Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trước năm 2000, quê tôi (xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành) còn nhiều ruộng lúa lắm. Nhà tôi tuy ở đồng nhưng lại không có ruộng, vì mấy công đất có được đều dành trồng nhãn hết.
Chăm lúa. Ảnh: Đặng Hoàng Thái
Mẹ tôi buổi sáng bán rau cải ở chợ, buổi chiều hay đi gánh củi mì, củi cao su về chụm lửa. Tôi, khi ấy ở tuổi 15 tất nhiên là phải đi với mẹ rồi. Ngoài việc gánh củi, mẹ con tôi còn đi mót lúa về để nuôi gà.
Người làm ruộng lúc ấy cắt lúa bằng liềm, không phải dùng máy gặt đập liên hợp như bây giờ. Vậy nên lượng cây lúa còn sót cũng khá nhiều. Đó là những cây lúa lẻ loi trên đường bờ hoặc cây lúa “đẹt” quá, không cao bằng anh chị nên cái liềm không cắt được. Thành ra người cắt... bỏ luôn, nhờ đó mà người mót có lúa mà mót.
Mẹ con tôi chuẩn bị hai cái bao, nón lá đội lên đầu, dùng khăn lông trùm đầu và bịt mặt. Thêm một chai nước nước uống là đủ dụng cụ mót lúa.
Tôi vác cái bao trên vai trái, tay phải thì rút từng bông lúa sót đó nhét vào bao. Những bước chân khoẻ mạnh rảo nhanh trên ruộng lúa vì bấy giờ mặt ruộng khô hẳn, không còn nhoèn nhoẹt bùn sình. Một bông… hai bông… mười bông… là tôi đã bỏ xa mẹ một đoạn. Vai này vác bao mỏi thì đổi qua vai kia, còn cái tay luôn nhanh nhảu rút những bông lúa lơ thơ trong gió kia.
Thật ra thì có nhiều bông lúa chắc nhưng cũng không ít bông lúa lép xẹp. Mà có sao đâu, có bông lúa là cứ mót, đàn gà không chê chắc lép gì cả, miễn đầy bao đem về cho chúng ăn là được. Mót lúa vậy chứ nhiều khi cũng “trúng mánh” lắm, đó là một mớ lúa đã cắt rồi chất đống, do dính ngập bùn sình nên người ôm… bỏ luôn cho chim ăn. Chỉ cần gặp được mớ lúa bị bỏ sót như vậy thôi, kèm luôn cả số sình dính thì đã nửa bao nặng trĩu.
Mót lúa còn có niềm vui bất ngờ nữa là… lượm được trứng vịt. Dù chỉ là một hai trứng thôi nhưng tôi vui suốt cả buổi vì cảm giác đó là “tài sản riêng” của mình. Trứng vịt lượm ở ruộng thường dơ hơn trứng bán trong tiệm, trứng cũng nhỏ hơn, có lẽ con vịt lo chạy theo bầy mà đẻ rớt nên trứng nhỏ vậy.
Mấy khi lượm được trứng vịt, tôi hay nói với mẹ rằng “Đừng có luộc dầm nước mắm nha mẹ. Để ấp cho nó thành con vịt, rồi nhà mình sẽ có một đàn vịt, mai mốt lớn bán nhiều tiền lắm ạ”. Mẹ cười: “Ai ấp? Con hả? Rồi con vịt ăn cái gì để lớn? Không lẽ nó ăn cơm nguội?”.
Bóng hoàng hôn đã khuất dần, đồng ruộng mênh mông càng thanh vắng. Một tiếng “mẹ ơi” cũng vọng đi xa khiến tôi rất sợ… ma, nên mẹ con lục đục đi về.
Lúa mót về tôi còn một niềm vui nữa là chơi trò “cốm nổ”. Bếp than nấu cơm nấu nước còn đó, lấy cái nồi cũ xì đặt lên bếp và cho vài bông lúa vào nồi. Nồi nóng, lúa nổ lung bung, có hạt nở to trắng như hoa cau văng tuốt ra ngoài đất.
Chừng nồi lúa hết nổ thì nhắc xuống, chị em thi nhau thổi phù phù cho hết nóng rồi cầm từng hạt lúa nổ bóc lớp vỏ trấu ra và “ùm” hạt cốm còn nguyên cám vào miệng hít hà, vừa ngọt vừa thơm ngon làm sao!
Con tôi bây giờ chỉ thấy cây lúa trên tivi, thảng hoặc đi ngang đám lúa chưa trổ bông thì bé la lên “Trời ơi… ai trồng cỏ xanh um kìa mẹ”. Kể con nghe chuyện mót lúa ngày xưa, chuyện chiều chiều mấy chị em đùa giỡn trên đống rơm thì con tròn mắt: “Ngứa xót lắm mẹ, mà dơ quần áo nữa. Sao mẹ lại chơi như vậy chứ?”.
Tôi bần thần… chuyện mót lúa bây giờ đã gần như cổ tích.
TRANG ĐÀO