BAOTAYNINH.VN trên Google News

Một gia đình CCB: Ổn định cuộc sống nhờ trồng thanh long ruột đỏ

Cập nhật ngày: 31/03/2011 - 10:43

Chúng tôi đến thăm vườn thanh long ruột đỏ của gia đình ông Trần Văn Thành (SN 1936, Chi hội trưởng chi hội CCB khu phố Rạch Sơn, thị trấn Gò Dầu) trong lúc vợ chồng ông đang thu hoạch trái sang cho lái. Đang cắt những trái thanh long vừa chín tới căng tròn, đỏ tươi, ông Thành vui vẻ cho biết, giá thanh long ruột đỏ hiện nay (ngày 28.3.2011) ông sang cho lái tại vườn là 30.000 đồng/kg. Nhà không có nhiều ruộng đất, vả lại tuổi cao sức yếu, nên ông Thành chỉ trồng hơn 100 gốc thanh long ruột đỏ, nhưng cũng đủ cho vợ chồng ông ổn định cuộc sống ở độ tuổi xế chiều.

Vợ chồng ông Thành đang thu hoạch thanh long

Trước kia ông Thành từng là bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lúc mới rời quân ngũ, cuộc sống gia đình ông hết sức khó khăn. Nhà không có ruộng đất sản xuất, cũng không có nghề nghiệp ổn định, để nuôi sống gia đình, ông Thành làm nghề mua bán muối ăn. Hằng ngày ông chở muối bằng xe đạp đi khắp các hang cùng ngõ hẹp, khắp các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới để bán từng ký muối cho người nghèo. Cần cù nhẫn nại, chi xài thật tiết kiệm, nhờ vậy mà không chỉ nuôi sống được gia đình, ông còn có tích luỹ. Sau đó ông mua được 60 cao (6.000m2) đất. Có đất sản xuất, ông Thành không còn đi mua bán muối, mà tập trung vào làm vườn và phát triển chăn nuôi. Ban đầu ông lập vườn trồng 30 cao nhãn. Nhưng giá nhãn luôn bấp bênh, nhận thấy trồng nhãn hiệu quả không cao, nên ông đã phá bỏ vườn nhãn. Cách đây khoảng 4 năm, nhờ có người thân ở Trảng Bàng giúp đỡ và hướng dẫn cách trồng, vợ chồng ông Thành đã trồng 75 gốc thanh long ruột đỏ, sau đó phát triển thêm, đến nay gia đình ông có được 130 gốc. Ông Thành cho biết thêm, từ khi có thu hoạch đến nay, mỗi năm bình quân mỗi gốc thanh long, sau khi trừ chi phí, ông có thu nhập khoảng 600.000 đồng. Tính ra mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên 70 triệu đồng từ vườn thanh long. Ngoài việc bán trái, ông Thành còn ươm hom giống để sang cho vựa, hoặc bán trực tiếp cho người trồng. Mỗi hom giống (dài khoảng từ 2,5 tấc đến 3,5 tấc) ông bán được 15.000 đồng. Tính từ lúc bắt đầu bán hom giống đến nay ông cũng thu được khoảng 30 triệu đồng.

Theo ông Thành, thanh long ruột đỏ cũng dễ trồng, chăm sóc cũng nhẹ mà trái bán rất được giá. Những người cao tuổi, nhà có ít đất sản xuất, chỉ cần có 5 cao đến 10 cao đất cũng có thể lập vườn trồng được từ vài chục đến một trăm gốc thanh long là có thể ổn định được cuộc sống. Kinh nghiệm trồng thanh long ruột đỏ của ông Thành: Về hom giống phải chọn những hom già, cắt thành từng đoạn dài cỡ từ 2,5 -3,5 tấc, sau đó ươm cho hom ra mụt rồi mới trồng. Trụ trồng làm bằng bê tông, cao 2,1 mét. Đào hố trồng trụ xuống 5 tấc. Trụ cách trụ, hàng cách hàng bằng nhau, với  khoảng cách 2,7 mét. Trước khi trồng, phúp đất cho xốp rồi đổ xơ dừa, phân lân xuống rồi đặt hom giống. Mỗi trụ đặt 4 hom ở 4 mặt. Khi hom giống phát triển thì bón thêm phân chuồng… Sau khi trồng khoảng một năm thanh long bắt đầu cho thu hoạch trái.

Hiện nay tỉnh ta đã và đang hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp từng bước đã giảm xuống. Nhiều hộ dân có đất trong vùng quy hoạch khu, cụm công nghiệp, không còn, hoặc còn ít đất sản xuất, nhất là người cao tuổi đang băn khoăn chưa biết phải làm gì để sinh sống trong lúc tuổi già. Theo chúng tôi mô hình trồng thanh long ruột đỏ như vợ chồng ông Thành kể trên là một trong những ngành nghề có thể góp phần ổn định cuộc sống.

D.H