Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Một ngày trải nghiệm thực hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Thứ tư: 20:11 ngày 18/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong 9 tháng cả nước đã xảy ra 1.519 vụ cháy, làm chết 130 người, bị thương 101 người, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 209 tỷ đồng và 207 ha rừng.

Thời gian qua, tình hình cháy nổ, sự cố, tai nạn trên cả nước diễn biến phức tạp. Trong 9 tháng cả nước đã xảy ra 1.519 vụ cháy, làm chết 130 người, bị thương 101 người, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 209 tỷ đồng và 207 ha rừng. Riêng trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy, trong đó có 1 vụ cháy nghiêm trọng làm chết 1 người, thiệt hại tài sản khoảng 5 tỷ đồng. Các vụ cháy thường xảy ra tại các khu dân cư, nhà cao tầng; hộ gia đình, hộ gia đình vừa ở vừa sản xuất kinh doanh, chợ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quán karaoke...; trong đó có một số vụ cháy đã làm chết và bị thương rất nhiều người, gây tổn thương lớn về tinh thần, thiệt hại nặng nề về vật chất, tài sản của người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội, gây hoang mang trong dư luận.

Hướng dẫn kiến thức pháp luật và các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và CNCH.

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân xảy ra cháy chủ yếu là việc chấp hành các quy định về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) chưa nghiêm. Một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức, ý thức được tầm quan trọng của công tác PCCC và CNCH, còn chủ quan, lơ là. Khi xảy ra cháy, việc xử lý ban đầu còn nhiều lúng túng, không có kỹ năng thoát nạn nên hậu quả gây thương vong rất lớn. Trước tình hình trên, yêu cầu cấp bách là phải nâng cao nhận thức, ý thức đổi mới tư duy trong tổ chức thực hiện của các cấp, ngành; đòi hỏi ý thức rất cao của người dân đối với công tác PCCC và CNCH.

Để lan toả phong trào Toàn dân PCCC, Công an tỉnh đã tổ chức chương trình tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH cho cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên và người dântrên địa bàn. Thượng tá Lê Thanh Gươm- Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh cho biết: “Đơn vị tổ chức chương trình trải nghiệm thực hành về kỹ năng thoát nạn, PCCC nhằm trang bị những kiến thức cơ bản cho cán bộ, công nhân viên các cơ quan, ban ngành tỉnh, sinh viên, học sinh các trường trên địa bàn có kiến thức trong phòng ngừa, không để cháy xảy ra và có kỹ năng thoát nạn giảm thiểu hậu quả, tác hại. 

Bên cạnh đó, Phòng cũng đã triển khai chương trình trải nghiệm tại Khu công nghiệp Phước Đông (huyện Gò Dầu) với sự tham dự của hơn 500 công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm trang bị kiến thức cần thiết và kỹ năng thoát nạn khi có đám cháy xảy ra cho công nhân làm việc trong môi trường nhà xưởng, nguy cơ cháy rất cao”.

Tại chương trình, cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên và người dân được nghe tuyên truyền, hướng dẫn về kiến thức pháp luật và các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và CNCH, trọng tâm là hướng dẫn kỹ năng xử lý các tình huống cháy, nổ và kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy tại nhà ở hộ gia đình, nhà chung cư, nơi tập trung đông người; giới thiệu trang thiết bị, phương tiện PCCC và CNCH của lực lượng chức năng, giới thiệu mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC, Điểm chữa cháy công cộng.

Thực hành phun nước tiêu điểm.

Em Nguyễn Thu Thuỳ Trang- sinh viên khoa tiếng Anh, khoá 48, Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh cho biết: “Trong buổi tuyên truyền, em đã được chiến sĩ PCCC và CNCH chia sẻ những kỹ năng cần thiết khi phát sinh tình huống có cháy hoặc có tai nạn xảy ra để giữ an toàn cho bản thân và người xung quanh. Em thấy cán bộ chia sẻ những kiến thức và cách thực hành rất cần thiết, bổ ích cho từng cá nhân trong hộ gia đình để biết cách vận dụng trong các tình huống thực tế”.

Ngoài những kiến thức cần thiết, tham gia chương trình, mọi người còn được hướng dẫn trải nghiệm, thực hành chữa cháy, CNCH như: trải nghiệm cứu người, di chuyển thoát nạn trong môi trường có nhiều khói; thực hành sử dụng bình chữa cháy xách tay dập tắt đám cháy do rò rỉ gas; thực hành di chuyển người tay không; thực hành rải vòi chữa cháy và phun nước tiêu điểm. Biểu diễn kỹ thuật sử dụng dây CNCH: leo dây không có dụng cụ hỗ trợ; tự thoát nạn bằng thiết bị tự hãm; tự thoát nạn bằng thang dây. Hướng dẫn thực hành sơ cứu ban đầu cho người bị nạn; kỹ thuật cố định xương gãy; kỹ thuật ga rô cầm máu.

Anh Trần Quang Hải- Bí thư Chi đoàn khu phố Long Thới, phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành nói: “Em cùng với các bạn đoàn viên ở Đoàn phường đến tham gia chương trình trải nghiệm của Cảnh sát PCCC và CNCH. Buổi trải nghiệm rất hấp dẫn, có thêm kiến thức để tuyên tuyền cho các bạn đoàn viên ở địa phương”.

Mọi người được xem và trải nghiệm các kỹ năng cần thiết trong quá trình cứu nạn cứu hộ.

Chương trình trải nghiệm có nhiều nội dung thiết thực đã giúp mọi người khi gặp các tình huống cháy nổ có thể xử lý kịp thời, hiệu quả không để xảy ra cháy lan, cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. 

Thượng tá Lê Thanh Gươm – Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh cho biết: “Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như: từ nay đến ngày 30.12.2023, 100% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh phải có một người tham gia tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC; tiếp tục tuyên truyền những chủ trương của Chính phủ và UBND tỉnh về việc mỗi gia đình phải trang bị 1 bình chữa cháy, phòng ngừa khi đám chảy xảy ra ngay từ ban đầu. 

Tất cả những hộ sản xuất kinh doanh liền kề từ 5 – 15 hộ sẽ thành lập các Tổ liên gia PCCC để hỗ trợ với nhau khi có cháy xảy ra. Thiết kế các điểm chữa cháy công cộng tại một số địa bàn có đường giao thông hẹp, xe chữa cháy chuyên dụng không vào được. Khi có cháy xảy ra, người dân có thể sử dụng những phương tiện, thiết bị phá dỡ, cứu người trong đám cháy”.

Phương Thảo – Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục