BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xung quanh thông tin sáp nhập trường

Một chủ trương cần được ủng hộ

Cập nhật ngày: 07/10/2016 - 04:19

Trong giờ học môn Địa lý ở Trường THCS Thạnh Tây.

Ngày 14.9, lãnh đạo Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Tân Biên có tờ trình gửi UBND huyện và các cơ quan có liên quan để xin chủ trương cho sáp nhập, chia tách một số trường học trên địa bàn. Trong số những trường được đề nghị sáp nhập, có cả trường trung học cơ sở. Nếu chủ trương này được cấp có thẩm quyền đồng ý, thì đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, một trường THCS phải sáp nhập vào trường khác.

Cơ sở để sáp nhập

Theo lý giải, tờ trình nói trên được lập ra thông qua việc nghiên cứu thực trạng của các trường mầm non Xa Mát II, tiểu học Tân Lập (thuộc xã Tân Lập), THCS Thạnh Tây (thuộc xã Thạnh Tây), mẫu giáo Mỏ Công, mầm non Hoa Mai, tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, tiểu học Mỏ Công (thuộc xã Mỏ Công), đồng thời qua nghiên cứu điều kiện thành lập, sáp nhập, chia, tách trường theo điều lệ quy định. Theo kế hoạch, tại xã Tân Lập, Phòng Giáo dục- Đào tạo (Phòng GD – ĐT) dự kiến sẽ tách Trường mầm non Xa Mát II thành 2 trường là  mầm non Xa Mát II và mầm non Tân Khai thuộc Khu dân cư Chàng Riệc. Lý do để tách là khoảng cách giữa điểm chính và điểm phụ hiện tại quá xa (khoảng 30 cây số) gây khó khăn trong công tác quản lý và giảng dạy. Trường tiểu học Tân Lập thì sẽ tách thành 2 trường gồm Trường tiểu học Tân Lập và Trường tiểu học Tân Khai thuộc Khu dân cư Chàng Riệc. Lý do tương tự như trên- khoảng cách giữa hai điểm trường tiểu học khoảng 30 cây số.

Tại xã Thạnh Tây, hướng đề xuất là sẽ sáp nhập Trường THCS Thạnh Tây vào Trường THCS Nguyễn Khuyến (cả hai trường này đều thuộc xã Thạnh Tây). Lý do sáp nhập là vì năm học 2016- 2017, Trường THCS Thạnh Tây chỉ có 64 học sinh, không đáp ứng quy mô phát triển.

Riêng ở xã Mỏ Công, Trường mẫu giáo Mỏ Công sẽ sáp nhập vào Trường mầm non Hoa Mai, còn Trường tiểu học Mỏ Công thì nhập vào Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu. Hiện tại, diện tích Trường mẫu giáo Mỏ Công quá hẹp, không đủ để xây dựng trường chuẩn quốc gia và không đáp ứng tiêu chuẩn công nhận nông thôn mới.

Trường mẫu giáo Mỏ Công trước đây thuộc ấp Thanh Tân, xã Mỏ Công. Năm 2002, trường được dời vào ấp 1 của xã cho đến nay. Hiện tại trường có 5 lớp với tổng cộng 155 học sinh. Số phòng học hiện có đủ để đáp ứng nhu cầu học và các hoạt động khác. Năm học 2016 – 2017, trường bắt đầu mở một số lớp bán trú để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh học sinh. Đối chiếu với quy định hiện hành thì trường đang thiếu khoảng 5 giáo viên. Trước thông tin sáp nhập nói trên, đại diện Trường mẫu giáo Mỏ Công tỏ ra dè dặt cho biết, hiện tại nhà trường chỉ mới nghe tin ban đầu, còn chưa biết cụ thể thế nào nhưng nếu đó là quyết định của cấp trên thì nhà trường đương nhiên phải chấp hành.

Trường tiểu học Mỏ Công nằm trên địa bàn ấp Gò Đá, được thành lập năm 1987, hiện có 5 lớp với 128 học sinh. Trong đó, lớp  đông nhất có 30 học sinh và lớp ít nhất có 22 em. Trường có 7 cán bộ, giáo viên và 2 nhân viên. Ấp Gò Đá có dân cư khá đông, mấy năm qua sau khi Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (gần UBND xã Mỏ Công) được xây mới, nhiều hộ dân trong ấp đã  tìm cách xin cho con em mình ra học tại trường này mà không chọn ngôi trường tại ấp.

Diện tích đất của Trường tiểu học Mỏ Công rất hẹp, nếu muốn xây mới cơ sở vật chất trường lớp theo hướng kiên cố hoá thì cũng khó, xây trường chuẩn quốc gia lại càng không thể bởi việc mở rộng diện tích đất cũng là cả một vấn đề. Mặt khác, với số lượng học sinh trong ấp chưa đến 130 em, việc đầu tư xây trường chuẩn quốc gia là không cần thiết, nói đúng hơn là lãng phí (kinh phí xây trường theo hướng đạt chuẩn quốc gia rất lớn, thường lên đến hàng chục tỷ đồng). Nếu sáp nhập, Trường tiểu học Mỏ Công sẽ trở thành điểm lẻ của Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (trường chuẩn quốc gia của xã).

Trong số 107 trường THCS hiện nay của cả tỉnh, Trường THCS Thạnh Tây của huyện Tân Biên chắc chắn là trường có số lượng học sinh ít nhất. Lãnh đạo nhà trưởng cho biết, trường được thành lập vào năm 1998. Thời “hưng thịnh” nhất, trường có 300 học sinh. Sau khi Trường THCS Nguyễn Khuyến (cũng thuộc xã Thạnh Tây) được thành lập thì số học sinh Trường THCS Thạnh Tây giảm dần. Một nguyên nhân khác khiến sĩ số học sinh của trường này ngày càng “teo tóp” là do xã Thạnh Tây nằm sát thị trấn Tân Biên nên rất nhiều học sinh có hộ khẩu ở xã nhưng lại học ở trường của thị trấn.

Năm 2012, các cấp có thẩm quyền ở Tân Biên đã đồng ý cho toàn bộ con em ấp Thạnh Sơn, xã Thạnh Tây được học tại Trường THCS thị trấn Tân Biên vì khu dân cư của ấp này nằm gần Thị trấn hơn. Kể từ đó, số học sinh Trường THCS Thạnh Tây càng giảm mạnh. Năm học 2016 – 2017, toàn trường chỉ có 68 em từ lớp 6 đến lớp 9. Trong đó, số con em trong xã Thạnh Tây chỉ khoảng chục em, số còn lại là của hai xã Hoà Hiệp và Tân Phong.

Ở Trường THCS Thạnh Tây đang tồn tại một nghịch lý: mặc dù số lượng học sinh rất ít như thế nhưng đội ngũ giáo viên thì lại thiếu trầm trọng. Toàn trường chỉ có 8 giáo viên trong khi chương trình học có đến 13 môn. Do một số môn không có người dạy nên hiện tại nhiều giáo viên của trường phải “dạy chéo”, nghĩa là phải dạy luôn cả bộ môn không hề có chút liên quan, tương đồng nào so với chuyên môn được đào tạo của mình. Chẳng hạn như giáo viên Vật lý phải dạy luôn môn… Âm nhạc và Công nghệ, giáo viên tiếng Anh kiêm cả môn… Mỹ thuật, giáo viên Ngữ văn kiêm… Giáo dục công dân. Riêng môn Giáo dục công dân, nhà trường đã không có giáo viên từ năm 2008 đến nay.

Trong giờ học Toán ở Trường THCS Thạnh Tây.

Ý kiến người trong ngành

Trò chuyện với một số giáo viên Trường THCS Thạnh Tây, người viết ghi nhận: hầu như không ai muốn chuyện sáp nhập trường diễn ra. Theo suy nghĩ của họ, khi sáp nhập thì người dạy điểm chính có thể phải dạy cả điểm lẻ, gây bất tiện trong đi lại và quản lý học sinh. Ngoài ra họ còn lo chuyện sẽ bị “phân biệt đối xử” giữa điểm chính và điểm phụ. Rồi còn chuyện một số chức danh như người làm công tác thiết bị, thư viện sẽ được bố trí thế nào? Trường THCS Nguyễn Khuyến tuy học sinh có đông hơn nhưng con số cũng chưa quá 200 và chỉ cách Trường THCS Thạnh Tây chừng 3 – 4 cây số.

Trước những băn khoăn của giáo viên, bà Nguyễn Thị Thu Yên- Trưởng Phòng GD – ĐT Tân Biên cho biết, trước khi lập tờ trình để trình các cấp có thẩm quyền, lãnh đạo Phòng đã tính toán, cân nhắc rất kỹ, xem xét toàn diện các vấn đề có liên quan. Điều mà giáo viên quan tâm nhất là sau khi sáp nhập thì sẽ dạy ở trường nào (điểm chính hay điểm phụ) nhưng theo bà: “Về cơ bản sẽ không có sự xáo trộn lớn”. Vẫn theo lời Trưởng phòng, chủ trương sáp nhập, chia tách một số điểm trường không chỉ liên quan đến Chương trình xây dựng xã nông thôn mới mà còn liên quan nhiều vấn đề khác, trong đó có chuyện củng cố, cải thiện chất lượng cũng như điều kiện dạy học.

Riêng đối với Trường THCS Thạnh Tây, do số học sinh quá ít, không thể đầu tư xây trường chuẩn quốc gia được, vì “nếu làm điều đó sẽ có lỗi với nhân dân”. Riêng ở xã Tân Lập, khoảng cách giữa hai trường quá xa nên phải tách ra để tạo điều kiện thuận lợi cho cả giáo viên lẫn cán bộ quản lý. Mặt khác, Khu dân dư Chàng Riệc được tỉnh ưu tiên đầu tư nên trường lớp ở đây khang trang, trường mầm non đã tổ chức được mô hình bán trú nên cần tách bạch để tiện cho khâu quản lý.

Quy mô giáo dục phổ thông tiếp tục giảm

Trong mấy năm qua, có một hiện tượng dễ nhận thấy là tổng số học sinh trong tỉnh đang ngày càng giảm. Con số thống kê cho thấy: trong thời gian từ năm 2008 đến năm 2015, số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh giảm từ 283 trường xuống còn 262 trường, tức có 21 trường phải giải thể, sáp nhập vào  trường khác. Số trường phải sáp nhập thường có quy mô nhỏ, ít học sinh. Mục đích sáp nhập, theo lãnh đạo Sở GD - ĐT là để “tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư trang bị, phát huy hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị”.

Tính đến hết năm học 2015 – 2016, toàn tỉnh có 262 trường tiểu học, có 33 trường tổ chức theo mô hình bán trú. Trước ngày khai giảng năm học 2016 – 2017, tại 2 huyện Trảng Bàng và Châu Thành có hai trường tiểu học phải sáp nhập. Trong hai trường ấy, có trường số học sinh trong một lớp chỉ vỏn vẹn 6 em. Hai nguyên nhân cơ bản khiến số lượng học sinh giảm dần theo từng năm là chính sách dân số và tình trạng học sinh bỏ học. Trong đó, kế hoạch hoá gia đình là nguyên nhân chính, vì số con trong mỗi gia đình ngày càng ít đi.

Tây Ninh cũng được ghi nhận là một trong những tỉnh có tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước. Số lượng học sinh ở một số trường quá ít, do vậy, việc sáp nhập là một chủ trương cần được ủng hộ. Ngoài những căn cứ đã dẫn ở phần trên, việc sáp nhập còn góp phần cải cách bộ máy hành chính. Thật khó thuyết phục khi một bộ máy với đầy đủ chức danh, hưởng đầy đủ mọi chế độ phụ cấp lại chỉ quản lý và giảng dạy một số lượng học sinh ít ỏi.

VIỆT ĐÔNG