Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mộ cổ Long Giang - đoạn kết buồn
Thứ tư: 10:19 ngày 10/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðấy là ngôi mộ lớn, nằm bên phía Tây đường 786, cách đường hơn 50m, một trong hai ngôi mộ cổ đã có cả hơn trăm năm tuổi ở Long Giang.

Ngôi mộ Long Giang, năm 2018.

Vào thứ bảy, ngày 6.7.2019, cụm cây rừng bao trùm lên ngôi mộ này đã bị khai quang, chỉ còn một gốc duối và chằng chịt dây rừng sót lại, để lộ ra toàn bộ ngôi mộ cổ được đào xới dở dang. Bức tường đá ong dày đến 40cm phía Bắc đã nghiêng ra ngoài, chỉ chờ đổ ập xuống. Những viên đá ong đã dỡ, hoặc ở từ các khối tường vỡ ra nằm ngổn ngang trên mặt đất. Toàn những viên kích thước lớn, sau cả thế kỷ nắng mưa đã sạm đen, chỉ những viên mới vỡ hoặc mới lộ ra sau lớp vữa là vẫn tươi màu vàng đỏ.

Vậy mà các khối xây, cả tường hậu và hai khối lớn bên trong vẫn còn nguyên đó, như là thách đố với con người, hay với thời gian! Dù các khối xây ở phía Bắc này đã bị các bộ rễ cây hoang dại chằng chịt bao quanh. Không còn là đá ong nữa, mà toàn một thứ vật liệu chưa được xác định rõ. Tường được xây từ loại viên gạch màu trắng xám, hơi giống đá san hô và được tô phủ lên lớp vữa dày trắng như vữa vôi.

Còn khối mộ phía trước thì giống như nguyên khối bê tông cũng có màu trắng đục. Ở một vài mảnh vỡ văng ra, thấy chúng có những lớp vân như sóng lượn. Theo lời các cụ cao tuổi ở Long Giang, đấy là loại vữa xây bằng vôi, mật mía và có thể cả nhựa cây ô dước. Những khối xây tường đầu mộ, và có thể cả hai khối mộ xây này hiện vẫn còn cao hơn mặt đất gò hơn 1 mét. Nhưng, cứ theo những gì đang diễn ra xung quanh, có thể chỉ ngày một, ngày hai, nghĩa là trong tháng 7 này, chúng có thể hoàn toàn biến mất, như chưa từng có trên đời.

Ðể tiện cho những người thích tìm hiểu và khám phá, nhìn lại những dấu tích cuối cùng của ngôi mộ này, cũng xin chỉ rõ, ngôi mộ này nằm kề bên, về phía Bắc Trường THCS xã Long Giang. Ðối diện, bên kia đường 786 chính là trụ sở Khối vận xã Long Giang. Khu đất phía giáp đường là một ngôi nhà đang xây dựng. Tường móng đã xây, cột bê tông đã dựng hai hàng, máy trộn bê tông và xe thi công giữa ngổn ngang gạch, đá. Chính là lô đất này đã cắt ngang qua khu mộ cổ. Phía sau, sâu vào phía trong ngôi mộ, người ta cũng đã đúc được một hàng cột và đổ gạch xây.

Hình ảnh mộ ngày 6.7.2019

Vào năm 2018, tôi qua đây còn thấy kề cận bên ngôi mộ là một mảnh ruộng ngập nước luênh loang những mảng rau dừa, rau muống và rau nhút. Thế mà công cuộc đô thị hoá đã biến mảnh ruộng thành đất xây nhà. Mộ cổ đã không còn cách nào tồn tại nữa, dù đã vượt qua thời gian mưa nắng trăm năm.

