Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thủ tướng Phạm Minh Chính:
Mỗi người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch
Thứ tư: 00:16 ngày 01/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 30.8, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 226/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo đó, sáng 29.8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính- Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 20 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, ý kiến của lãnh đạo các địa phương và phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính- Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 kết luận công tác phòng, chống dịch đã đạt được những kết quả nhất định, và dự báo tình hình dịch bệnh thế giới, khu vực, trong nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cần tiếp tục khống chế và kiểm soát tình hình dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác- nhất là đối với biến thể mới của virus- kể cả với những tỉnh, thành phố đã khống chế được dịch.

Cần thống nhất nhận thức khống chế dịch tuyệt đối là rất khó khăn (ngay cả nước có độ bao phủ cao về vaccine, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và khó kiểm soát) nhưng phải có cách làm, phương án chống dịch thích ứng, phù hợp, hiệu quả với tinh thần đặt sức khoẻ, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết... Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới như sau:

Xác định mỗi người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch. Lãnh đạo các địa phương- nhất là lãnh đạo cấp cơ sở cần quán triệt sâu sắc, thấm nhuần tinh thần chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung đã được quy định tại Nghị quyết số 86/NQ-CP, Công điện số 1099/CÐ-TTg và Công điện số 1102/CÐ-TTg. Phòng dịch vẫn là chính, là cơ bản, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Khi dịch bệnh bùng phát, triển khai ngay thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo tinh thần “ai ở đâu ở đó”, đặc biệt cách ly triệt để, chặt chẽ, nghiêm ngặt các ổ dịch, nguồn lây; tranh thủ “thời gian vàng” thực hiện giãn cách, tổ chức triển khai xét nghiệm thần tốc trên diện rộng để nhanh chóng phát hiện, tách nguồn lây (F0) ra khỏi gia đình, cộng đồng để phân loại, chăm sóc, điều trị kịp thời, hiệu quả; rút ngắn chu kỳ xét nghiệm bao phủ và trả kết quả; ngăn chặn, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan ra vùng nông thôn nơi có hạ tầng y tế còn hạn chế; tổ chức ưu tiên tiêm chủng an toàn, hiệu quả cho các đối tượng cần thiết theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tình hình thực tế tại địa phương.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, khi thực hiện giãn cách, phải bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, lưu ý hỗ trợ người không có điều kiện, thiếu lương thực, thực phẩm, người yếu thế, những người “lang thang, cơ nhỡ”, kể cả các gia đình có điều kiện nhưng có khó khăn mặt nào thì hỗ trợ mặt đó.

Về y tế, phải tiến hành phân loại, quản lý chăm sóc, thu dung, điều trị ca bệnh ngay tại cơ sở, tại các trạm y tế lưu động để giảm ca bệnh nặng, giảm tử vong; phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, không để quá tải y tế ở tuyến trên; kết hợp Ðông y và Tây y, áp dụng các phương pháp cổ truyền với hiện đại trong điều trị; tuyên truyền “vaccine tốt nhất là vaccine tiêm sớm nhất”; tổ chức tiêm vaccine khoa học, ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu, chú ý tiêm vaccine, xét nghiệm cho người làm dịch vụ vận chuyển, công nhân; tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước nhưng phải tuân thủ hướng dẫn, quy định, quy trình của cơ quan chuyên môn và hội đồng khoa học; tiếp tục thực hiện hiệu quả biện pháp 5K và các giải pháp công nghệ khác.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phải bảo đảm an dân, trật tự an toàn xã hội, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà trong thời gian thực hiện tăng cường giãn cách xã hội. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, hiệp hội, hội đồng hương, các tổ chức tôn giáo... cần vận động, thuyết phục và kêu gọi người dân kiên trì hưởng ứng “ai ở đâu ở đó”, không ra khỏi nhà để thực hiện phòng, chống dịch; có các biện pháp tuyên truyền phù hợp, hiệu quả để người dân hiểu công tác phòng, chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân, tự giác bảo vệ cho mình, cho gia đình, góp phần bảo vệ cho cộng đồng; phát huy tinh thần tương thân, tương ái khi khó khăn...

Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan phải hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai tổ chức sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, nhất là những doanh nghiệp có điều kiện và tự nguyện tổ chức sản xuất, kinh doanh. Bảo đảm thông suốt các chuỗi cung ứng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương không quy định riêng, không ban hành các “giấy phép con” làm cản trở việc lưu thông hàng hoá trên toàn quốc. Áp dụng triệt để các biện pháp công nghệ quản lý, ban hành quy định quản lý đi lại trong thời gian giãn cách xã hội tại các địa phương. Căn cứ tình hình cụ thể, giao cho một cơ quan quản lý ban hành, giao cho cơ quan Công an thống nhất quản lý, cấp giấy phép đi lại.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch, đời sống tinh thần cho người dân, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội. Cần truyền thông đúng về quy mô dịch bệnh và dự báo thiệt hại không thể tránh khỏi trước khi nó xảy ra để kỳ vọng đúng cho những gì sắp tới và chuẩn bị tâm thế, giải pháp phù hợp; có chương trình hướng dẫn người dân phòng, chống dịch Covid- 19. Tuyên truyền các nội dung về truyền thống văn hoá, lịch sử, văn học nghệ thuật tốt đẹp của dân tộc để nâng cao tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết dân tộc và niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch. Kịp thời sơ kết, đúc rút kinh nghiệm, bổ sung các biện pháp phù hợp trong thực tiễn triển khai công tác phòng, chống dịch; biểu dương, khen thưởng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, cách làm hay; phê bình, kiểm điểm, xử lý những tổ chức, cá nhân chưa làm tốt hoặc vi phạm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương các cấp kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phù hợp với tình hình dịch bệnh. Bí thư cấp uỷ các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch tại địa phương- nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ còn chỉ đạo một số nội dung về công tác phòng, chống dịch tại xã, phường, thị trấn.

Ðức Tiến

Tin cùng chuyên mục