Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông:
Một số hộ dân chưa bàn giao mặt bằng
Chủ nhật: 11:14 ngày 27/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo kế hoạch, đến cuối năm 2020, Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn một số hộ dân chưa bàn giao mặt bằng.

Tuyến kênh thi công tới vị trí đất nông nghiệp của ông Ðực bị ngừng lại hơn 2 tháng qua.

Dự án này được UBND tỉnh phê duyệt và triển khai từ đầu năm 2018, bao gồm kênh chuyển nước dài gần 17km, trong đó có công trình dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Ðông dài 2,3km, kênh tưới chính dài 29,4km, kênh cấp 1 dài 71,7km càng nhiều công trình khác.

Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ giải quyết tình trạng thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp ở khu vực cánh Tây sông Vàm Cỏ, góp phần phát triển nông nghiệp. Dự án được phân chia thành 14 gói thầu xây lắp, dự kiến đến cuối năm 2020 hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, trên địa bàn xã Thành Long, huyện Châu Thành, còn 3 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Ở ấp Thành Nam, xã Thành Long, có tuyến kênh chính được quy hoạch ngang phần đất nông nghiệp của ông Lê Văn Ðực.

Ông Ðực chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, do chưa đồng ý với giá bồi thường. Hiện trường cho thấy, hai bên bờ kênh đã được đơn vị thi công đổ đất thành tuyến kênh thẳng tắp, đến vị trí đất của ông Ðực dừng lại.

Ông Trần Minh Lý- chuyên viên Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), phụ trách khu vực huyện Châu Thành cho biết: “Ngành chức năng đã nhiều lần vận động, giải thích nhưng chủ đất chưa đồng ý bàn giao mặt bằng, buộc phải dừng thi công 2 tháng qua”. 

Cách tuyến kênh chính khoảng 2km, việc thi công tuyến kênh cấp 1 cũng bị gián đoạn hộ ông Lưu Văn Thành, ngụ xã Thành Long chưa nhận đền bù. Gia đình ông Thành có 2 phần đất nông nghiệp trong quy hoạch. Một phần, sau khi thu hồi đất làm kênh cấp 1, bị chia ra thành 4 phần nhỏ. Người nông dân này đề nghị phần đất nào diện tích nhỏ, không sản xuất, Nhà nước xem xét đền bù cho gia đình ông. Một phần đất khác, những năm trước đây, vướng vào quy hoạch hệ thống kênh của Nông trường Thành Long. Khi thi công hệ thống kênh này, Nông trường chưa đền bù mặt bằng, vì vậy, ông Thành không đồng ý cho thi công kênh của Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông.

Tuyến kênh cấp 1 đi qua xã Thành Long cũng bị gián đoạn ở một địa điểm khác. Nguyên nhân, có một chủ đất nông nghiệp trong quy hoạch tuyến kênh tên Nguyễn Văn Rời vừa qua đời, nhưng người thừa kế chưa hoàn tất thủ tục phân chia tài sản. Vợ chồng ông Rời có 7 người con, trong đó có người đang làm ăn sinh sống bên nước bạn Campuchia. Thời gian qua, do dịch Covid- 19, người con này chưa về Tây Ninh được nên chưa làm thủ tục chia tài sản thừa kế, đơn vị trúng thầu phải ngừng thi công. 

Ngoài ra, nhiều hộ dân đề nghị nắn lại tuyến kênh hoặc đền bù luôn phần đất còn lại sau khi bị thu hồi. Ðiển hình như ông Lê Văn Nghiêm, ngụ ấp Thành Ðông, xã Thành Long, chưa đồng ý bàn giao mặt bằng cho dự án để thực hiện tuyến kênh nhánh N3.

Theo thiết kế, tuyến kênh N3 đi chéo qua đất nhà ông, cắt phần đất thành 2 phần lớn, nhỏ. Thêm vào đó, tuyến kênh sẽ đi sát vào ngôi nhà ông đang ở. Do đó, ông Nghiêm đề nghị Ban Quản lý dự án phải tăng tiền bồi thường đất, đồng thời điều chỉnh thiết kế tuyến kênh cách xa nhà ông. “Nhà nước thu hồi đất làm kênh, tôi chấp nhận, nhưng tôi đề nghị xem lại giá trị của đất tôi và lo ngại con kênh vô sát sau hè nhà, dễ gây tai nạn đuối nước cho trẻ em”.

Trao đổi với chúng tôi về những vấn đề này, ông Hoàng Ðức Thiện- Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Châu Thành nói: “Việc nắn tuyến kênh rất khó thực hiện. Vấn đề yêu cầu đền bù đất nhỏ lẻ thì sau khi các hộ dân đã giao mặt bằng 100%, chúng tôi tiếp tục khảo sát hiện trạng đối với những diện tích nhỏ không thể sản xuất được, sau đó sẽ xin ý kiến cấp trên”.

Ông Hoàng Ðức Thiện cho biết thêm, ngoài những trường hợp nêu trên, nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thể hiện sai vị trí hiện trạng, nên việc tính giá bồi thường theo “giấy đỏ” rất khó khăn.

Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện phải kết hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường và chính quyền xã xác nhận nguồn gốc đất, lấy ý kiến khu dân cư để chứng mình đất đó đủ điều kiện nhận bồi thường… “UBND huyện đã thành lập tổ vận động giải phóng mặt bằng để đi tuyên truyền pháp luật và vận động bà con”- ông Thiện cho hay.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành NN&PTNT tỉnh Tây Ninh chia sẻ, dịch Covid- 19 ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng, như một số hộ dân làm ăn sinh sống bên Campuchia không về lại địa phương để làm hồ sơ.

Hội đồng bồi thường phải đi từng nhà để lấy ý kiến người dân, khiến việc giải phóng mặt bằng kéo dài thời gian hơn dự kiến. Trước những khó khăn đó, Ban Quản lý Dự án đã tích cực giải quyết bằng cách phối hợp với huyện, xã tăng cường cán bộ hỗ trợ Trung tâm Phát triển quỹ đất các huyện xử lý hồ sơ.

Hồ sơ nào khó khăn trong khâu đo đạc, ngành chức năng sẽ đo đạc, chỉnh sửa để bàn giao cho huyện kịp thời. Dự kiến chậm nhất là cuối tháng 7 sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Ban Quản lý Dự án kiến nghị các huyện căn cứ Quyết định 2518 của UBND tỉnh hướng dẫn về công tác giải phóng mặt bằng và phối hợp tốt, giải quyết nhanh công tác giải phóng mặt bằng trong thời gian tới.

Ðại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục