Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nói tiếp chuyện sáp nhập trường nghề:

Một trường, ba cơ sở 

Cập nhật ngày: 06/10/2019 - 22:53

BTN - Khoảng cách giữa 3 điểm trường khá xa, địa bàn rộng, vì thế công tác quản lý của các phòng, khoa, bộ môn- đặc biệt là ban giám hiệu không được thường xuyên hằng ngày. Khi tập trung về một điểm là trụ sở chính của Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh, một số giáo viên, học sinh, sinh viên phải đi lại xa hơn so với trước khi sáp nhập.

Trong giờ học ở Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh.

Thông tin mới nhất về thực hiện chủ trương sáp nhập trường nghề cho thấy, việc “nhất thể hoá” Trường trung cấp Nghề khu vực Nam Tây Ninh và Trường trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật Tây Ninh vào Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh chưa thể thực hiện được. Theo tinh thần này, đầu năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng xong dự thảo đề án sáp nhập các trường này nhưng đến hết tháng 9.2019, lãnh đạo vẫn chưa ký ban hành và triển khai thực hiện.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội- cơ quan được giao chủ trì xây dựng đề án cho biết, việc sáp nhập ba trường thành một trường có đan xen giữa thuận lợi và khó khăn. Về thuận lợi, việc sáp nhập giữa các trường sẽ giảm số lượng đầu mối đơn vị sự nghiệp, đầu mối quản lý, tinh gọn bộ máy, giảm chi ngân sách Nhà nước, góp phần cải cách chính sách tiền lương.

Cũng như vậy, sáp nhập sẽ giúp cho việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục chồng chéo, dàn trải, nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi phát triển có hiệu quả hơn. Cùng với đó còn là sự thống nhất trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo trong các đơn vị trường, không còn chênh lệch trình độ giữa các đơn vị trường; tăng cơ hội học hỏi và chia sẻ giữa các thầy cô.

Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại chưa xác định được trụ sở chính của Trường cao đẳng Nghề sau khi sáp nhập, vì tỉnh có chủ trương di dời Trường cao đẳng Nghề trong thời gian tới. Mặt khác, sau khi sáp nhập, cùng một chương trình đào tạo nhưng thiết bị, máy móc, đồ dùng dạy học của 3 cơ sở lại khác nhau, từ đó chất lượng đào tạo cũng khác nhau. Khoảng cách giữa 3 điểm trường khá xa, địa bàn rộng, vì thế công tác quản lý của các phòng, khoa, bộ môn- đặc biệt là ban giám hiệu không được thường xuyên hằng ngày.

Khi tập trung về một điểm là trụ sở chính của Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh, một số giáo viên, học sinh, sinh viên phải đi lại xa hơn so với trước khi sáp nhập. Các cấp trưởng của 2 trường trung cấp như hiệu trưởng, trưởng phòng, kế toán trưởng, trưởng khoa, trưởng bộ môn sau khi sáp nhập thì rất khó khăn trong việc bố trí chức danh, chức vụ, nếu xử lý không khéo thì tư tưởng của cán bộ, viên chức, giáo viên bị dao động..

Ngoài những thuận lợi và khó khăn trên, quá trình dự thảo đề án có 2 vướng mắc cần có ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (thông tin này đã được đề cập trong số báo Tây Ninh ngày 27.9.2019 nhưng xin một lần nữa được nhắc lại). Thứ nhất, có sự chồng chéo về cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thành lập và chồng chéo về cấp quản lý chuyên môn.

Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thành lập, quản lý chuyên môn, còn 2 trường trung cấp do UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập, quản lý chuyên môn thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Thứ hai, mục c, khoản 3, Điều 10 của Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14.10.2016 của Chính phủ về việc quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thì thẩm quyền chia, tách, sáp nhập cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nếu là cao đẳng nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét quyết định; còn nếu là trường trung cấp do UBND tỉnh xem xét quyết định.

Vì vậy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh có văn bản xin ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (tháng 6 và 8.2019) nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến trả lời.

Từ thực tế đó, Sở Lao động - Thương binh và xã hội kiến nghị, khi sáp nhập 3 trường thành 1, trụ sở chính Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh là trụ sở hiện tại của Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh. Trụ sở I (cơ sở I) của Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh là Trường trung cấp khu vực Nam Tây Ninh trước sáp nhập. Trụ sở II của Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh là Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật trước sáp nhập.  Giữ nguyên cơ sở vật chất và máy móc thiết bị, đồ dùng dạy học của 2 trường trung cấp nghề sau khi sáp nhập.

Trong giờ học ở Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh.

Về đội ngũ, cơ cấu lãnh đạo trong ban giám hiệu có 4 người, gồm hiệu trưởng và 3 phó hiệu trưởng (phụ trách chuyên môn 3 trụ sở). Khi sáp nhập, cần giải quyết bố trí chức vụ cấp trưởng bao gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, trưởng phòng, trưởng khoa, trưởng bộ môn, kế toán trưởng của 2 trường trung cấp cho hợp tình, hợp lý.

Những người có nguyện vọng về hưu trước tuổi hoặc vì lý do sức khoẻ cũng cần được giải quyết theo nguyện vọng cá nhân. Đề nghị xem xét cho chuyển ngạch viên chức hành chính (như viên chức giáo vụ đào tạo) hoặc nhân viên phục vụ chuyển sang ngạch viên chức giáo viên vì hầu như các cá nhân này đã đủ điều kiện tham gia giảng dạy.

VIỆT ĐÔNG

“Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hoá, hiện đại hoá, có phân tầng chất lượng. Nhà nước tập trung đầu tư một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho các nhóm đối tượng đặc thù phù hợp với khả năng đầu tư của Nhà nước và khả năng huy động nguồn lực của xã hội.

Sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng; giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả. Về cơ bản, trên địa bàn cấp tỉnh chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập. Sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn cấp huyện”- Trích Nghị quyết số 19 năm 2017 của Trung ương Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Tin liên quan
  • Thận trọng khi thành lập trường nhiều cấp học 

    Thận trọng khi thành lập trường nhiều cấp học

    Chủ trương sáp nhập thành trường nhiều cấp học, người đứng đầu ngành Giáo dục khuyến cáo các địa phương không nên quá nôn nóng trong vấn đề này, vì trong một trường có nhiều cấp học thì công tác quản lý bị ảnh hưởng, trong khi chất lượng giáo dục là ưu tiên hàng đầu.


  • Kết quả SXMB nhanh nhất