Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tôi lại về quê. Con đường làng vẫn rợp bóng tre mát rượi. Tiếng kẽo kẹt của thân cây chạm vào nhau, văng vẳng tiếng ru con của ai đó tạo thành một âm thanh đặc trưng của làng quê. Có điều, hai cây rơm nhà bác Tư đầu xóm đã không còn nữa làm tôi nhớ quay quắt ký ức tuổi thơ của mình. Ngày ấy, chỉ quanh quẩn bên cây rơm thôi mà có biết bao nhiêu trò chơi dân gian được diễn ra mỗi ngày.
Cây rơm nhìn giản đơn như chiếc nấm khổng lồ. Nhưng để có được cây rơm chắc chắn, đúng kỹ thuật cần có sự khéo léo của người nông dân. Phải chọn nơi cao ráo và rơm phải được phơi thật khô mới có thể xây cây rơm và bảo quản được lâu. Thường cây rơm được dựng bên hàng rào tre, gần chái bếp, góc vườn...
Đầu tiên chọn một cây tre già có đường kính hơn tấc, cắm xuống đất cho thật chắc. Cây tre cao bao nhiêu tuỳ theo lượng rơm của chủ nhà. Sau đó xếp từng lớp rơm xung quanh trụ. Gốc rơm quay vào trụ, phần ngọn quay ra ngoài, xếp cho đến một độ cao nhất định. Người ta xây tròn trên nóc, lấy giấy dầu hoặc bọc đựng diêm u rê phủ kín lại như cái nấm. Phải làm như thế để nước mưa không len lỏi được vào bên trong làm rơm bị ướt, mục, không sử dụng được lâu dài.
Bên cây rơm, vui nhất là trò chơi trốn tìm. Chỉ quẩn quanh bên hai cây rơm mà thằng Tí “chăn đừ” gần nửa tiếng đồng hồ. Mệt quá, nó nằm lăn ra lớp rơm rơi vãi, tích tụ nhiều lần do bác Tư lấy rơm cho trâu ăn. Nằm trên đó êm như nằm nệm, có điều hơi xót một chút. Nhưng chẳng hề gì so với đám trẻ ở quê như chúng tôi đã quen mùi rơm rạ. Cuối cùng, nó chịu thua phải nhảy lò cò 2 vòng số 8 quanh hai cây rơm. Chán chơi trò này, chúng tôi lại bày trò khác như: thiên đàng địa ngục, rồng rắn lên mây, bỏ khăn...
Chỉ bên cây rơm thôi mà có biết bao kỷ niệm thời thơ ấu thật đáng yêu. Có lần cùng nhau chạy trốn, con Sửu và thằng Ngọ chạy ngược chiều tông vào nhau “u đầu”. Bị chọc suốt nên tụi nó găp nhau cứ “lấm lét” tránh mặt trước đám đông. Có lần đang chơi nhà chòi, con Mão đi lấy rơm để nấu cơm bằng lon sữa bò, vô tình gặp mấy trứng vịt đẻ rớt trong đống rơm. Nó lén lấy đem vào nhà chòi luộc cho cả bọn cùng ăn. Sau này biết được trứng vịt của chủ nhà, đứa nào cũng xanh mặt, sợ bị đòn.
Ngoài việc làm thức ăn cho trâu bò, rơm còn là chất đốt cho nhiều gia đình ở quê, hoặc lúc mưa dầm củi không khô kịp. Rơm còn dùng để làm vách đất. Ngày xưa ở quê đa số là nhà tranh vách đất. Lợp nhà xong, chủ nhà thường lấy rơm nhồi với bùn rồi đắp lên khung tre (dùng làm vách) một lớp dày hơn một tấc để tránh nắng dọi, mưa tạt vào nhà.
Nhà vách đất chắc chắn và ấm cúng hơn vách bồ trong mùa mưa bão và lúc đông về. Rơm còn dùng làm con cúi thay cho đèn khi có việc cần ra ngoài ban đêm. Rơm ẩm, mục... còn tạo thành nấm rơm tự nhiên, một loại thức ăn giàu dinh dưỡng cho con người, hơn hẳn nấm rơm trồng bằng meo. Nấm rơm được chế biến thành các món ăn như: nấm rơm xào sả, xào mướp, nấu canh rau dền, mồng tơi, bù ngót, làm nhân bánh xèo... thật tuyệt vời.
Ngày nay, nông thôn đổi mới máy móc làm thay trâu bò nên những cây rơm cũng thưa dần trong xóm ấp. Thay vào đó là những cuộn rơm được cuốn bằng máy sau khi thu hoạch. Những cuộn rơm này được thương lái thu mua, bán lại cho các trang trại chăn nuôi bò sữa, gia súc... Hoặc vài gia đình còn ít trâu bò cũng mướn máy cuộn mang về để bên hông nhà hoặc trong kho rất tiện lợi. Có chủ ruộng sau khi thu hoạch xong, phơi rơm một vài nắng rồi đốt tại ruộng lấy tro bón cho vụ sau, không để lúa còn sót lại nảy mầm ảnh hưởng mùa vụ tới.
Trẻ con ngày nay, dù ở nông thôn cũng ít mặn mà với các trò chơi dân gian, thậm chí là không hề biết. Chúng chỉ đến các tiệm internet, nhà có điều kiện thì làm bạn với điện thoại, máy tính, ipad...
Mỗi lần về quê, biết bao kỷ niệm ngày xưa lại hiện về. Cây rơm trở thành một ký ức không thể nào quên, nhất là đối với những đứa xa quê như tôi.
NGUYÊN HẠ