Nhớ! Ngày ấy người đàn ông ở ngôi nhà xây cách đấy vài căn đã cho mượn ủng để lội vào. Ðêm trước mưa nên những viên đá ong viền quanh mộ còn ong óng đỏ. Những khối xây đá vẫn lầm lì màu rêu đá. Cây cối rậm dày, trong đó có nhiều cây duối trùm lên như bảo bọc, giữ gìn ngôi mộ cổ. Thế mà nay…

Từ hơn 10 năm trước, Báo Tây Ninh từng có bài viết về những ngôi mộ cổ ở Long Giang. Một trong những nhân chứng bài báo nhắc đến là cụ Dương Thiện Tâm người ấp Bảo. Cụ Tâm năm đó đã 81 tuổi. Theo cụ kể thì có hai ngôi- ngôi lớn đang kể đây là của vị quan Án sát triều Nguyễn. Ngôi nhỏ hơn nằm ở phía sau thánh thất Long Giang (bên kia đường 786) là mộ của quan Thủ Tín.

Trong ký ức cụ Tâm, vào khoảng thập niên 30 thế kỷ trước (lúc cụ còn thơ bé), ngôi mộ lớn vẫn còn nguyên vẹn và đẹp đẽ. Mộ có tường hoa bao bọc chung quanh, phía cổng trước gắn đôi kỳ lân tướng mạo dữ dằn. Trong câu chuyện của ông ngoại cụ thì ngôi mộ này đã có khi ông ngoại còn nhỏ. Nhẩm tính mộ đã có trên 150 năm, tính đến ngày nay. Quả thật nó đáng là đối tượng được quan tâm nghiên cứu với cán bộ Bảo tàng hoặc các cơ quan quản lý, hoặc nghiên cứu khoa học ở tỉnh nhà.

Hơn 10 năm trước, tác giả vẫn thấy ngôi mộ có kích thước tường bao quanh khá lớn, khoảng 5x12m. Ở đầu mộ về phía Nam vẫn còn khối tường xây hình “cuốn thư” với những vân mây đắp nổi sơn màu xanh đỏ đã gần nhoà lẫn với màu rêu. Thế mà tất cả mọi sự đã trôi vào im lặng. Hầu như chưa có đơn vị nào quan tâm đến số phận ngôi mộ cổ. Dĩ nhiên, mộ đã trở thành vô thừa nhận.

Chẳng ai nghiên cứu, quan tâm nên cũng chưa ai biết mộ của ai, vào thời đại nào. Mọi chuyện liên quan chỉ còn vài câu chuyện truyền tụng vương sắc màu huyền thoại. Như chuyện quan hệ giữa hai ngôi, ngôi bên trường học và ngôi sau thánh thất Long Giang. Có cả chuyện dường như có đường hầm nối liền 2 ngôi mộ ấy. Hoặc là chuyện, kề bên ngôi mộ lớn có một ngôi gọi là mả mọi. Trong khi ngôi lớn không bị ai đào bới, thì ngôi mả mọi kia từng bị đào bới nhiều lần tìm của cải, khiến ngày nay đã mất dấu hoàn toàn.

Ở Tây Ninh, từng có chuyện ngôi mộ cổ nằm trong một chuồng gà nhà dân ở khu phố 1, phường 1, TP Tây Ninh. Ðến khi gia đình con cháu từ Huế biết và tìm đến để xin bốc về Huế, người xung quanh mới biết đấy là mộ một vị quan, từng được vua phong là: “Hồng Lô Tự khanh” theo chữ khắc trên bia mộ. Ngôi này rất đẹp, được xây hoàn toàn bằng đá cẩm thạch trắng với nhiều hoạ tiết điêu khắc phượng, rồng tinh xảo.

Dù sao thì ngôi mộ cổ phường 1 cũng có một đoạn kết vui. Còn mộ cổ Long Giang, hẳn là một đoạn kết buồn. Vì nó đã từng tồn tại ít ra là trên 150 năm, trải biết bao thiên tai và mấy cuộc chiến tranh tàn phá. Vậy mà nó lại "chịu chết" trong những làn sóng mạnh mẽ, văn minh của thời đô thị hoá ngày nay.

TRẦN VŨ

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục