Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Một vùng non nước Tha La
Thứ bảy: 06:19 ngày 19/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vào các tháng mùa khô có con đập cao su đang hoạt động. Nước phía đầu nguồn suối Tha La đang dâng đầy, trắng xoá cuối trời xa. Tôi đã từng nghe đến con đập cao su này, có từ thời bà Dương Thị Thu Hiền làm Bí thư Huyện uỷ cách nay đã mười mấy năm trời.

Chuyến phà qua bến Cầu Sập, Lòng hồ.

Ở Tây Ninh, hầu như ai cũng biết có đến hai nơi được gọi tên Tha La. Một là họ đạo Tha La. Hai là suối Tha La. Hai nơi ấy lại cách nhau khá xa. Họ đạo ở xã An Hoà, thuộc huyện Trảng Bàng, địa đầu phía Nam của tỉnh.

Còn suối Tha La lại ở trên huyện Tân Châu, địa đầu phía Bắc của tỉnh; trước năm 1989, nơi này còn thuộc huyện Tân Biên, nơi có những cánh rừng bạt ngàn cho cách mạng làm căn cứ địa.

Tha La xóm đạo thì nổi tiếng quá đi rồi, nhờ bài thơ của Vũ Anh Khanh, viết khoảng năm 1949. Ðây là quang cảnh một xóm Tha La có trái ngọt cây lành.

Nhưng “Giữa mùa nắng vàng hanh/ Ngậm ngùi Tha La bảo: Ðây rừng xanh, rừng xanh/ Bụi đùn quanh ngõ vắng/ Khói đùn quanh nóc tranh/ Gió đùn quanh mây trắng/ Và lửa loạn xây thành…” (theo Trảng Bàng phương chí- Vương Công Ðức).

Cũng sách này, tác giả giải thích danh từ Tha La, rằng: “Gốc là psa- la, có nghĩa là chòi trại của thày sãi Cao Miên…”. Ðấy là từ thời xa xưa. Còn sau này, Tha La có nghĩa rộng hơn là những ngôi nhà nghỉ chân của các phum, sóc Khmer dành cho khách lỡ độ đường. Bà con thường chọn nơi dựng Tha La ở ven đường bộ (hoặc bên suối), nơi có cảnh quan đẹp đẽ thể hiện tấm lòng mến khách.

Vậy thì tôi cũng tạm đoán rằng bên suối Tha La cũng từng có những nếp nhà sàn, hoặc của sư sãi hoặc cho những thợ rừng nghỉ tạm. Còn gì hơn, sau cả ngày lội suối xuyên rừng, những vị lãng khách ấy nổi lửa nấu cơm, nướng thịt săn được dưới nếp nhà sàn bên bờ suối vắng. Có phải suối Tha La đã từng như thế những ngày xa?

Tôi cũng đã từng đến được vài nơi trên ngọn nguồn suối Tha La. Như cầu Bổ Túc bắc qua suối Bổ Túc chạy cắt ngang đường 794 đi Bình Phước. Rồi các con suối Nước Trong, Nước Ðục cũng xuôi về đổ nước xuống Tha La.

Nhớ cả chiếc hồ lớn bao la kề cận nhà máy đường Nước Trong như một vùng mênh mông đầm phá đầu nguồn của con suối Nước Trong kia nữa. Và cứ thế mà Tha La xanh trong hay trắng xoá hăm hở chạy về xuôi để góp nước cho Lòng Hồ- công trình vĩ đại nhất tỉnh Tây Ninh dưới thời cách mạng.

Ðấy là hồ thuỷ lợi  chứa khoảng 1,5 tỷ mét khối nước- là nguồn sống cho con người và sinh vật không chỉ ở Tây Ninh mà cả vài tỉnh, thành khác của miền Ðông Nam bộ, trong đó có cả TP. Hồ Chí Minh mười mấy triệu dân.

Bạn có thể chưa tin lắm vào từ ngữ tôi dùng: trắng xoá. Thì hãy lên ngay đi và tới đập Tha La ở ngay đầu thị trấn Tân Châu. Vào các tháng mùa khô có con đập cao su đang hoạt động. Nước phía đầu nguồn suối Tha La đang dâng đầy, trắng xoá cuối trời xa.

Tôi đã từng nghe đến con đập cao su này, có từ thời bà Dương Thị Thu Hiền làm Bí thư Huyện uỷ cách nay đã mười mấy năm trời. Nhưng đến hôm nay mới được “diện kiến” cái khối hình căng tròn đang “chình ình” chắn ngang làm thành con đập.

