Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thông tin dự án nhà máy giấy VNT 19 (Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi) đang khẩn trương lắp đặt thiết bị trong khi phương án xả thải ra môi trường vẫn chưa được các bên thống nhất đã dấy lên mối quan ngại về môi trường.
Sau sự cố môi trường biển gây ra bởi Formosa Hà Tĩnh, chính quyền các địa phương ven biển miền Trung hết sức thận trọng trước những dự án có thể ảnh hưởng đến môi trường.
Trớ trêu thay, giờ đây cả chính quyền Quảng Ngãi lẫn người dân trong vùng dự án của nhà máy giấy VNT 19 lại rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Tại nơi dự án nhà máy giấy VNT 19 đang triển khai, người dân không chỉ lo khi mất 50ha rừng dừa nước đã gắn bó với họ bao năm qua - khu này được xây thành nơi chứa nước phục vụ nhà máy giấy, mà họ sợ nhất là ống xả ngầm ra biển của nhà máy giấy liệu có rơi vào tình cảnh như Formosa ở biển Vũng Áng hay không?
Lo lắng càng lớn hơn khi chính quyền từ huyện đến tỉnh cũng hết sức lúng túng với dự án nhà máy giấy này.
Chính vì lúng túng, nên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng mới có công văn đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường “có ý kiến về việc chủ đầu tư lắp đặt đường ống ngầm có đảm bảo đúng các quy định hiện hành của pháp luật VN hay không?”.
Trong lúc nỗi lo về “đường ống ngầm” chưa biết sẽ được Bộ Tài nguyên - Môi trường giải quyết thế nào thì một nỗi lo khác lại xuất hiện, đó là hàng nghìn tấn thiết bị cũ đã được thông quan chờ đưa vào lắp đặt.
Một lần nữa chính quyền Quảng Ngãi phải “cầu cứu” Bộ Khoa học - Công nghệ, đề nghị “giám sát việc thẩm định, giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ dự án”. Vậy là nỗi lo chồng nỗi lo.
Tại sao một dây chuyền cũ của dự án bột giấy VNT 19 lại được phép cho nhập vào Việt Nam? Câu trả lời từ phía hải quan là được “Nhà nước cho phép”.
Liệu sự cho phép này có được xem là “cầu chứng tại tòa”, là cam kết rằng nhà máy hoạt động sẽ không làm đảo lộn môi trường sống của hàng vạn người dân trong khu vực?
Rằng tỉnh có thêm nhà máy công nghiệp, có nguồn thu, tạo việc làm nhưng cũng không tước đi môi trường sống trong lành của người dân, đặc biệt là sinh kế của những người bám biển?
Và dù không nói ra, nhưng có lẽ chủ đầu tư dự án này cũng đang trong cảnh “trên lưng hổ” trước sự lo lắng chính đáng của cộng đồng.
Nhưng họ không thể dừng dự án lại và điều này càng khiến người dân lẫn chính quyền như “ngồi trên lửa”. Vậy là quá nhiều nỗi lo chồng chất lên một dự án.
Một lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết dự án này có quy mô lớn, công nghệ phức tạp, lại thuộc lĩnh vực “nhạy cảm” nên tỉnh cực kỳ cẩn trọng.
Cẩn trọng với các dự án kinh tế trong bối cảnh môi trường sống bị đe dọa là cần thiết, bởi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”.
Một tin vui le lói, theo ông Đàm Minh Lễ - phó Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, “sắp tới Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ kiểm tra dự án này”. Đây là cơ hội để người dân lẫn chính quyền Quảng Ngãi và cả nhà đầu tư giải tỏa nỗi lo của mình.
Nhưng có cách quản lý nào khác hơn để biến lời khẳng định của Thủ tướng đi vào cuộc sống, để các dự án khi được triển khai không rơi vào cảnh một nơi làm cả phường cùng lo?
Nguồn TTO