BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm 68 năm ngày truyền thống báo Tây Ninh 5.10:

Một thời làm báo công trường.

Cập nhật ngày: 04/10/2014 - 12:04

Và ông cũng không nhớ nổi ngày ông cho ra bản in đầu tiên của tờ báo trên khuôn.. đất sét là ngày nào. Ông chỉ nhớ là vào khoảng tháng 10 năm 1946. Sở dĩ Báo có được ngày truyền thống là vì sau 30 năm hoạt động, tờ báo mới chính thức được thành lập theo Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh ban hành ngày 5 tháng 10 năm 1976. Và Tỉnh uỷ cũng đã chọn ngày 5 tháng 10 hằng năm là ngày truyền thống của tờ báo.

Hai kiện tướng Ngô Văn Quay và Lưu Thị Ngọc Tâm trong ảnh bìa báo xuân Tây Ninh năm 1983.

68 năm xuất bản gần như liên tục, đối với làng báo trong nước ta thì cũng có bề dày đáng kể. Nằm trong hoàn cảnh lịch sử chung của đất nước, quá trình hoạt động của tờ báo được chia làm hai thời kỳ: thời chiến và thời bình. Thời chiến đã qua đi khá lâu, 39 năm rồi, nên đội ngũ làm báo Tây Ninh hiện nay cũng không còn ai làm báo từ những năm kháng chiến.

Trong giai đoạn làm báo thời bình, có một khoảng thời gian ngắn thôi, chỉ có 5 năm, mà những ai làm báo trong thời khoảng đó đều không bao giờ quên. Đó là những năm “làm báo công trường”. Nói như thế thật ra cũng không quá đáng, vì trong suốt 5 năm 1981-1985 không chỉ Báo Tây Ninh gần như tập trung vào một đề tài, mà có thể nói cả tỉnh Tây Ninh cũng gần như chỉ làm một việc: Xây dựng hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng.

 Rõ ràng có gia đình nào mà không có người lên công trường thuỷ lợi trong những năm ấy, nghĩa vụ lao động công ích mà! Lúc bấy giờ Báo Tây Ninh mỗi tuần ra một kỳ, khổ giấy A3; có điều trước khi “xông vô” đề tài thuỷ lợi mỗi số báo chỉ có 4 trang, còn từ khi cả tỉnh lên công trường thì báo tăng lên được 8 trang. Thời gian ấy, thực sự địa bàn tỉnh Tây Ninh là một đại công trường, trải rộng trên diện tích hơn 1.000 km2, với hàng triệu lượt dân công đã đến với công trường, ít cũng là 30 ngày một người mỗi năm, nhiều thì suốt năm này sang năm khác.

Trong những năm toàn dân Tây Ninh lên công trường, những người làm báo Tây Ninh ngày ấy cũng liên tục “đi dân công”. Chúng tôi đến công trường ghi nhận mọi diễn biến từ khi các cán bộ, công nhân kỹ thuật ngành thuỷ lợi vác máy đi đo đạc tận rừng sâu dưới chân núi Cậu.

Hơn một tuần lễ trước ngày chính thức khởi công, ngày 21.4.1981 UBND tỉnh Tây Ninh và Bộ Thuỷ lợi đã tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí trong nước về quy mô, hiệu ích và kế hoạch thi công toàn công trình. Tham dự cuộc họp có đại diện các báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Đại đoàn kết, Lao động, Tiền phong, Thông tấn xã VN, Đài Tiếng nói VN, Sài gòn Giải phóng, Tuổi trẻ, Tin sáng và Báo, Đài địa phương. Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi Nguyễn Bắc thông báo về quy mô và nhiệm vụ thi công.

Công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng bao gồm khu đầu mối với hồ nước nhân tạo rộng 270 km2, dung tích hồ 1,5 tỷ m3 nước, đập chính ngăn sông Sài Gòn dài 1.100 mét, cao 28 mét, đập phụ ở phía hữu ngạn sông Sài Gòn dài 29km, cao 6-8 mét, đập tràn xả lũ 6 cửa, lưu lượng 3.000 m3/giây, và 2 kênh chính Đông (dài 38km), chính Tây (dài 33,7km).

Khu kênh mương gồm hệ thống kênh tưới, kênh tiêu lớn nhỏ các cấp trải rộng trên địa bàn khắp các huyện, thị tỉnh Tây Ninh (trừ huyện Bến Cầu, phía hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông) và các huyện Củ Chi, Bình Chánh thuộc TPHCM, trên các kênh mương được xây dựng hàng ngàn cầu, cống, xi-phông, cùng hệ thống đường giao thông và đường điện.

Khu đầu mối do các đơn vị chủ lực của Bộ Thuỷ lợi đảm trách thi công. Khu vực kênh mương do tỉnh Tây Ninh huy động dân công thực hiện. Để hoàn tất công trình cần phải đào 30 triệum3 đất, đắp 71 triệu m3 đất, đổ 510.000m3 bê-tông, xây lát 600.00m3 đá.

Về phía tỉnh Tây Ninh, đại diện UBND tỉnh thông báo về quy hoạch phát triển nông nghiệp vùng tưới sử dụng nước hồ Dầu Tiếng rộng 172.000 ha và kế hoạch huy động toàn dân Tây Ninh tham gia làm thuỷ lợi.

Lễ khởi công chính thức diễn ra vào dịp kỷ niệm 6 năm ngày Tây Ninh giải phóng (29.4.1981) tại địa điểm thi công kênh N4 thuộc ấp Thuận Đông, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu (nay là xã Lộc Ninh-DMC). Phó Thủ tướng Chính phủ Huỳnh Tấn Phát đến dự lễ và bổ nhát cuốc đầu tiên khởi công xây dựng công trình. Hơn 4.000 người dân Tây Ninh tham dự buổi lễ, họ cũng chính là những người dân công đào kênh đợt đầu tiên của tỉnh.

Kỷ niệm đáng nhớ trong mùa thi công đầu tiên này là một trận mưa đá, với những hạt nước đá khá to, gần bằng ngón tay cái bất ngờ rơi lộp bộp xuống công trường đang trong giờ thi công. Sơ kết đợt này, toàn công trường đào đắp được hơn 60.000 m3 đất, xây dựng 1 kênh cấp 2 dài 9km. Trong mùa mưa 1981, riêng công trường huyện Hoà Thành (đúng ra chỉ có xã Hiệp Tân và thị trấn Hoà Thành) còn cử khoảng 300 quân thực hiện trồng cỏ và rải đá mái đập phụ được hàng chục ngàn mét vuông ở khu vực đầu mối.

Từ mùa thi công đầu tiên nổi lên 2 đơn vị huyện và xã đứng đầu, được nhận cờ luân lưu trong phòng trào thi đua là huyện Bến Cầu và xã Hiệp Tân (huyện Hoà Thành). Hai đơn vị này tổ chức thi công tốt, dân công có kỷ luật, đời sống bảo đảm, lao động đạt năng suất, chất lượng cao. Trong hai đơn vị điển hình đầu tiên, xã Hiệp Tân duy trì được “phong độ” liên tục suốt những mùa thi công cho đến khi hoàn thành công trình. Có năm cao điểm, công trường xã Hiệp Tân đạt khối lượng cao hơn 6/8 đơn vị cấp huyện.

Cũng từ công trường xã này đã có lời giải đáp nhiều vấn đề cho toàn ngành thuỷ lợi cả nước như: cách thức tổ chức, duy trì hoạt động liên tục nhiều năm ở công trường thủ công như thế nào? lao động thủ công có thể đạt dung trọng đầm nén 1,7 tấn/m3 (sức đầm nén như… xe lu đường) hay không? công trường thủ công ở địa phương cấp xã có thể thi công các công trình trên kênh bằng bê-tông, đá xây lát hay không? Về phía những người “làm báo công trường” lúc đó, gương điển hình làm thuỷ lợi của xã Hiệp Tân đã được tuyên tuyền liên tục; tất cả cũng nhằm góp phần tìm lời đáp cho những câu hỏi trên.

