Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Cách đây 70 năm, một người Mỹ từng hướng dẫn Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách ném lựu đạn để chống lại kẻ thù xâm lăng. Báo Telegram (Mỹ) đã có bài viết về nhân vật “đặc biệt” này.
Cách đây 70 năm, một người Mỹ từng hướng dẫn Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách ném lựu đạn để chống lại kẻ thù xâm lăng. Báo Telegram (Mỹ) đã có bài viết về nhân vật “đặc biệt” này.
Tháng 7.1945, ông Henry A.Prunier cùng 6 người Mỹ khác nhảy dù xuống một ngôi làng cách thủ đô Hà Nội khoảng 120km về phía Tây bắc để thực hiện một nhiệm vụ bí mật là hướng dẫn cho 200 du kích Việt Minh cách sử dụng các vũ khí Mỹ tân tiến tại căn cứ của họ ở trong rừng. Những người lính Mỹ này là thành viên của Cơ quan các Dịch vụ chiến lược (OSS) - một cơ quan tình báo của Mỹ vào thời Thế chiến II.
Ông Henry A.Prunier, người từng hướng dẫn Đại tướng Võ Nguyên Giáp dùng vũ khí |
OSS muốn có được sự giúp đỡ của Việt Minh để chống lại quân đội Nhật Bản- khi đó đang chiếm đóng vùng Đông Dương; ngược lại, Việt Minh lại muốn giành được độc lập cho Việt Nam. Nhóm của ông Henry A.Prunier được đặt tên là Deer Team (Đội Hươu) được chỉ định ở lại Việt Nam trong vòng 2 tháng.
Ông Prunier khi đó mới 23 tuổi, được tuyển dụng vào quân đội Mỹ với tư cách là thông dịch viên. Công việc đầu tiên của Prunier tại Việt Nam là giới thiệu cho một người Việt Nam bé nhỏ có tên gọi là Van cách sử dụng súng trường, súng máy, súng badôca và các loại vũ khí khác của Mỹ. Van - người thường mặc bộ trang phục vải linen trắng, đi giày đen và đội mũ phớt mềm màu đen - thực chất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người 9 năm sau đã dẫn đầu lực lượng quân đội Bắc Việt Nam giành chiến thắng vang dội tại chiến trường Điện Biên Phủ, đuổi quân đội Pháp ra khỏi Việt Nam và sau đó còn dồn quân đội Mỹ vào thế bế tắc.
“Ông Giáp muốn biết tại sao chúng tôi lại tung bổng quả lựu đạn lên và cái gì đã kích hoạt súng cối” - ông Prunier trả lời phỏng vấn của báo Worcester Telegram & Gazette vào năm 2011. Ông Prunier còn kể lại rằng, có lần, tướng Giáp còn cúi đầu xuống để nhìn hẳn vào thùng đạn súng cối. “Lúc đó, tôi bị sốc vì sự dũng cảm của ông ấy” - ông Prunier nói.
Khi nhảy dù xuống Việt Nam, ông Prunier đáp ngay phải một ruộng lúa, trong khi những người khác bị mắc trên các cành cây. Họ được Việt Minh giải cứu và đưa tới một chiếc lều tre. Ở đó, họ đã gặp lãnh đạo Hồ Chí Minh. “Ông ấy tự giới thiệu là C.M.Hoo” - ông Prunier kể lại. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh biết ông Prunier đến từ Massachusetts, Chủ tịch đã kể cho ông Prunier rất nhiều câu chuyện thú vị về việc mình đã từng đặt chân đến Boston.
Trong thời gian Đội Hươu ở cùng Việt Minh, quân Nhật Bản đã đầu hàng và Việt Minh đưa ra Tuyên ngôn Độc lập. Sau đó, Bác Hồ đưa cho những người lính Mỹ trên một bức thư để chuyển tới Tổng thống Mỹ thời đó là Harry S.Truman, để yêu cầu Mỹ hỗ trợ Việt Minh chống Pháp. Tuy nhiên, ông Truman không bao giờ phản hồi bức thư đó, vì Mỹ đã hậu thuẫn Pháp. Nhiều chuyên gia nghiên cứu lịch sử cho rằng, bằng việc từ chối yêu cầu này của Bác Hồ, nước Mỹ đã bỏ qua cơ hội xây dựng quan hệ tốt đẹp với miền Bắc Việt Nam và từ đó có thể tránh khỏi cuộc chiến tranh 2 thập kỷ sau đó.
Ông Prunier cho biết, trong thời gian đó ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho một chiếc thảm thêu làm kỷ niệm và kỷ vật này sau đó được ông Prunier bày tại nhà riêng ở Mỹ.
Năm 1995, ông Prunier trở lại Việt Nam và gặp lại những người lính Việt Minh năm xưa còn sống. Khi nhìn thấy ông Prunier, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận ngay ra. Ông cầm một quả cam theo cách cầm lựu đạn mà ông Prunier từng chỉ cho ông và kêu lên phấn khích “Như thế, như thế, như thế”.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Việt Nam, ông Prunier trở về Mỹ và sống phần lớn cuộc đời ở Worcester để theo nghiệp làm thợ nề của gia đình. Ông có vợ là Marette Lague, hai con gái là Joanne M. Green và Dianne M. Behnke; hai con trai là Raymond và Donald; 12 cháu và 4 chắt. Ông Prunier mất tại Beverly vào ngày 17.3.2013 sau một cơn đau tim, hưởng thọ 91 tuổi. Ông là thành viên sống lâu nhất trong nhóm thực hiện nhiệm vụ tại Đông Dương năm xưa.
Thời gian Deer Team ở Việt Nam được coi như một khoảnh khắc vàng của sự hợp tác giữa Việt Nam với Mỹ. Bộ quân phục của ông Prunier hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam ở Hà Nội. Một nhóm làm phim người Việt Nam cũng đang chuẩn bị thực hiện một bộ phim tài liệu kể về ông Prunier có tựa đề “Từ những ký ước của Henry Prunier”.
Theo Lao động