BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện thời sự

Một thời tuổi trẻ trên “công trường thanh niên cộng sản” 

Cập nhật ngày: 28/10/2019 - 18:20

BTN - Cuối tuần rồi, mình được đi dự một buổi họp mặt, đơn sơ thôi nhưng ngẫm lại ý nghĩa ông ạ.

-Họp hành gì mà ông vừa nói vừa gật gù ra vẻ tâm đắc quá vậy?

-Họp mặt kỷ niệm 37 năm thành lập Liên đội Thanh niên xung phong huyện tôi đó mà.

-Lâu dữ vậy à, đơn vị thành lập lâu vậy, chắc những cô cậu thanh niên thời ấy giờ thành phụ lão hết rồi há! Một cuộc họp mặt như thế thì ngoài việc ôn lại kỷ niệm của một thời xa xưa, còn có ý nghĩa gì nữa hả ông?

-Thật ra, hồi mấy chục năm trước họ trên dưới đôi mươi, thì bây giờ họ trên dưới sáu mươi tuổi, chưa phải là già lắm. Còn ý nghĩa của nó không chỉ là kỷ niệm của một số người ở một địa phương, mà là ý nghĩa của sự tự nguyện cống hiến của một thế hệ thanh niên tỉnh nhà đó ông.

-Lớn lao vậy à! Ông cắt nghĩa thật rõ ràng, cụ thể cho tôi nghe với!?

-Ông cứ nhớ lại đi, có phải 37 năm trước tức là lúc cả nước mình mới độc lập, thống nhất được 7 năm; còn tỉnh mình thì mới được hưởng hoà bình thực sự được vài năm; và những năm đó có phải là những năm đói kém, khó khăn cực kỳ của tỉnh mình cũng như cả nước hay không?! Vậy mà chỉ trong vòng 10 năm sau ngày đất nước, quê hương được giải phóng, tỉnh mình đã xây dựng xong một công trình thuỷ nông lớn nhứt nước, với hồ nước rộng hàng chục ngàn héc-ta, hệ thống kênh mương dài hàng ngàn kí-lô-mét, đưa dòng nước ngọt về tưới cho hàng trăm ngàn héc-ta đất canh tác của tỉnh ta và cả mấy tỉnh, thành lân cận. Ông biết đó, trong bối cảnh kinh tế xã hội muôn vàn khó khăn, lãnh đạo tỉnh còn phải chạy xuống miền Tây mượn gạo về cho dân ăn, vậy mà tỉnh ta đã làm được công trình như thế, có thể gọi là vĩ đại hay không?

-Biết rồi, chuyện đó người Tây Ninh nào mà không rành, nhưng dù sao ông cũng chỉ nói về cuộc họp mặt của một liên đội thanh niên địa phương thôi mà?

-Đúng vậy, nhưng tôi không nói quá đâu, liên đội ấy là “cái lõi”, là nòng cốt của một công trường cấp huyện, luôn dẫn đầu trong tỉnh của những năm toàn dân Tây Ninh ra công trường làm thuỷ lợi.

Tôi còn nhớ, mùa thi công đầu tiên, toàn công trường của tỉnh chỉ đào đắp được sáu chục ngàn mét khối đất, mùa thứ hai làm được gấp mười lần, nhưng cũng chỉ hơn nửa triệu mét khối, vậy thì phải đến bao nhiêu năm, bao nhiêu mùa nắng mới làm xong công trình đại thuỷ nông hàng chục triệu mét khối đất, hàng chục ngàn mét khối bê tông? Vì thế chuẩn bị mùa thi công thứ ba 1982-1983, tỉnh đề ra phải làm cho bằng được hai triệu rưỡi mét khối. Để phát động cho mùa thi công đột phá ấy, lãnh đạo tỉnh cho tổ chức “Đại hội tuổi trẻ trên công trường thanh niên cộng sản”.

Đại hội đã bàn bạc và quyết nghị phải tổ chức những đơn vị thi công chuyên nghiệp, xuyên suốt thời gian trên công trường, chứ nếu chỉ tổ chức những đợt dân công, mỗi người mười, mười lăm ngày lao động công ích thì e rằng khó hoàn thành chỉ tiêu. Đồng thời nếu không có lực lượng thi công chuyên nghiệp thì chỉ có thể đào đắp kênh đất, chứ làm sao có thể làm các công trình trên kênh như cầu, cống bằng bê tông, đá xây đòi hỏi phải có kỹ thuật chuyên môn.

Thế là sau Đại hội, lãnh đạo tỉnh quyết định cho thành lập các Liên đội Thanh niên tình nguyện xây dựng quê hương ở các huyện để làm nòng cốt của các công trường huyện và đảm trách các công trình đòi hỏi phải có kỹ thuật, tay nghề xây dựng thuỷ lợi. Kết quả của chủ trương đột phá đó thì như ông biết rồi đó, một tỉnh nghèo vùng biên giới, bị tàn phá nặng nề bởi tất cả các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đã làm được một công trình vĩ đại để tạo cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, ngày càng phát triển đi lên.

-Đúng rồi, đó là thành tích chung của cả tỉnh…

-Phải, trong đó có đơn vị thanh niên tình nguyện huyện tôi là một tập thể điển hình tiêu biểu. Để tôi nhắc lại đôi dòng của bài phát biểu ôn lại kỷ niệm của một nữ thanh niên ngày ấy, nay là Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện tôi cho ông nghe nhé: “…

Làm sao quên được ngày đổ bê tông tại K13, máy trộn bê tông bị hư, vì yêu cầu cấp bách công việc, gần 50 cán bộ, đội viên phải trộn bê tông bằng tay, thay nhau đổ bê tông suốt đêm dưới trời mưa tháng 8; hay như đêm pha đèn xe tải đổ bê tông tại K20, gió mặc gió, mưa mặc mưa, từng đội TNXP tiến về phía trước như hình ảnh TNXP thời chiến lao mình vào chiến dịch, cùng bộ đội tiêu diệt quân thù…”.

Ông biết cầu K13, K20 hay những hệ thống cống qua quốc lộ ở tỉnh mình chứ? Dân công nghĩa vụ địa phương mà làm được những công trình cỡ đó, thì trước nay chỉ có ở tỉnh mình thôi nghen ông! Và cũng vì vậy mà nhiều anh em trong liên đội huyện tôi sau khi công trình hoàn thành thì họ cũng trưởng thành và trở thành các cán bộ quản lý thuỷ nông, có người đứng đầu ngành quản lý thuỷ nông nữa đó. Và bây giờ, đến tuổi hưu mà họ chưa chịu nghỉ, vẫn còn đảm nhận công tác Hội Cựu TNXP để giữ mãi nghĩa tình đồng đội nữa đấy!

BÀN DÂN