Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Một đời cống hiến của “Người lính Cụ Hồ”
Thứ năm: 10:25 ngày 24/10/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Có thể nói, không thể có một Tây Ninh đổi đời nếu không có công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng, và cũng không thể có một công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng nếu không có chú Sáu Thượng. Những ai biết rõ hoàn cảnh lịch sử của tỉnh nhà giai đoạn ấy đều khẳng định được điều đó.

Có thể nói, không thể có một Tây Ninh đổi đời nếu không có công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng, và cũng không thể có một công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng nếu không có chú Sáu Thượng. Những ai biết rõ hoàn cảnh lịch sử của tỉnh nhà giai đoạn ấy đều khẳng định được điều đó.

Bí thư Tỉnh uỷ Đặng Văn Thượng (phải) và Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn (trái) tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giữa) đến thăm Tây Ninh

(BTN) - Những ai từng sống tại Tây Ninh những năm toàn tỉnh chung sức chung lòng xây dựng hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng đều biết đến một vị lãnh đạo tỉnh có gương mặt hiền hoà, nụ cười phúc hậu, luôn đi sâu, đi sát nhân dân, nhất là những người dân miệt mài lao động trên công trường xây dựng công trình thuỷ lợi lớn nhất nước này – một công trình làm thay đổi toàn diện vùng nông thôn nghèo khó của một tỉnh biên giới từng trải qua tất cả các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc trong thế kỷ 20. Đó là đồng chí Đặng Văn Thượng, chú Sáu Thượng thân kính của lớp trẻ Tây Ninh thời “ta đi xây dựng công trình”. Có thể nói, không thể có một Tây Ninh đổi đời nếu không có công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng, và cũng không thể có một công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng nếu không có chú Sáu Thượng. Những ai biết rõ hoàn cảnh lịch sử của tỉnh nhà giai đoạn ấy đều khẳng định được điều đó.

NGƯỜI MANG CỜ “QUYẾT CHIẾN, QUYẾT THẮNG” VỀ NAM

Đồng chí Đặng Văn Thượng, tên khai sinh là Đặng Văn Khương, SN 1927, ở Đức Hoà, Long An. Ở tuổi thiếu niên ông đã phải chứng kiến những người thân trong gia đình mình bị giặc Pháp xử tử vì đã dám tham gia cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, vì thế ông tham gia cách mạng rất sớm, năm 1944 khi mới 17 tuổi.

Trong kháng chiến chống Pháp ông cầm súng chiến đấu ở mặt trận Đức Hoà - Chợ Lớn, rồi tập kết ra Bắc sau Hiệp định Genève 1954. Khi kẻ thù Mỹ Diệm xé bỏ Hiệp định không tiến hành hiệp thương thống nhất đất nước, cuối năm 1959 đầu năm 1960 khi đang công tác ở Sư đoàn B38, đơn vị của bộ đội miền Nam tập kết, ông được Quân uỷ Trung ương gọi về Hà Nội giao nhiệm vụ đặc biệt: tham gia đoàn cán bộ đầu tiên từ miền Bắc “hồi kết” về Nam kháng chiến chống Mỹ.

Đoàn do đồng chí Bùi Thanh Vân (Út Liêm, sau là Tỉnh đội trưởng Tây Ninh, rồi Trung tướng Tư lệnh Quân khu 7) làm trưởng đoàn, đồng chí Đặng Văn Thượng làm Chính trị viên, Bí thư chi bộ. Từ thủ đô Hà Nội đoàn đi ô tô vào đến bờ sông Bến Hải rồi bí mật vượt sông, đi bộ dọc Trường Sơn ròng rã đến 10 tháng trời (từ ngày 1.1 đến tháng 10.1960) mới tới căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở chiến khu D, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Trước lúc lên đường, ông Sáu Thượng và 27 đồng chí trong đoàn vinh dự được gặp và dùng cơm với Bác Hồ và Bộ Chính trị. Bác Hồ giao nhiệm vụ cho đoàn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” cho Bí thư chi bộ Đặng Văn Thượng. Nhiệm vụ đặc biệt của đoàn công tác này, khác với những đơn vị “hồi kết” về sau là không chỉ mang theo lương thực để ăn đường và vũ khí– những “cây súng cái” của bộ đội về Nam, mà còn mang một khối lượng vàng không nhỏ, để “làm vốn ban đầu” cho miền Nam đánh Mỹ.