Ðập chặn dòng giữ nước, nhưng vẫn cho một lượng nhỏ nước tràn qua. Và làn nước ấy đã trở thành một con thác bạc, như ai đã đưa một phần hình ảnh những thác nước Cam Ly hay Bản Giốc đem về. Qua thác, nước vẫn xôn xao, ríu rít bên những trụ cầu Tha La trước khi hoà vào nước lòng hồ Dầu Tiếng.

Nhìn ngược lên phía thượng nguồn, nước mênh mông như biển. Bờ phía Ðông dằng dặc cao su như bức trường thành. Bờ Tây đã là thị trấn, cây cối cửa nhà sinh động hơn.

Vậy là suối Tha La, không chỉ góp một phần mình vào công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng, mà còn góp cho huyện nhà một chiếc hồ riêng cũng đầy ắp nước. Ðể rồi đây, khi quy hoạch thị trấn được thực hiện, chắc hẳn sẽ có một danh xưng riêng là thị trấn ven hồ.

Bên phía lòng hồ Dầu Tiếng, hồ nước sinh động bập bềnh những mảng xanh, không rõ là đảo nổi hay những mảng lục bình, rau xanh trôi nổi. Có cả bến thuyền trên một doi đất nhô ra. Vỏ lãi nằm chờ cả đám.

Xa xa là những cụm bốn cọc tre để ngư dân giăng một loại vó có tên riêng là lưới chồ, thấy nhiều ở các địa phương nổi tiếng miền Trung như phá Tam Giang hay Cửa Ðại, Hội An.

Vào một lúc nào đó trong ngày, những tấm lưới sẽ được dây tời kéo lên, chung chiêng trên bốn cọc tre lênh khênh ấy mà đón nắng. Có vẻ như nơi này cũng có nhiều tập quán làm ăn của người trong cả nước. Thảo nào trong thị trấn có ngôi chùa An Lạc, mà từ cung cách bài trí, tu hành cho đến đạo tràng phật tử y như những ngôi chùa ở Huế, miền Trung…

Tha La còn một gương mặt khác khi đã nhập vào với Lòng Hồ rộng lớn. Chỉ xuôi xuống vài cây số nữa, là đã không còn ai nhận ra đấy là dòng suối, mà đã như một dòng sông lớn như sông Tiền, sông Hậu dưới miền Tây.

Dường như đã sắp được gặp gỡ các bạn bè cùng sinh ra trên vùng đất như Suối Dây, Suối Ngô, Suối Bà Chiêm… nên tâm hồn nước cũng hân hoan mà dậy sóng. Muốn gặp gương mặt tràn đầy hứng khởi ấy, thì tìm đường tới bến đò Cầu Sập trên đất xã Tân Hưng.

Qua bên kia là ấp 6, xã Suối Dây. Trên đường 785 từ TP. Tây Ninh đi lên, qua cầu kênh Tân Hưng 3km sẽ gặp con đường rẽ trái vào ấp Tân Long. Thêm gần 4km nữa sẽ tới bến đò, mà thực ra đã là một chiếc phà con nhẫn nại chở được khoảng mươi người cùng xe máy.

Cuối tháng 4 đang mùa dỡ đậu phộng. Nên dễ dàng bắt gặp cảnh người ta đang túm tụm từng đám đông bên ruộng dọc đường. Dỡ đậu bây giờ cũng có vẻ thanh nhàn. Với những chiếc dù che xanh đỏ phấp phới trên cánh đồng loá nắng.

Cũng đã có dàn ống tưới phun xoay với hệ thống ống nước giăng dọc ngang trên rẫy ruộng ấp Tân Long. Ðường xuyên ngang ấp tới bến phà cũng là đường trải đá nhựa phẳng phiu. Nhưng mất đến một nửa đoạn đường ra bến là oằn mình trong bụi, cát. Lầm lũi chạy giữa bụi mờ là những chiếc xe ben.

Thì ra bến Cầu Sập có cả một công trường đang khai thác đất và cát. Cả một vùng triền hồ đang tấp nập. Năm bảy chiếc máy đào đang ngoạm nốt những mảng đất còn màu xanh cỏ. Ðể bới và xúc lên từng gàu lớn đất cát nâu, đổ cho hàng loạt xe ben tới tấp ra vào.

Ngay bờ hồ, lại là những đống cát trắng, cát vàng vun có ngọn. Có những đống đã bạc màu vì khô dưới nắng. Lại có những đống mới từ sà lan chuyển vào, còn đẫm nước Tha La và tươi nguyên một sắc sậm vàng. Tới tấp là ghe tàu chở máy móc và chở cát ra vào. Thì ra, suối Tha La thơ mộng những năm nào còn là một mỏ cát giúp con người xây dựng cửa nhà, đô thị.

Tôi cũng mới vừa được biết hình ảnh thơ mộng năm xưa của suối đoạn có bến phà sang. Qua lời một người đàn ông chạy chiếc xe Honda tầm tã xuống phà. Trong khi chờ đợi trong một quán lá xập xùi trước bến, ông đã kể về những kỷ niệm của con đường này trước khi Lòng Hồ tích nước vào năm 1985.

Những năm ấy, suối Tha La còn nhỏ nhưng chan chảy hiền hoà giữa những tre pheo và tán rừng cây cao bóng cả. Suối có một cây cầu sắt bắc qua, cho dân hai xã Suối Dây, Tân Hưng đi lại, đi qua. Rồi có một thời sự nghiệp khai phá rừng hoang hăm hở. Những chiếc xe be chở gỗ liều mạng vượt cầu. Cầu sập và sự kiện ấy đã thành tên gọi cho bến đò thay thế tới ngày nay. Thấm thoắt đã trôi qua hơn ba mươi năm.

Công trường khai thác này sôi động đến nỗi đã làm mất cả bến phà lên xuống. Khách đi qua phải đợi cách bến độ ba trăm mét. Khi có phà tới, người chủ mới lên gọi. Thế là những chiếc xe máy cứ trặt trẹo lăn giữa cát mà xuống bến. Chuyến tôi đi chỉ có 8 người và xe máy. Người lái phà vặn vô-lăng cho phà rời bến. Thế là con phà nhỏ nhoi, lại càng nhỏ bé giữa mênh mông…

Ðập cao su Tha La.

Có nhạc sĩ đã viết một bài ca về “con suối La La” nào ấy nhỉ. Sao chưa thấy bài nào về con suối Tha La huyền thoại những mơ màng? Năm xưa, nhạc sĩ Hoàng Việt ở Căn cứ Ðồng Rùm thời kháng chiến chống Pháp, đã từng băng qua suối Tha La để viết nên các bản Nhạc rừng, Lên ngàn nổi tiếng.

Tha La từng âm ỉ chảy trên miền đất căn cứ địa Dương Minh Châu như một dòng suối nguồn trong trẻo nhất. Ðấy là vào năm 1951, khi cách mạng Nam bộ được chia thành hai phân liên khu, miền Ðông và miền Tây Nam bộ.

Trong tác phẩm Cuộc đời và tác phẩm nhạc sĩ Hoàng Việt (Hội VHNT Tiền Giang in năm 1990), nhà thơ Bảo Ðịnh Giang nhớ lại: “Ðược chia cho khoảng mấy héc ta rừng ở suối Tha La… anh em văn nghệ sĩ thay nhau lên đó trỉa bắp, trồng khoai… mỗi người phải đi làm rẫy mỗi tháng 15 ngày…

Hết phiên của mình Hoàng Việt cũng về. Tối hôm đó, anh mang võng sang nằm chỗ tôi ngủ và hát cho tôi nghe hai bài Nhạc Rừng và Lửa Sáng… Không ngờ, trên khoảng đi về giữa suối Bà Chiêm và suối Tha La những ngày phơi lưng cuốc rẫy…

Hoàng Việt đã cho bạn bè, đồng chí của mình những bài hát có sức cổ vũ như vậy. Riêng tôi, tôi cảm ơn Hoàng Việt những hai lần. Một lần với tư cách người nghe. Một lần với tư cách là người phụ trách công tác tuyên truyền trong quân đội thuộc Phân liên khu lúc đó…”.

Và có lẽ, cả Bảo Ðịnh Giang lẫn Hoàng Việt đều không ngờ những ca khúc của mình lại sống lâu và lan toả rộng dài đến thế. Ðến tận thời đại 4.0 mà nhiều bạn trẻ vẫn hừng hực say mê khi hát Nhạc rừng. Có lẽ rồi tác phẩm này cũng lan toả mênh mông như suối Tha La ùa vào sự vĩnh cửu bao la của lòng hồ Dầu Tiếng.

Trước mắt tôi- khi đứng trên chuyến phà qua bến Cầu Sập, là Tha La mênh mông. Xa xa về phía hạ nguồn vẫn nổi lên giữa nền trời nước những dàn cây “rớ chồ”, những vàng lưới vó. Chỉ xao động đó đây những con tàu hay sà lan khẳm cát và máy móc đi qua.

Nhìn lại phía ấp Tân Ðông, thấy “một bờ sông trắng” (thơ Hàn Mặc Tử). Thảo nào mà dân ấp Tân Ðông đang thu xếp nương vườn, đăng ký đất đai để chuẩn bị nhường đất cho dự án điện mặt trời sắp sửa triển khai bên triền hồ, nơi ngày xưa là suối Tha La.

NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục