BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhân ngày sách Việt Nam 21.4

Một cuốn sách lịch sử nên đọc

Cập nhật ngày: 19/04/2016 - 12:07

Vậy mà một tối khuya, mở sách ra tôi lập tức bị các trang sách ấy cuốn hút. Cuốn hút ngay từ lời giới thiệu sách của Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Văn Hợp. Bài giới thiệu có chi tiết này đây: “Tại căn cứ Dương Minh Châu, ngày 10.10.1965, đại tướng Nguyễn Chí Thanh- Bí thư TW cục- Bí thư quân uỷ Miền đến thăm trung đoàn 16, thăm và chúc mừng Q763 (Sư đoàn 9) mới bổ sung đủ biên chế… Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói: “Cứ đánh Mỹ sẽ tìm ra cách thắng Mỹ”. Từ kinh nghiệm ở chiến thắng Núi Thành của Quảng Nam, Đại tướng đã dùng hình ảnh để diễn tả cách đánh Mỹ bằng một câu nói nổi tiếng là: “Nắm thắt lưng quân Mỹ mà đánh”. Câu này sau đó đã trở thành một phương châm, một cách đánh và được lan truyền trên cả nước.

Sách có ba phần. Phần 2 viết về thời kỳ 1954-1975; phần 3 nói về thời kỳ 1975- 2015 nhưng chỉ trên 160 trang sách ở phần thứ nhất thôi, đã có thể khiến bạn đọc mở sách ra là không thể rời mắt cho đến trang 168. Phần ấy có tựa đề: “Vùng đất phía đông bắc tỉnh Tây Ninh qua các thời kỳ lịch sử- Huyện Dương Minh Châu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược”. Những trang phân tích các yếu tố địa chính trị và địa quân sự hoặc địa lý tự nhiên của miền đất này khá đậm chất văn chương, nên dễ đọc, dễ vào. Như đoạn viết về “Địa quân sự” sau đây: “Phía đông nối liền với dòng sông Sài Gòn chảy suốt theo chiều dài của huyện, lực lượng kháng chiến có thể vượt sông, lên chiến khu Đ. Phía nam liên thông với chiến khu Bời Lời, nối liền với Bến Đình, Bến Dược (Củ Chi)… Từ trung tâm căn cứ huyện Dương Minh Châu về phía tây có thể cơ động theo tỉnh lộ 13 phía tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông đến các căn cứ Cây Chò, Ninh Điền, Hoà Hội huyện Châu Thành. Phía tây bắc tiếp cận núi Bà Đen cao gần một ngàn mét, rất nhiều hang động tự nhiên…Toàn bộ phía bắc nối liền với vùng đại ngàn đông bắc Campuchia tạo nên một vùng căn cứ liên hoàn rộng lớn…”. Và, cái thiên nhiên Dương Minh Châu, trước khi trở thành căn cứ địa của cách mạng mới kỳ vĩ, lộng lẫy làm sao! Về rừng,“vốn là đại ngàn với các loài cây mọc chen chúc, ken dày, cổ thụ xen với rừng tre, rừng le, dây leo chằng chịt… Trong lòng đại ngàn Dương Minh Châu có muôn loài thú: nhỏ nhất là thằn lằn, cắc ké, kỳ nhông, sóc… to nhất là voi, trâu, bò, cọp… Cá theo sông Sài Gòn, cá ở bến Cồng, bến Huỷnh… cá ở bàu Hang, bàu Sen, bàu Trẹt, bàu Dài… Dương Minh Châu là vùng đất có đến hàng trăm bàu lớn nhỏ… trong bàu chứa rất nhiều cá, là nguồn nuôi sống nhân dân Dương Minh Châu và cán bộ chiến sĩ cách mạng…”. Thật đúng là: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” như rừng Dương Minh Châu đã chứng tỏ suốt hai mùa kháng chiến.

Về sông suối, một chi tiết có thể làm ta ngạc nhiên: thời còn là huyện căn cứ địa, sông Sài Gòn chảy dọc huyện này dài tới 123km. Sau này khi hoà bình, sông được chặn dòng làm hồ thuỷ lợi đã làm cho Tây Ninh, từ một vùng đất “nắng cháy da người” thành vùng: “tưới đủ hai mùa mưa nắng, hầu hết diện tích đất trong tỉnh đều có khả năng làm 3 vụ/năm… Nước hồ làm cho người Dương Minh Châu, người Tây Ninh thế hệ hôm nay trắng da, dài tóc, sáng tươi hơn…” (trang 31). Quả là một lối viết sử linh hoạt, tài tình khiến người đọc có thể mỉm nụ cười thư giãn.

Nhưng để có một sức cuốn hút thì không chỉ là cách viết! Điều cốt yếu vẫn là tư liệu lịch sử đáng tin. Như những trang viết về đội võ trang Suối Đá do ông Phạm Văn Dõng chỉ huy trong đêm Cách mạng tháng 8 ở Tây Ninh (25.8.1945). Như những trang viết về sự thành lập các đơn vị võ trang đầu tiên của Tây Ninh theo quyết định của Khu trưởng khu 7 Nguyễn Bình, từ Chi đội 11 đến Trung đoàn 311. Đội võ trang Suối Đá cũng ở trong phiên chế của đơn vị này, là Trung đội 4 của Đại đội 3 do Phạm Văn Dõng làm trung đội trưởng. Phải chú ý chi tiết này, vì sách còn có những trang viết rất hay và cảm động về thân thế và sự hy sinh của ông Dõng, cũng như đơn vị tiền thân của lực lượng võ trang huyện. Đấy là: “Đại đội 3 trực thuộc tiểu đoàn 933, trung đoàn 311 bộ đội tỉnh, nhưng về thực chất đại đội 3 là của vùng phía đông (DMC), gắn bó, yêu thương, kính trọng nhân dân trên vùng đất phía đông này như cha, mẹ, quê hương mình”. Đại đội 3 được coi như bộ đội địa phương huyện, tiền thân của lực lượng tập trung huyện khi sau này huyện được thành lập. Cuốn sách này ắp đầy tư liệu và tư liệu. Như các quyết định của Khu trưởng khu 7 Nguyễn Bình, đều có tháng ngày cụ thể. Các đoạn trích chỉ đạo đều có ghi chú kèm theo trang.

Lịch sử lực lượng vũ trang nên dĩ nhiên các trận chiến đấu của các đơn vị sẽ chiếm nhiều trang sách. Nhưng bên cạnh còn là các câu chuyện, các chân dung, tính cách của các cán bộ chủ chốt như Phạm Văn Dõng, Huỳnh Văn Một, Hoàng Lê Kha cuối thời kháng Pháp và các bí thư huyện uỷ, chỉ huy quân sự các thời kỳ; của Anh hùng Lực lượng vũ trang Ngô Văn Rạnh, chỉ huy C31 sau khi tái lập thời kháng chiến chống Mỹ, kể cả hình ảnh một chiến sĩ tên Ngà, vật lộn giữa dòng nước lũ dưới chân núi Bà cứu dân trong lũ Nhâm Thìn 1952; kể cả bài hát Tình cá nước mà chiến sĩ Đại đội 3, Trung đoàn 311 thường say sưa hát: “Xưa kia tôi cũng là người nông dân ra đầu quân đánh Tây/ Bây giờ thành vệ quốc đoàn…”.

Quả thật đây là những trang vàng- vàng ròng sinh ra từ lửa, máu của cuộc đấu tranh cách mạng; của con người và một miền đất một thời từng có- nơi nơi địa linh, người người nhân kiệt. Và cũng không chỉ là lịch sử cách mạng huyện Dương Minh Châu thôi đâu! Đó còn là những phần rạng rỡ nhất của lịch sử tỉnh Tây Ninh và lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ. Sách còn thể hiện tâm huyết của nhiều thế hệ cách mạng lão thành, của nhân dân Dương Minh Châu cũng như của nhóm biên soạn mà đứng đầu là Thượng tá Hà Duy Cường, nguyên Trưởng Ban Lịch sử của Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh. Dẫu cũng đôi chỗ còn lầm lẫn, như ở trang 35 có viết “năm 1872 thành lập tỉnh” (đúng ra là năm 1900). Hoặc có đoạn kể xóm Suối Đá hình thành từ năm 1660- quá xa xôi mà chưa dẫn nguồn để có thể kiểm chứng. Nhưng so với khối tư liệu đồ sộ thì đó chỉ là hạt bụi. Và cũng còn nữa một phân vân! Do sự thành kính của người viết chăng, mà có vài chỗ dùng từ “đức ông” đối với các ông Phạm Văn Dõng, Huỳnh Văn Một và Ngô Văn Rạnh. Viết thế chắc gì các bậc tiền bối ấy đã vui lòng?

NGUYỄN QUỐC VIỆT