Chuẩn bị bước sang mùa thi công năm 1983, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh nhận thấy cần thiết phải tạo ra “đột biến” trên công trường nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành hệ thống kênh mương để đón nước hồ Dầu Tiếng về tưới cho cây trồng, phục vụ tăng tốc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Chỉ tiêu “táo bạo” 2,5 triệu m3 đất đào đắp được đặt ra cùng với giải pháp biến công trường xây dựng thuỷ lợi thành “Công trường thanh niên cộng sản”. Và “Đại hội Tuổi trẻ trên mặt trận thuỷ lợi hồ nước Tây Ninh” được tổ chức như “phát pháo khai thành” đầy khí thế hào hùng. Đây là một dấu ấn sâu sắc, một kỷ niệm không thể nào quên đối với mỗi thanh niên Tây Ninh trong 5 năm xây dựng công trình.

Trong ba ngày (25, 26, 27.11.1982) Đại hội “cờ giong trống mở” do Đoàn TNCSHCM tỉnh Tây Ninh tổ chức. Ban Chấp hành Tỉnh đoàn khẳng định lòng tin tưởng mãnh liệt của tuổi trẻ Tây Ninh vào chủ trương đúng đắn của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đối với sự nghiệp xây dựng công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng và tỏ rõ quyết tâm, lòng tự tin của tuổi trẻ, hoàn toàn có khả năng thực hiện đạt chỉ tiêu 2,5 triệu m3 đào đắp.

Thật ra lúc ấy không phải là không có người hoài nghi, cho đó là “con số không tưởng”. Bởi lẽ, cũng với lực lượng ấy, khả năng ấy, làm sao năm 1983 có thể làm gấp hơn 40 lần năm 1981 (2.500.000m3 /60.000m3)? Để có thể hoàn thành chỉ tiêu này, tại Đại hội, ông Phan Văn, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu xác định, biện pháp thực hiện không có gì khác, chính là “Phát huy vai trò xung kích, tuổi trẻ Tây Ninh tự nguyện đi xây dựng quê hương”.

Ông Đặng Văn Thượng, Bí thư Tỉnh uỷ, kêu gọi tuổi trẻ: “Hãy hiến dâng toàn bộ tuổi thanh xuân cho công trường Dầu Tiếng - Tây Ninh”. Về phía ngành chức năng của Trung ương, Thứ trưởng Nguyễn Bắc long trọng cam kết: “Bộ Thuỷ lợi cùng tham gia chiến dịch và cùng chịu trách nhiệm về mục tiêu chung”.

Còn đối với Bộ Nông nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Đăng, một vị tướng, kỹ sư nông học sinh ra, lớn lên ngay trên vùng đất lòng hồ (xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) đã công nhận: “Phát động thanh niên làm chủ chốt cho công trình là đánh giá rất đúng”. Toàn bộ nội dung Đại hội lịch sử ấy của tuổi trẻ Tây Ninh được ghi lại đầy đủ trong một kỳ báo 8 trang, để thế hệ trẻ về sau tham khảo, nâng cao lòng tự hào về lớp cha anh của mình.

Sau Đại hội ở tỉnh, các huyện, các ngành tổ chức lễ xuất quân tham gia chiến dịch với khí thế dũng mãnh được “giữ lửa” suốt mùa thi công bằng những phong trào đầy tính sáng tạo của tuổi trẻ. Kết quả, gần một năm sau, đầu tháng 12.1983, tổng kết mùa thi công năm này công trường TNCS đã thực hiện được 1,8 triệu m3 đất đào đắp, tuy chỉ đạt 71% chỉ tiêu phấn đấu của tỉnh, nhưng cũng đạt đến 150% chỉ tiêu Trung ương giao.

Báo Tây Ninh có một kỷ niệm sâu sắc trong mùa thi công này. Mùa xuân năm 1983 đến giữa mùa thi công thuỷ lợi lịch sử, vì thế khi các công trường rầm rập ra quân quyết đạt con số hàng triệu mét khối đất đào đắp, thì Báo cũng chuẩn bị xuất bản số báo Tết Quý Hợi. Thế là gần như cả Toà soạn báo “đổ quân” lên công trường, không chỉ các phóng viên mà cả các ông Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập cũng thâm nhập thực tế, “ba cùng” với dân công để chỉ huy phóng viên tác nghiệp.

