Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bút xanh
Mong ước
Thứ bảy: 19:09 ngày 05/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Còn nó vật chất không thiếu, chỉ thiếu một thứ mà tiền không thể mua được. Ðó là sự quan tâm của ba má. Nhà trường có sổ liên lạc điện tử, kết quả học tập của nó đều được báo vào máy đi động của má. Môn Anh văn luôn bị điểm kém. Vậy mà ba má vẫn làm thinh thản nhiên như không. Nó ước gì ba má tức giận quát mắng chuyện nó học kém, nó sẽ thấy vui hơn.

Màn đêm mờ sương, chiếc Honda 67 như con trâu già nua, rú ga lấy đà cố sức kéo thùng lôi chứa đầy quần áo và người phụ nữ nặng hơn sáu chục ký. Sức nặng làm cho chiếc 67 phát ra âm thanh chói tai. Cứ khoảng ba, bốn giờ sáng, ba nó khởi động xe, tiếng động cơ của con “trâu già” vang lên xé toạc sự yên tĩnh, đánh thức nó và những ngôi nhà xung quanh. Xe lăn bánh, âm thanh nhỏ dần có nghĩa là xe ra tới đường cái. Nó ngủ tiếp.

Ba má nó bán quần áo xổ lưu động đó đây các huyện. Từ chợ nhỏ ở nông thôn đến chợ lớn ở thị trấn. Bán chạy nhất vào lúc sáng sớm ở các chợ và những giờ tan ca bên vệ đường gần các xí nghiệp. Quần áo xổ giá bình dân, nhìn cũng đẹp lại vừa túi tiền được các cô công nhân và người dân quê.

 

Trước đây, nhà nó mở một cửa hàng bán xe máy rất phát đạt. Trong mắt bạn bè, nó là cô tiểu thư con nhà giàu, thích chơi hơn thích học. Người ta học thêm cho có thêm kiến thức, còn nó học thêm chỉ là cái cớ tiêu tiền và tụ tập bạn bè. Ba má nó chỉ chú tâm đến những con số lời - lỗ, không để tâm tới việc học của nó. Thậm chí nó học ở lại lớp ba má cũng không hay biết. Là đứa ham chơi, ba má không quan tâm tới việc học của mình nó càng khoái.

Năm học lớp mười, có thể nói nó là “đại ca” của lớp. Nó hét một tiếng, cả lớp con trai lẫn con gái không có đứa nào dám hó hé. Thầy cô bộ môn, có người còn ngán nó quậy trong tiết dạy của mình nên cũng làm lơ mặc cho nó “nhóm chợ” khu vực tổ của nó. Nó rất ghét mấy thầy cô hay chửi. Thích chửi thì nó chọc cho chửi, đuổi nó ra khỏi lớp nó càng đắc ý, đi xuống căn-tin ăn uống cho đã.

Biết thầy dạy Toán nóng tính, khi thầy nổi nóng lên thì không thèm dạy. Hôm nào lớp không muốn học Toán, nó kiếm chuyện chọc cho thầy giận đỏ mặt tía tai, không dạy được nữa, thầy bỏ lớp đi lên văn phòng, thế là cả lớp được tự do tụm năm, tụm ba chơi ca-rô, chơi game trên điện thoại, nhóm kia thì ăn quà vặt…

Có một lần nó hỗn hào với thầy giáo trẻ dạy Hoá, bài tập thầy giao về nhà nó không làm một chữ. Nhiều lần như thế, thầy giận, rầy la. Nó không thấy mình sai mà còn cãi bướng, trả treo với thầy. Giận quá thầy đánh nó một roi. Hôm sau, cả trường xôn xao hình ảnh thầy giáo đánh học trò bị nhóm của nó tung lên mạng.

“Thành tích” đó khiến cho cô Kiều Trâm hơi lo ngại khi cô nhận chủ nhiệm lớp nó năm lớp mười một. Bởi cô có tiếng là hiền như phật. Cô Kiều Trâm thương học sinh như con. Học trò làm sai điều gì cô không la mắng mà cô ân cần dạy dỗ, cô phân tích cái gì đúng, cái gì sai, điều gì nên, điều gì không nên để học trò nhận ra cái sai của mình mà khắc phục.

Thấy nó ôm bụng, mặt nhăn nhó đi trong sân, cô Kiều Trâm bước tới hỏi thăm. Biết nó bệnh, cô Trâm quàng vai dìu nó đến phòng y tế. Cử chỉ thân thiện ấy khiến cô y tế nghĩ nó là cháu ruột của cô. Chưa bao giờ nó được ai ôm trong vòng tay yêu thương trìu mến, kể cả mẹ nó cũng chưa bao giờ ôm nó một cái. Tình thương của cô như nắng ban mai dịu dàng ấm áp. Nó cúp tiết, trốn dưới căn-tin, cô Trâm xuống gọi nó lên lớp học, cô không rầy mà còn đưa nó lên tận lớp rồi xin cô bộ môn cho nó vô học.

Sự dịu dàng, yêu thương và ân cần của cô Trâm như sợi dây cương vô hình khuất phục được con ngựa bất kham như nó. Nó trở nên ngoan hơn, chịu học đàng hoàng. Kết quả học tập cuối năm nó đủ điểm được loại khá, nhưng bị khống chế điểm môn tiếng Anh nên bị xếp loại trung bình. Nó vui nhưng hơi tiếc.

Năm nay, nó học lớp mười hai. Cô Trâm không chủ nhiệm, cũng không được Ban giám hiệu phân công dạy lớp nó nữa. Tuy vậy, cô vẫn luôn quan tâm đến nó. Có lần nó đi học trễ. Cô hỏi: Sao hôm nay đi học trễ vậy, con gái? Nó rất thích được cô gọi nó là “con gái”. Hai từ “con gái” nghe ấm áp làm sao! 

Rồi việc buôn bán không suôn sẻ, bị vỡ nợ, ba má nó phải bán đất, bán nhà để trả nợ. Ba má nó mua mảnh đất rẻ tiền sâu trong hẻm để ở. Từ đó, ba má nó chuyển sang nghề bán quần áo xổ. Kinh tế gia đình sa sút đã thức tỉnh nó. Nó biết thương ba má hơn, chú tâm vào việc học không đi chơi như trước đây nữa. 

Mỗi lần sang nhà Lan chơi, chú Phát- ba của Lan hay hỏi thăm nó về việc học và động viên hai đứa cố gắng học cho giỏi. Sự quan tâm đó làm nó cảm động. Nó biết ba má cũng rất thương nó. Hễ nó cần tiền xài thì cho tiền, thích sắm thứ gì thì cho tiền sắm. Nhà Lan nghèo tiền bạc nhưng giàu tình yêu thương và sự quan tâm của cha mẹ.

Còn nó vật chất không thiếu, chỉ thiếu một thứ mà tiền không thể mua được. Ðó là sự quan tâm của ba má. Nhà trường có sổ liên lạc điện tử, kết quả học tập của nó đều được báo vào máy đi động của má. Môn Anh văn luôn bị điểm kém. Vậy mà ba má vẫn làm thinh thản nhiên như không. Nó ước gì ba má tức giận quát mắng chuyện nó học kém, nó sẽ thấy vui hơn.

Bán quần áo nhờ dịp tết, ba má nó tranh thủ bán thêm ban đêm trên vỉa hè nơi đông người qua lại. Họ ăn cơm bụi bên ngoài. Về nhà, họ tất bật chuẩn bị hàng hoá lên xe cho bữa chợ ngày mai rồi tắm, đếm tiền, cộng sổ xong, đi ngủ. Nó lặng lẽ ngồi học bài bên cái bàn con kê cạnh cửa sổ. “Lan, đừng học khuya quá bịnh nghen con!”. Trước khi đi ngủ, đêm nào chú Phát cũng “ca” điệp khúc ấm áp ấy với Lan.

Nó hướng mắt về phía ba mẹ, ước gì ba má cũng “ca” điệp khúc ấy hoặc hỏi nó học tới khi nào nghỉ tết? Từ lâu lắm rồi, nhà nó không giống một cái “nhà” đúng nghĩa. Không quây quần cùng ăn, cùng chuyện trò bên mâm cơm như trước. Nó thấy chạnh lòng, nghe sống mũi cay cay. Ước gì ba má hiểu được lòng nó đang mong muốn điều gì.

P.T. TUYẾT ANH

Tin cùng chuyên mục