối với người phụ thuộc được duy trì từ năm 2020 không còn phù hợp, nhất là ở những thành phố lớn, đang gây thiệt thòi cho người dân nộp thuế, bởi trong khi 5 năm qua, nhiều hàng hóa dịch vụ thiết yếu đều tăng, thậm chí có hàng hóa thiết yếu tăng nhanh hơn thu nhập. Theo số liệu thống kê, so với giá hàng hóa năm 2020, giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng tới 105%.

Nhiều cử tri cho biết, nếu như gia đình có con nhỏ, phải thuê người trông, riêng tiền lương trả cho người trông trẻ hiện nay không dưới 5 triệu đồng/tháng. Nếu gia đình có con đi học, chi phí học tập chiếm phần lớn cơ cấu chi tiêu của các gia đình. "Vì vậy, nếu phải chờ thêm 2 năm nữa mới được thông qua quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ khiến nhiều người dân trong cảnh "thắt lưng, buộc bụng" vẫn thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân" - ĐB Thủy nói.

Nữ ĐB phân tích phần lớn thu nhập của người dân sẽ dành cho hàng hóa dịch vụ thiết yếu (70%), do đó quy định về mức giảm trừ gia cảnh hiện nay sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu thiết yếu của người dân. Hơn nữa, lương tăng nhưng mức giảm trừ gia cảnh không được điều chỉnh kịp thời sẽ gây âu lo cho NLĐ, bởi lương tăng, thu nhập tính thuế sẽ tăng. Vì vậy, nếu không điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ý nghĩa của chính sách cải cách tiền lương. Từ những vấn đề nêu trên, ĐB Thủy kiến nghị Chính phủ sớm trình sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào cuối tháng 10-2024 và trình QH thông qua vào tháng 5-2025.

Quan tâm đến công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí, ĐB Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) đánh giá cao kết quả đạt được. Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế cần nhìn nhận một cách thấu đáo. Đó là tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ tại một số địa phương để lãng phí; tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất còn diễn ra. Đặc biệt, tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Sau khi QH thảo luận, 2 phó thủ tướng cùng 3 bộ trưởng, trưởng ngành đã tham gia giải trình làm rõ một số vấn đề được nhiều ĐB nêu. Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục các chính sách hỗ trợ, miễn giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất... để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất của DN; tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân và DN.

Về việc chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc là do CPI theo số liệu của Tổng cục Thống kê chưa đạt trên 20% để thực hiện điều chỉnh. Tuy nhiên, hiện Ủy ban TVQH đã đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào kỳ họp tháng 10-2025, thông qua vào kỳ họp tháng 5-2026. "Nếu Ủy ban TVQH quyết định làm ngay trong năm 2024 để thông qua vào tháng 5-2025, thì Bộ Tài chính sẽ chấp hành, sau đó xin ý kiến để đưa ra các quy định phù hợp" - Bộ trưởng Tài chính nói.

Đối với giải pháp phát triển KT-XH, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp lớn. Theo đó, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để giải quyết các vấn đề ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là hỗ trợ DN trong nước. Chuẩn bị điều kiện tốt thu hút làn sóng chuyển dịch FDI; các bộ ngành, địa phương phải thực sự đồng hành, hỗ trợ cho DN...

Đối với thị trường vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết giá vàng tăng cao và biến động là biến động chung của các nước trên thế giới, không chỉ riêng ở Việt Nam. Việc thu hẹp chênh lệch giá vàng là nhiệm vụ thách thức. NHNN đã thực hiện tăng cung vàng ra thị trường bằng biện pháp đấu thầu, tuy nhiên qua 9 phiên, chênh lệch giá giảm không được như kỳ vọng. Do đó, NHNN đã dừng đấu thầu để đánh giá tình hình, tìm ra nguyên nhân, xây dựng một phương án mới để triển khai trong tuần tới nhằm giảm được chênh lệch giá vàng trong thời gian tới, đi đôi với minh bạch hóa các giao dịch của thị trường vàng.

Hôm nay (30-5), QH thảo luận ở hội trường về dự kiến chương trình giám sát của QH năm 2025; xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; nghe báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022. 

Tháo gỡ cơ chế tài chính cho cơ quan báo chí

ĐB Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho biết việc thực hiện các quy định liên quan đến định mức kinh tế, kỹ thuật làm cơ sở xây dựng đơn giá để thực hiện đặt hàng đấu thầu trong lĩnh vực báo chí vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bà Hương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan, khẩn trương hoàn thiện để ban hành "sớm ngày nào tốt ngày đó" các thông tư quy định về định mức kinh tế, kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí, bảo đảm tính đúng, tính đủ. Đồng thời đề nghị sửa đổi quy định về cơ chế đặt hàng, đấu thầu, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với các cơ quan báo chí. "Đây là yêu cầu cấp thiết đặt ra và các cơ quan báo chí đang từng ngày, từng giờ mong mỏi" - ĐB Hương nói.

Nguồn NLDO