BAOTAYNINH.VN trên Google News

Minh bạch trong thu phí dự án BOT đường bộ

Cập nhật ngày: 16/02/2017 - 09:08

Qua kiểm tra, giám sát công tác thu phí BOT quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã chỉ ra nhiều kẽ hở gây thất thoát trong thu phí BOT dự án này.

Trong 10 ngày (từ ngày 16-12 đến 26-12-2016), đoàn kiểm tra của Tổng cục ĐBVN đã cùng Công ty cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang (doanh nghiệp dự án) kiểm tra, giám sát việc xuất, thu hồi vé và số thu từng ca; giám sát hệ thống thiết bị phòng hậu kiểm; giám sát ngoài ca-bin liên tục, phát hiện tổng số tiền thu phí sử dụng đường bộ đối với vé lượt trong thời gian giám sát gần 11 tỷ đồng, bình quân ngày giám sát (vé lượt) thu gần 1,1 tỷ đồng, cao hơn bình quân ngày của sáu tháng trước đó (từ tháng 6 đến tháng 11-2016) khoảng 84 triệu đồng/ngày (tương ứng chênh lệch tăng 8,27%).

Hệ thống vòng từ cửa trạm thu phí một dừng của dự án có lúc không nhận ra những xe công-ten-nơ gầm cao và xe máy. Với lỗi này của hệ thống thu phí, có nguy cơ gây thất thoát trong doanh thu phí sử dụng BOT, vì hệ thống thu phí không nhận dạng được xe qua trạm, trong khi thực tế các loại phương tiện này vẫn phải nộp phí. Tuy kết quả giám sát 10 ngày chưa thể đại diện cho cả quá trình thu phí, việc chênh lệch có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng đã khiến dư luận nghi ngờ việc thu phí BOT thiếu chính xác, minh bạch.

Trước đó, vào giữa tháng 5-2016, Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco 1), cổ đông sở hữu 18% vốn điều lệ Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã bức xúc phản ánh công tác thu phí tại dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ có hiện tượng gian lận, tiêu cực. Kết quả giám sát đột xuất tại các trạm thu phí đường bộ trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, Tổng cục ĐBVN cũng phát hiện nhiều sai phạm. Kết quả số thu thực tế vé lượt trong 10 ngày lên tới 17,5 tỷ đồng (trung bình mỗi ngày 1,7 tỷ đồng), trong đó ngày cao nhất (ngày 15-7-2016), số thu đạt hơn 1,9 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi ngày, các trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ thu về gần hai tỷ đồng; trong khi phía Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo chỉ đạt 1,2 tỷ đồng/ngày, trong dịp Tết Nguyên đán 2016 số thu lại giảm đi.

Từ thực tế trên cho thấy, tại các hợp đồng BOT, có điều khoản bảo mật thông tin, không được cung cấp một số thông tin của dự án, gây nghi ngờ lẫn nhau giữa các nhà đầu tư trong nội bộ doanh nghiệp dự án. Bên cạnh đó, hợp đồng BOT dường như nghiêng về bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, chưa có cơ chế nào giải quyết bức xúc, rủi ro của người dân và xã hội. Việc kiểm soát suất đầu tư không chặt chẽ do dự án thực hiện bằng vốn của nhà đầu tư, phần lớn tổng mức đầu tư dự án vượt quá giá trị thực. Cơ quan quản lý cần tạo cơ chế để người dân, doanh nghiệp vận tải có quyền tham gia trực tiếp vào việc giám sát các dự án BOT. Trước mắt, nhà đầu tư cần báo cáo về doanh thu thu phí một cách chi tiết, công bố rộng rãi để người dân và doanh nghiệp vận tải có đủ thông tin để giám sát thu phí.

Hiện, hầu hết các trạm thu phí trên cả nước vẫn áp dụng công nghệ thu phí một lần dừng, cách thức thủ công và có nhiều kẽ hở để gian lận. Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu, dự kiến mở rộng triển khai công nghệ thu phí không dừng tại 28 trạm thu phí trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14, nhằm minh bạch hơn trong quản lý thu phí, nhưng tiến độ rất chậm. Triển khai đầu tư theo hình thức BOT trong giao thông là chủ trương đúng để phát triển hạ tầng từ nguồn lực xã hội hóa, thay vì chỉ trông chờ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do triển khai thiếu hợp lý, quản lý không minh bạch cùng mức phí cao đã khiến người dân và xã hội bức xúc. Vì thế, cần phải quản lý chặt chẽ tổng mức đầu tư các dự án BOT, kiểm soát phương án tài chính, nhất là giám sát doanh thu để bảo đảm công bằng giữa các nhà đầu tư và bảo đảm sự minh bạch.

Nguồn Báo Nhân dân