Số báo Tết năm ấy có ảnh bìa là hai “kiện tướng” trên công trường. Chàng trai là Ngô Văn Quay, liên đội phó liên đội Thanh niên xung phong Hoà Thành. Cô gái là Lưu Thị Ngọc Tâm, đội trưởng đội đầm nữ xã Hiệp Tân. Hơn 30 năm sau, anh Quay đến nay vẫn còn làm công tác thuỷ nông, còn chị Tâm chắc đã “lên chức” bà nội, bà ngoại, nhưng bây giờ nhìn vào bức ảnh bìa báo năm xưa khó có ai tin rằng cô gái thật xinh ấy lại là người có sức đầm nện mạnh như xe lu lăn đường.

Thật là may mắn cho cánh nhà báo.  Bên trong nội dung tờ báo, ngoài những bài viết về khí thế lao động, sáng kiến kinh nghiệm làm thuỷ lợi, cuộc sống trên công trường, còn có một truyện ký với nhân vật trong truyện là người chỉ huy công trường Hoà Thành, nay là Giám đốc Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Tây Ninh Lê Thành Công.

Một cuộc hội thao của Công trường thuỷ lợi Hoà Thành để phổ biến nhân rộng sáng kiến kinh nghiệm lao động xây dựng thuỷ lợi cho công trường toàn tỉnh.

5 năm miệt mài lao động của người dân Tây Ninh cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng. Ngày lễ rước nước được tổ chức bên bờ kênh Tây thuộc ấp Ninh Bình, xã Bàu Năng, huyện DMC (nay là khu vực K13 cầu kênh Tây). Trước giờ mở nước, 3 cánh cửa van cống kênh Tây đóng chặt, từ phía thượng lưu nước cuồn cuộn đổ về lênh láng mặt kênh.

Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Vũ Đình Liệu phát biểu khen ngợi Bộ Thuỷ lợi và tỉnh Tây Ninh đã tổ chức thi công xây dựng hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng thật tốt, đồng thời dặn dò người dân Tây Ninh phải biết quý dòng nước tích tụ bằng mồ hôi, công sức của chính mình và sự quan tâm đầu tư đầy nghĩa tình của Nhà nước đối với tỉnh Tây Ninh.

Sau diễn văn đầy xúc động trong buổi mít-tinh, người dự khán chợt lặng đi khi trên loa phóng thanh bỗng ngân lên một giọng nữ ngâm thơ cao vút trong tiếng đàn tranh trữ tình. Rồi mọi người lại hò reo khi tiếng trống múa lân rộn rã vang lên, từ phía thượng nguồn ba chiếc ghe đua vùn vụt các tay chèo đang trong nước rút lao về đích tại cầu K13.

Mọi người chợt nhận ra một hình ảnh rất vui, trên ba chiếc ghe là các nhóm tay chèo: đàn ông trung niên, các em thiếu nhi và các chị phụ nữ. Thế mà kết quả các tay đua thiếu nhi về sau các bậc cha anh chỉ nửa thân ghe. Cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi Nguyễn Cảnh Dinh phát lệnh mở nước, 3 cửa van cống kênh Tây được quay lên, dòng nước ào ạt đổ xuống hạ lưu, tiếng nước réo hoà lẫn tiếng người vỗ tay reo cười, thành một hợp âm rộn rã, hợp âm của hạnh phúc, ấm no.

Về phía các nhà báo, lúc ấy có một phóng viên lặng lẽ đi dọc bờ kênh để “chộp” một bức ảnh hết sức “đắt giá”, đối tượng của bức ảnh là một cụ già râu tóc bạc phơ, mặc bộ đồ bà ba đen, xắn ống quần lội xuống mí nước vừa đổ về đầy kênh, dùng chiếc nón lá vốc nước đưa lên miệng uống; hậu cảnh của bức ảnh là đoàn người đứng chật kín cùng với cờ hoa rực rỡ trên bờ kênh Tây.

Sau đó bức ảnh được chọn in trên bìa Báo Tây Ninh, số đặc biệt kỷ niệm 10 năm giải phóng (30.4.1975 - 30.4.1985). Tác giả bức ảnh ấy là cố nhà báo Tạ Xuân Thu, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Tây Ninh. Anh Thu chỉ cộng tác chứ không làm báo Tây Ninh, nhưng cha và vợ của anh là những biên tập viên, phóng viên cừ khôi của Báo.

Những ngày “làm báo công trường” của lứa phóng viên U60 chúng tôi là thế, xin kể lại để các đồng nghiệp trẻ hôm nay chia sẻ và tiếp bước.

TẤN HÙNG - DUY ĐỨC