Chuyến đi lịch sử này, năm 1982 nhà văn Trương Nguyên Việt có viết trên tạp chí Văn nghệ quân đội, đoạn nói về ông Sáu Thượng như sau: “… Riêng với anh Sáu, một hoàn cảnh khắc nghiệt đến với anh. Đi được quãng một phần ba chặng đường, bổng anh thấy nhói bên ngực phải. Cứ nghĩ do quai ba lô siết. Nhưng nới quai ra rồi vẫn thấy đau. Càng đi càng đau. Cho tới lúc anh ói, ói ra máu đỏ nọc. Đồng đội nhìn anh ói mà nước mắt lưng tròng. Cái mảnh đạn tai quái trong buồng phổi của anh đó (anh bị thương từ thời kháng Pháp), rình lúc căng thẳng, mệt mỏi, mới lại trỗi dậy hành hạ anh.

Trước tình hình sức khoẻ anh như vậy, chi bộ họp và quyết định phải đưa anh trở lại miền Bắc. Nhưng với quyền Bí thư, anh gắng thuyết phục mọi người cho mình đi tiếp. Có lẽ do quá thông cảm và nể tình, cho nên mọi cánh tay lại giơ lên phủ quyết lại quyết định trước đó của mình…”.

Đoàn về đến căn cứ, trình diện Trung ương Cục, ông Sáu Thượng, ông Út Liêm và một đồng chí nữa lập tức đi miền Tây, đến các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre “chiêu binh mãi mã” được hơn 500 quân để thành lập tiểu đoàn quân chủ lực đầu tiên của cách mạng miền Nam thời đánh Mỹ cho kịp ngày ra mắt Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ở chiến khu Dương Minh Châu - Tây Ninh ngày 20.12.1960.

Trên đường chuyển quân về Tây Ninh, ông Út Liêm, ông Sáu Thượng chỉ huy đơn vị phục kích đoàn xe của tên Quận Huê từ dinh quận Phú Khương ở Suối Đá đi ra thị xã Tây Ninh, 30 tên giặc đi trên xe GMC và xe Jeep tử thương trong trận này, trong đó có tên Quận trưởng khét tiếng ác ôn ở Tây Ninh.

Từ đó, đơn vị Q761 lớn mạnh lên thành Trung đoàn, đánh thắng trận Bình Giã nổi tiếng nên được Trung ương Cục đặt tên là Trung đoàn Bình Giã. Trung ương Cục lại thành lập thêm đơn vị Q762, đơn vị đánh thắng trận Đồng Xoài, nên được đặt tên là Trung đoàn Đồng Xoài. Lúc này ông Sáu Thượng là Chính uỷ Trung đoàn Đồng Xoài.

Sau đó hai trung đoàn này cùng với một trung đoàn từ miền Tây điều lên tập hợp lại thành lập “Công trường 9”, Sư đoàn quân chủ lực đầu tiên của cách mạng miền Nam. Ông Sáu Thượng lãnh nhiệm vụ Chính uỷ Sư đoàn. Cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân giải phóng lớn mạnh không ngừng. Trường Quân chính sơ trung cấp được thành lập, sau là Trường Sĩ quan Lục quân 2, đóng ở rừng Lò Gò - Tây Ninh, Đại tá Đặng Văn Thượng được điều động về làm Chính uỷ nhà trường.

XÂY HỒ DẦU TIẾNG, TRỊ THUỶ ĐỒNG THÁP MƯỜI

Miền Nam giải phóng chưa được bao lâu, bọn diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Sary bắt đầu gây hấn, chúng tràn qua biên giới phía Tây Nam giết hại đồng bào ta. Đồng chí Đặng Văn Thượng chính thức đến với quân dân Tây Ninh với cương vị Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh. Rồi được Trung ương giao giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh, thay đồng chí Nguyễn Văn Nới (Hai Thắng) đi học dài hạn ở Hà Nội vào giữa năm 1976. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ III, đồng chí Đặng Văn Thượng được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.

Từ một người chỉ huy quân sự chuyển sang làm người đứng đầu chính quyền, Đảng bộ tỉnh, chú Sáu Thượng đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn của một thời Tây Ninh vừa khôi phục sản xuất ổn định cuộc sống với xuất phát điểm của nền kinh tế rất thấp, vừa phải đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại biên giới của giặc Pôn Pốt. Thời bấy giờ dân trong tỉnh không đủ gạo ăn, đích thân chú Sáu Thượng cùng với ông Hai Phát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Hồng Phúc, Giám đốc Sở Lương thực phải lặn lội xuống một tỉnh gần tới phần đất cực Nam đất nước để xin đổi gỗ rừng (do Trần Lệ Xuân, vợ Ngô Đình Nhu- Cố vấn của Tổng thống nguỵ quyền Sài Gòn trồng) để lấy lương thực nhưng không được.

Vậy mà lại có lãnh đạo của 3 tỉnh khác tặng không cho Tây Ninh 2.000 tấn lúa và một máy phát điện 300 KVA (lúc bấy giờ nguồn điện ở tỉnh Tây Ninh có cũng như không). Và 2.000 tấn lương thực ấy tỉnh vẫn không dám dùng hết, còn phải đem 1.000 tấn đổi lấy phân đạm, phân lân của TP.Hồ Chí Minh về phân phối cho nông dân sản xuất vụ Đông Xuân ở ba xã cánh Tây Trảng Bàng, nơi duy nhất trong tỉnh sản xuất được vụ lúa này.

May mắn làm sao, 2 năm sau ngày giải phóng, nước ta được Ngân hàng Thế giới (WB) viện trợ để xây dựng công trình thuỷ nông hồ Dầu Tiếng, một dự án có từ trước ngày giải phóng. Tuy mang tên của một địa phương thuộc tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương) nhưng gần như hai phần ba diện tích hồ chứa 27.000 ha và toàn bộ hệ thống kênh mương hàng ngàn kilomet đều nằm trên đất Tây Ninh.

Được Trung ương cho triển khai thi công trên địa bàn tỉnh, Tây Ninh có trách nhiệm tổ chức thi công trên “đại công trường thủ công” xây dựng hệ thống kênh nhánh và công trình trên kênh, Bộ Thuỷ lợi đảm trách thi công phần đầu mối gồm đập chính, đập tràn, đập phụ và 2 kênh chính Đông, Tây bằng cơ giới.

Khu vực thi công của địa phương trải rộng trên 2/3 diện tích của tỉnh, trừ hai huyện Tân Biên và Bến Cầu, còn các huyện, thị khác đều có kênh mương đi qua. Về khối lượng thì Tây Ninh phải đào đắp hàng chục triệu mét khối đất và hàng chục ngàn mét khối bê-tông, đá xây lát. Và công việc ấy phải làm xong trong vòng 5 năm cho kịp đưa vào sử dụng, dẫn nước về đồng phục vụ sản xuất khi các công trình đầu mối hoàn thành, dòng sông Sài Gòn bị chặn lại và hồ Dầu Tiếng được tích nước.

Trước cơ hội có thể làm thay da đổi thịt quê hương, phát triển sản xuất nông nghiệp, chú Sáu Thượng quyết tâm làm cho bằng được, dù rằng trong tỉnh có những ý kiến phản đối khá mạnh.

Với cái tâm trong sáng và ý chí quyết thắng của “người lính Cụ Hồ”, vị Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh lúc bấy giờ đã thực sự là vị Tổng chỉ huy trên công trường, với những đợt phát động toàn tỉnh ra quân rầm rập, sôi nổi trên tất cả các công trường từ tỉnh đến xã. Khởi công ngày 29.4.1981, đến mùa khô năm 1985 dòng nước mát lành từ hồ Dầu Tiếng tuôn chảy đến tận các cánh đồng vốn khát khao cháy bỏng từ bao đời nay.

Hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng đã phát huy tác dụng, hiệu ích như thế nào, người Tây Ninh ngày nay hẳn đã quá rõ. Trong cuộc đổi thay đem lại nguồn hạnh phúc lớn lao cho người dân nông thôn Tây Ninh, mãi mãi vẫn còn in đậm dấu ấn của ông Sáu Thượng.

Với sự cống hiến không mệt mỏi của người cán bộ trung kiên của Đảng, không chỉ có người dân Tây Ninh yêu mến, mà nhiều tỉnh ở miền Tây Nam bộ, cụ thể là ở vùng Đồng Tháp Mười, vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng Bắc Hà Tiên được vươn lên sung túc như ngày hôm nay có phần công sức không nhỏ của ông Sáu Thượng.

Rời đất Tây Ninh, năm 1987 đồng chí Đặng Văn Thượng được Chính phủ (khi ấy là Hội đồng Bộ trưởng) phân công làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đồng Tháp Mười.   

Đồng Tháp Mười là một vùng đất hoang hoá lâu đời, diện tích tự nhiên khoảng 700.000 ha thuộc địa giới hành chính của 15 huyện, 1 thị xã và 9 xã của các tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Sau giải phóng, Đồng Tháp Mười vẫn còn hơn phân nửa diện tích hoang hoá (53% diện tích tự nhiên), đất đai bị phèn nặng, mùa lũ nước ngập sâu và kéo dài, mùa khô thì thiếu nước ngọt, dân cư thưa thớt chỉ sống dựa vào một vụ lúa mùa và là lúa nổi.

Với kết quả nghiên cứu, đề xuất của Ban Chỉ đạo, được sự đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ về các lĩnh vực thuỷ lợi, giao thông, điều động và bố trí dân cư và quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh trong vùng Đồng Tháp Mười, sau 10 năm thực hiện chương trình đầu tư phát triển Đồng Tháp Mười đã biến đổi sâu sắc, từ một vùng có điều kiện tự nhiên hết sức khắc nghiệt đã trở thành vùng lúa trọng điểm của đất nước với diện tích gieo trồng lúa tăng thêm 312.743 ha, sản lượng lúa tăng thêm gần 1,65 triệu tấn, góp phần đưa đất nước từ chỗ thiếu thốn lương thực trước năm 1987 trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Bên cạnh việc đầu tư phát triển vùng Đồng Tháp Mười, Ban Chỉ đạo Đồng Tháp Mười còn chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình “trị thuỷ” vùng Tứ giác Long Xuyên, thoát lũ ra biển Tây ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang đem lại hiệu quả phát triển rất mạnh mẽ cho vùng đất Tây sông Hậu. Với sự cống hiến công sức ở miền Tây Nam bộ, trong hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình phát triển Đồng Tháp Mười 1987-1997, ông Sáu Thượng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Cống hiến trọn một đời, mãi đến năm 1999 đồng chí Đặng Văn Thượng mới thật sự nghỉ hưu. Và bây giờ chú Sáu Thượng đã từ biệt chúng ta. Nhưng bao giờ người Tây Ninh còn được hưởng lợi từ hồ Dầu Tiếng, hay người dân miền Tây còn được hưởng lợi từ Đồng Tháp Mười, từ vùng Tứ giác Long Xuyên, thì mọi người vẫn còn nhớ đến ông.

NGUYỄN TẤN HÙNG

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục