Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mặc dù người Kháng ở Lai Châu, Sơn La và Lào Cai chỉ có khoảng hơn 4000 người, thế nhưng dân tộc này lại có văn hóa ẩm thực khá đặc sắc với những món ăn chế biến từ cá.
Mặc dù người Kháng ở Lai Châu, Sơn La và Lào Cai chỉ có khoảng hơn 4000 người, thế nhưng dân tộc này lại có văn hóa ẩm thực khá đặc sắc với những món ăn chế biến từ cá.
Cầu kỳ món cá của người Kháng
Người dân tộc Kháng, trước đây sinh sống chủ yếu nhờ hái lượm nên cách chế biến ẩm thực chủ yếu là nướng, hấp… Trong các món cá truyền thống của người Kháng phải kể tới món “Ca hịp căn” (cá kẹp nướng). Cá để làm món này phải là những con cá to, mới đánh bắt còn tươi nguyên. Khi chế biến người Kháng mổ bụng bỏ ruột, đánh hết vảy rửa sạch với nước, dùng dao sắc rạch ngang theo thân cá, rau thơm băm nhỏ trộn đều với gia vị... nhồi vào bên trong bụng cá, bên ngoài dùng tay trát một lớp mỏng rau gia vị cho ngấm vào thân cá. Dùng kẹp tre kẹp dọc theo mình cá, dùng lạt cố định đầu kẹp để giữ cá không bị rơi ra khỏi kẹp. Đưa lên bếp than hồng để nướng, khi nướng lật đều 2 mặt cho cá chín đều nướng trong khoảng 30 - 45 phút là được.
Món “Ca boi” (ca đầu boi - cá xôi) được người Kháng ưa chuộng nhất. Cá tươi sau khi bắt ở suối về làm sạch, ướp muối. Các loại rau thơm, hoa chuối rừng băm nhỏ trộn đều với nhau. Dùng bột gạo nếp trộn đều lên, cho gia vị đầy đủ và hỗn hợp rau thơm, nhồi vào bụng cá. Dùng lá rong gói cá kín lại cho vào chõ xôi ở trên bếp xôi cá trong vòng từ 45 phút - 1giờ tuỳ theo cá to hay nhỏ.
Món “Ca óp” được chế biến khá cầu kỳ, cá to hoặc cá bống nhỏ làm sạch băm nhỏ đều cả xương (nếu dùng cá bống thì bóp bụng rửa sạch để nguyên con) cho vào nồi ướp muối. Các loại rau thơm, hạt tiêu, xả, ớt... băm nhỏ trộn thật đều với cá đã băm nhỏ. Lá rong, tước gân trải rộng ra đặt cá đã ướp cùng các loại gia vị lên gói lại như gói bánh. Dùng lạt buộc nhẹ lại cho lá khỏi bung ra. Bếp lửa đang cháy, cào lớp tro ở phía dưới bếp đặt gói cá xuống rồi vùi tro và than lên trên để khoảng 20 - 25 phút lại cào ra lật mặt cho đều tránh trường hợp bị cháy. Vùi trong tro bếp lửa đang cháy khoảng tiếng rưỡi là cá sẽ chín. Cá chín có mầu vàng đỏ xen lẫn xanh của lá rong và các loại rau thơm và có hình dạng như 1 chiếc bánh hình chữ nhật.Các món cá này đều có hương vị thuần khiết của núi rừng Tây Bắc, ai đã được một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi.
Lễ hội gắn với cá
Không chỉ cầu kỳ trong cách chế biến món ăn từ cá, người Kháng còn có một lễ hội khá đặc sắc là Lễ “Hắp om đắp ca”. Đây là một lễ hội mang tính chất ôn lại những thời kỳ khó khăn mà tổ tiên người Kháng đã trải qua xưa kia. Ông Pánh cho biết: Theo truyền thống thì khi đến gần tết mọi người trong làng tập hợp nhau lại (khoảng ngày 15-16 tháng Chạp) để xem xét tình hình trong làng, xem trong làng có những người nào, hộ nào nghèo không đủ ăn, đủ mặc. Những hộ nhà nghèo đó được làng cho phép cùng nhau ra suối để bắt cá để dành ăn tết và chọn con to nhất dâng lên làm lễ cho làng cầu chúc năm sau sẽ được mùa bội thu và sự no ấm cho cả làng.
Sau khi đã chọn được vùng nước đắp kè, lúc này có hai cách đánh cá được tiến hành cùng lúc. Cách thứ nhất là dùng đó lắp vào thân kè như đã tả ở trên. Cách thứ hai là sử dụng chài quăng để bắt cá trong hủm suối.
Lễ bắt cá được tiến hành cho đến khi người đứng đầu lễ hội (người được lựa chọn để chọn vị trí bắt cá) thấy đủ lượng cá cần thiết chia đủ cho mọi người tham gia lễ hội vì thế mà lễ hội có khi kéo dài 2 - 3 ngày mới kết thúc. Điều đặc biệt ở đây là nếu lễ hội kéo dài trong nhiều ngày thì không ai được phép về làng nghỉ ngơi. Lúc này mọi người phải cùng nhau đi chặt lá chuối, lá ranh và tre, nứa quanh khu vực đó làm lán ở ngay bên cạnh suối để ở. Buổi tối thì dùng đuốc làm bằng nứa khô chẻ nhỏ đốt lên lấy ánh sáng. Số lượng người và những người được phép tham gia lễ hội không có quy định cụ thể.
Trước kia lễ “Hắp om đắp ca” chỉ được tổ chức cho những người nghèo tham gia nhưng ngày nay đời sống kinh tế ổn định cho nên lễ này chỉ còn mang tính hình thức, nhằm mục đích ôn lại truyền thống mà thôi. Hiện nay lễ “Hắp om đắc ca” đã bị mai một rất nhiều, chính vì vậy việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc biệt này rất cần ngành văn hóa lưu tâm.
K.D (st)