BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoạt động đoàn ĐBQH Tây Ninh tại kỳ họp Quốc hội:

Một quy định về nghĩa vụ không phù hợp với thực tiễn (*)

Cập nhật ngày: 28/10/2015 - 03:00

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương.

Ngày 26.10.2015, sau khi nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau đối với dự thảo Bộ luật này.

Đối với khoản 2, Điều 24 của dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) quy định: “Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Toà án thụ lý vụ án dân sự và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp…”, đại biểu Trịnh Ngọc Phương- Tây Ninh cho rằng, theo quy định tại khoản này, thì sau khi Toà án thụ lý vụ án, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có nghĩa vụ thông báo cho các bên còn lại những tài liệu chứng cứ mình có và đã nộp cho Toà án, như vậy là không phù hợp.

Theo đại biểu Phương, khi có mâu thuẫn, đối lập về lợi ích không thể thương lượng hoặc hoà giải được thì nguyên đơn mới khởi kiện ra Toà. Khi đó chắc chắn các đương sự không muốn tự hợp tác với nhau. Như vậy, việc đương sự này phải thông báo cho các bên còn lại những chứng cứ tài liệu mình đã nộp cho Toà án hoàn toàn không mang tính khả thi.

Trong khi đó, tại khoản 9, Điều 70, lại quy định đương sự phải sao chụp đơn khởi kiện, các tài liệu kèm theo nộp cho Toà án để Toà án gửi cho các đương sự khác; chứ không quy định “các đương sự phải thông báo cho nhau” như quy định tại khoản 2, Điều 24 của dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).

Sau khi phân tích một số chi tiết quy định tại khoản 2, Điều 24, Đại biểu Trịnh Ngọc Phương nhận xét, quy định đương sự phải thông báo cho nhau các chứng cứ đã giao nộp cho Toà án là không phù hợp cả về mặt logic, thực tiễn và lý luận.

Do vậy, đại biểu Phương kiến nghị bỏ cụm từ: “và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp”, đồng thời đại biểu đề xuất: khoản 2, Điều 24 cần sửa đổi bổ sung như sau: “Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Toà án thụ lý vụ án dân sự; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Bộ luật này”.

DUY QUANG (Lược ghi)

(*)Tựa đề do Toà soạn đặt.