Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tạp bút
Một thuở trái rừng
Thứ bảy: 21:38 ngày 26/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày ấy, tôi khoảng 10 tuổi, hè nào cũng được mẹ cho về ngoại chơi dài ngày. Nhà ngoại ở cạnh khu rừng chồi có dây gùi, chùm đuông, nhãn lồng, nhãn rát và có cả con “quýt tàu”- một loại bọ cánh cứng cỡ bằng ngón tay trỏ màu xanh rất đẹp.

Những ngày cuối tháng năm, trên vỉa hè phố chợ có một người bán trái cây rừng. Ðó là gùi và chùm đuông. Có vài người ghé mua, hỏi giá, ai cũng giật mình vì giá khá cao.

Thấy ai cũng ngạc nhiên về giá cả, chị bán hàng vui vẻ: “Nhà tui ở Tân Biên, vợ chồng tui ngày nào cũng vô rừng lục lạo mới có một ít trái này. Nghe người ta nói ở Campuchia có rất nhiều nên hỏi thăm và qua tận bên đó mua về bán.

Sau này quen, chỉ cần đặt hàng là người ta mang đến tận nhà. Vợ chồng tui chia nhau người bán chỗ này, người bán chỗ kia. Như bữa nay tui bán ở Gò Dầu, ông xã tui bán ở cửa số 2 Toà thánh. Ngày mai tui bán ở chợ phường 3, thành phố Tây Ninh thì ổng bán ở Trảng Bàng…”.

Thật ra, những loại trái rừng này, người cỡ U70 như tôi quá quen thuộc. Bởi chúng mọc nhiều ở các khu rừng nguyên sinh thuộc miền Ðông Nam bộ hay những cánh rừng chồi rải rác khắp nơi trong tỉnh Tây Ninh.

Trước kia, ở các chợ vùng quê bày bán rất nhiều những loại trái cây này. Với tôi, trái gùi và chùm đuông là hai loại tôi thích nhất, nó đã gắn bó cả một thời tuổi thơ của tôi.

Ngày ấy, tôi khoảng 10 tuổi, hè nào cũng được mẹ cho về ngoại chơi dài ngày. Nhà ngoại ở cạnh khu rừng chồi có dây gùi, chùm đuông, nhãn lồng, nhãn rát và có cả con “quýt tàu”- một loại bọ cánh cứng cỡ bằng ngón tay trỏ màu xanh rất đẹp.

Lần nào vừa về đến bậc cửa, ngoại đã gọi cậu út mang ra nào là rổ gùi chín vàng tươi, chùm đuông màu nâu đen bóng trông rất bắt mắt. Trái gùi khi già, chín to nhất cũng chỉ bằng quả trứng gà ta màu vàng tươi, vỏ mỏng, bẻ ra phần ruột bên trong có từng múi như măng cụt.

Trái gùi chín có vị chua chua ngọt ngọt rất đặc trưng. Lần nào ăn gùi ngoại cũng dặn: “Gùi có mủ (nhựa), con nhớ lột vỏ, lận múi gùi lên rồi hãy cắn vào kẻo mủ dính môi”.

Gùi chưa chín hoặc còn non có rất nhiều mủ, chát, hơi đắng, không ăn được. Nhưng với bàn tay khéo léo và tài nội trợ của ngoại, nó trở thành món khoái khẩu của tôi. Ðó là món gùi muối. Trái gùi sống (không non cũng không già quá) ngoại bỏ vào thau nước rửa sạch.

Kế đến, ngoại cắt lát 2 đầu trái gùi cho mủ tươm ra rồi bỏ vào thau nước muối, dạo đi dạo lại nhiều lần cho hết nhựa, vớt ra rổ để thật ráo. Sau đó cho gùi vào khạp (khạp to, nhỏ tuỳ số lượng gùi), đổ nước muối nấu sôi để nguội vào lắp xắp. Lấy vỉ tre gài trên mặt cho gùi không nổi trên mặt nước. Khoảng 5 ngày đến 1 tuần là có thể dùng được.

Tôi còn nhớ ngoại kể có bài vọng cổ “Trái gùi Bến Cát” rất hay. Nội dung bài ca nói về bà mẹ nghèo tên Nhành, đi mua bán đường dài trên chuyến xe lửa Sài Gòn-Lộc Ninh để kiếm sống. Khi về, chị thường mua cho các con mấy xâu gùi.

Một hôm cũng đi bán về, chẳng may chị Nhành bị xe lửa cán chết, trên tay còn nắm chặt xâu gùi. Ngày nào cũng vậy, con chị chờ nghe tiếng còi xe lửa là chạy ra đón mẹ để nhận lấy xâu gùi. Lần này chị không còn nữa, con chị trở thành những đứa trẻ mồ côi...

Còn trái chùm đuông mọc thành từng chùm. Khi còn sống có màu xanh, chín có màu nâu đen, ăn vào vị ngọt hơi chua. Ăn nhiều, răng và lưỡi bị nhuộm màu tím xanh. Lần nào ăn chùm đuông, tôi cũng nghe cậu út đọc câu ca quen thuộc: “Rủ nhau đi bẻ chùm đuông/ Chùm đuông hổng có dắt luôn vô rừng…” thật là vui.

Với tôi, trái rừng là cả một vùng trời tuổi thơ không bao giờ quên được. Thế nên, sáng hôm ấy gặp người bán gùi và chùm đuông, tôi như tìm thấy tuổi thơ. Dù giá có hơi đắt nhưng tôi vẫn quyết định mua mỗi loại một ít về cho con cháu biết các loại trái cây rừng.

Cầm bịch trái cây trên tay, tôi nâng niu như trứng mỏng, hăm hở mang về nhà. Vừa tới cổng, tôi gọi to: “Nội có quà đây! Mấy đứa đâu! Nội có nè…!”.

Khi tôi đưa bọc trái cây và giải thích: “Ðây là trái gùi, đây là trái chùm đuông…”, chúng nhón tay hái ăn thử rồi buông một câu: “tưởng gì, dở ẹc!” rồi bỏ chạy mất. Tôi hụt hẫng, vì bọn trẻ ngày nay không hiểu được nỗi lòng của người già.

NGUYÊN HẠ

Tin cùng chuyên mục