Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Một câu di chúc gửi gắm bao điều
Thứ hai: 21:00 ngày 15/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
“Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” - là mong mỏi được Bác gửi gắm trong bản Di chúc của mình. Học tập và làm theo Bác, xin hãy bắt đầu từ đây, từ điểm cốt lõi này.

“Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”

Tháng 5-1965, Bác Hồ viết bản Di chúc đầu tiên. Đến tháng 5-1966, Bác viết thêm vào bản Di chúc chỉ một câu: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Một câu thôi nhưng gửi gắm bao điều và câu này hiện nay càng trở nên đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Đảng ta đang xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Trong suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề đoàn kết, quan tâm xây dựng và bồi dưỡng những chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Bài học đầu tiên của lớp thanh niên cách mạng ở Quảng Châu là “Tư cách một người cách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra 23 nét tư cách của một người cách mạng, trong đó không thể thiếu tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.

Trong rất nhiều tác phẩm của mình, Người cũng luôn luôn nhắc nhở trong Đảng phải đoàn kết nhất trí. Năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn gay go, ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi lối làm việc. Trong cuốn sách này, Người giành hẳn một phần để nói về “phê bình và sửa chữa”.

Chi bộ khu phố 1 phường Tây Thạnh (quận Tân Phú, TP.HCM) họp kiểm điểm đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII)  Ảnh: HOÀI NAM

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định phê bình việc chứ không phê bình người; phê bình là cốt để giúp người khác tiến bộ, chứ không phải để bới móc nhau, nói xấu nhau: “Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở “cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng”, “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” để nuôi dưỡng, nhân lên tư cách người cách mạng. Ông Vũ Kỳ, người thư ký lâu năm của Bác Hồ, cho biết khi viết bản Di chúc lần đầu tiên, có lúc Bác đã cầm bút lên rồi lại đặt xuống... Từ ngày 12 đến ngày 14-5, Bác họp Bộ Chính trị.

Trong những ngày này, Bác viết thêm một câu đặc biệt quan trọng ở phần đoàn kết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Đến năm 1966, Bác viết thêm liền sau đoạn đó: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Không phải ngẫu nhiên mà lần sửa Di chúc này, Bác chỉ viết thêm câu này. Nếu quay trở lại thời kỳ Bác viết Sửa đổi lối làm việc, soi chiếu với tình hình khi ấy ở chiến khu, nhất là đọc kỹ tác phẩm Hồi ký của cụ Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, chúng ta thấy, khi ấy tình trạng mất đoàn kết đã diễn ra và có nơi đã trở nên nặng nề. Cá biệt, có bộ chia thành 2 cơ quan, một nửa đóng bên này, một nửa đóng phía bên kia của quả đồi. Đã có tình trạng một số đồng chí có bề dày thành tích cách mạng xem nhẹ, coi thường các vị trí thức, quan lại đi theo cách mạng sau năm 1945.

Hãy bắt đầu từ điểm cốt lõi

Chắc hẳn, Người phải rất đắn đo, suy tư mới hạ bút viết thêm câu này trong Di chúc. Theo ông Vũ Kỳ “cán bộ, đảng viên chúng ta từ Trung ương đến các chi bộ chắc sẽ xúc động biết chừng nào khi biết rằng sau một năm trời, Bác Hồ chỉ dặn thêm chúng ta một câu như thế”.

50 năm sau ngày Bác đi xa, những lời căn dặn ấy vẫn còn văng vẳng bên tai. Vậy mà, hiện không thiếu những tổ chức đảng đã để mất đoàn kết trầm trọng; không thiếu những cán bộ, đảng viên gần như đã phai nhạt lý tưởng, đã sợ sệt, thu mình đến mức chẳng còn dám lên tiếng trước những bất cập, hạn chế của tổ chức, của một vài cá nhân gây ra.

Cũng vậy, có những cuộc họp chi bộ trở thành buổi tâng bốc, khen nhau, vuốt đuôi nhau, mà không hề chỉ ra, phê bình tổ chức hay đồng chí mình được bất kỳ điều gì… Nhiều cán bộ, đảng viên lẫn lộn giữa sinh hoạt Đảng và quan hệ thường ngày. Chỉ cần ai đó phê bình một ai trong họp chi bộ, dù với ý tốt, vẫn bị căm ghét, có khi giận nhau cả mấy năm trời.

Hiện nay không ít những cuộc sinh hoạt chi bộ khá nhạt nhẽo. Đảng viên dự sinh hoạt với tư tưởng “anh không động đến tôi, tôi sẽ không động đến anh”. Nhưng có những người, khi phát hiện đồng chí mình sai phạm lại tỏ vẻ thích thú. Cá biệt, có người thấy đồng chí mình sai nhưng không góp ý mà “ghi nhớ, lưu lại”, để đến khi bình xét thi đua hay thực hiện quy trình cán bộ thì lấy đó “đạp đổ” không thương tiếc.

Cái gì đã làm cho những người đồng chí từng cởi áo cho nhau, nhường nhau từng miếng cơm, củ sắn, củ khoai trước đây trở nên xa lạ với nhau như vậy? Cái gì đã làm cho những đồng chí một thời sẵn sàng chết thay nhau, nay đối xử với nhau khốc liệt kiểu “cạn tàu ráo máng”?

Phải chăng, ở cái thời trứng nước của cách mạng, lợi ích chưa nhiều, chưa chi phối nên đối xử với nhau có nghĩa, có tình. Còn hôm nay, lợi ích vật chất chi phối và điều khiển ghê gớm, làm cho tình yêu thương, tình đồng chí trở nên phai nhạt? Nói thế chưa hẳn đúng, bởi trước khi là một đảng viên, là một người cán bộ; tất cả chúng ta đều là một con người. Đã là con người cần phải có và cần phải tuân thủ những chuẩn mực đạo đức chung của cộng đồng, của xã hội.

Việt Nam là một dân tộc phương Đông. Nếu thiếu “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” thì dù quy định của Đảng có nghiêm tới bao nhiêu cũng không thể tiến hành được đoàn kết, dân chủ trong Đảng.

Vậy nên, quy định cần phải có, nhưng vẫn rất cần ở mỗi cán bộ, đảng viên tình yêu thương lẫn nhau. Việc tự phê bình và phê bình chỉ có ý nghĩa và hiệu quả khi nó được tiến hành với động cơ trong sáng của tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Học tập và làm theo Bác, xin hãy bắt đầu từ đây, từ điểm cốt lõi này.

Nguồn SGGPO

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh