Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Mong chờ tăng lương nhưng kiểm soát giá cả
Thứ sáu: 18:27 ngày 14/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Từ ngày 1/7/2024, Chính phủ sẽ tăng lương tối thiểu 6%, giúp người lao động làm việc trong các DN được cải thiện cuộc sống. Nhưng người lao động cũng bày tỏ băn khoăn khi hiện nay nhiều mặt hàng hóa thiết yếu đã tăng tới 10%.

Bộ LĐTB&XH đề xuất tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2024 trùng với điểm cải cách tiền lương khu vực Nhà nước. Cụ thể, vùng I tăng từ 4.680.000 đồng lên 4.960.000 đồng (tăng 280.000 đồng); vùng II tăng từ 4.160.000 đồng/tháng lên 4.410.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng); vùng III tăng từ 3.640.000 đồng/tháng lên 3.860.000 đồng/tháng (tăng 220.000 đồng); vùng IV tăng từ 3.250.000 đồng/tháng lên 3.450.000 đồng/tháng (tăng 200.000 đồng).

Nhiều người lao động làm việc trong DN rất phấn khởi bởi sau gần 2 năm thực hiện tăng lương tối thiểu theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP thì chỉ ít ngày nữa họ sẽ được nâng lương.

Tăng lương tối thiểu vùng sẽ giúp người lao động có thêm thu nhập, yên tâm sản xuất. Ảnh: Phạm Hùng

Chị Trần Minh Trang (phường Phúc La, quận Hà Đông) là nhân viên kinh doanh Công ty Dịch vụ Mobiphone Khu vực 1 chia sẻ: "Tôi thấy Chính phủ có chính sách tăng lương tối thiểu là rất tốt cho người lao động. Hiện nay tôi được công ty trả lương cứng 7 triệu đồng/tháng (ngoài ra còn có thưởng nếu đạt chỉ tiêu được giao), tới đây khi tăng lương tối thiểu 6% thì có thể mỗi tháng có thêm vài trăm ngàn đồng để chi tiêu. Và, điều quan trọng nữa tiền đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng sẽ tăng, sau này được lĩnh lương hưu cao".

Khi lương tối thiểu tăng từ 200.000 - 280.000 đồng sẽ giúp công nhân thêm thắt được phần nào để bù đắp chi phí trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi lương chưa tăng thì giá cả hàng hóa thiết yếu hàng ngày đã leo thang. Cụ thể, giá gạo trước đây người lao động vẫn mua 12.000 - 13.000 đồng/kg thì hiện nay tăng lên 16.000 - 17.000 đồng/kg; giá thịt lợn tăng 10%; trứng và rau xanh đều tăng giá.

“Theo tính toán của tôi, số tiền tăng lương tối thiểu đủ để chi trả các khoản chi phí phát sinh trong gia đình như tiền điện, nước, học phí. Tôi rất mong Nhà nước có chính sách kiểm soát giá để việc tăng lương cho người lao động mới thực sự có ý nghĩa” - chị Trần Minh Trang đề nghị.

Hiện nay, khi Chính phủ chưa ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì đã có nhiều DN thực hiện tăng lương cho người lao động.

“Từ ngày 1/4/2024, Công ty đã chủ động tăng lương tối thiểu cho người lao động từ 5,1 triệu đồng/tháng lên 5,4 triệu đồng/tháng để động viên, khích lệ mọi người” - anh Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam cho hay.

Trước tình hình thực tế khó tuyển lao động vào làm việc, nhiều DN đã có kế hoạch tăng lương từ ngày 1/7/2024 để giữ chân cũng như thu hút các ứng viên đăng ký ứng tuyển. Chị Cao Thùy Như - Trưởng phòng Hành chính - nhân sự của Công ty TNHH Maxcore (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho hay: "Chúng tôi đang cần tuyển nhiều công nhân may với mức lương 6 tháng đầu tiên là 7 triệu đồng/tháng. Các tháng sau đó, công nhân may sẽ hưởng lương theo sản phẩm, có thu nhập từ 8 - 9 triệu đồng/tháng. Tới đây, khi Chính phủ ban hành Nghị định tăng lương tối thiểu thì công ty sẽ thực hiện theo quy định để người lao động tăng thu nhập, ổn định cuộc sống".

Tuy nhiên, lại có những DN cho rằng đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Bộ LĐTB&XH đề xuất; hoạt động sản xuất, kinh doanh đang gặp khó khăn nên tạm thời không tăng lương 6%.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi không đồng tình với quyết định này của các DN: “Các DN không thể lấy lý do đã trả lương cao nên không tăng lương tối thiểu cho người lao động; vì việc này không đúng với quy định của Chính phủ. Hơn nữa, đề xuất điều chỉnh tăng lương tối thiểu là được sự thương lượng, thống nhất giữa đại diện ba bên (chủ sử dụng lao động, người lao động và Nhà nước) tại cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia”.

Theo TS Bùi Sỹ Lợi, DN đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu thì vẫn phải có sự bàn bạc, thương lượng giữa tổ chức đại diện người lao động và người sử dụng lao động trong công ty. Nếu DN không tăng lương rất có thể dẫn đến người lao động đình công thì khi đó rất khó để phát triển.

Nguồn Kinhtedothi

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục