Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Đề án hướng tới đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo ở 9 xã xây dựng nông thôn mới của tỉnh và xem đây là thí điểm, nếu thành công sẽ mở rộng ra trong những năm tiếp theo. Điều kiện được hỗ trợ là hộ gia đình phải có sức lao động, chí thú làm ăn nhưng thiếu vốn. Thời gian hỗ trợ là 2 năm và hình thức hỗ trợ là cho vay nhưng không tính lãi. Định mức hỗ trợ không quá 20 triệu đồng/hộ tuỳ theo phương án sản xuất, chăn nuôi hay kinh doanh mua bán nhỏ…
Giải ngân cho nông dân xã Trường Tây, huyện Hoà Thành.
Thời gian qua, trong các phong trào, mô hình thi đua chào mừng Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tại tỉnh Tây Ninh, mô hình “Xuất Quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo sản xuất, chăn nuôi tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo một cách bền vững” được đánh giá là khá hiệu quả.
Từ tháng 9.2012, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã xây dựng Đề án “Hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo sản xuất chăn nuôi” trên địa bàn tỉnh với mục đích nâng cao hơn nữa hiệu quả Cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo”, tạo điều kiện giúp người nghèo, hộ nghèo trong tỉnh có việc làm thường xuyên, tăng thu nhập ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.
Đề án hướng tới đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo ở 9 xã xây dựng nông thôn mới của tỉnh và xem đây là thí điểm, nếu thành công sẽ mở rộng ra trong những năm tiếp theo. Điều kiện được hỗ trợ là hộ gia đình phải có sức lao động, chí thú làm ăn nhưng thiếu vốn.
Thời gian hỗ trợ là 2 năm và hình thức hỗ trợ là cho vay nhưng không tính lãi. Định mức hỗ trợ không quá 20 triệu đồng/hộ tuỳ theo phương án sản xuất, chăn nuôi hay kinh doanh mua bán nhỏ…
Sau khi xây dựng Đề án, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức triển khai, thành lập Ban điều hành, tiến hành thẩm định, hướng dẫn các xã lập hồ sơ dự án, tiến hành kiểm tra, khảo sát thực tế các hộ có tên trong dự án từng huyện, xã; báo cáo kết quả kiểm tra, khảo sát và đề xuất giải ngân cho từng dự án…
Bên cạnh đó, MTTQ và Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các huyện, thị tập huấn, hướng dẫn cho các xã điểm nông thôn mới được chọn thực hiện đề án; tổ chức tuyên truyền, bình xét đối tượng được hỗ trợ, lập hồ sơ thủ tục vay vốn…
Với cách làm thận trọng nhưng quyết tâm, sau hơn 1 năm thực hiện, đến nay Ban vận động “Quỹ Vì người nghèo” tỉnh đã giải ngân được 8/9 dự án ở 8/9 huyện, thành phố thuộc tỉnh, gồm 210 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ với tổng số tiền là 4,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, trên cơ sở đề án của tỉnh, Quỹ Vì người nghèo 2 huyện Tân Biên và Gò Dầu đã triển khai được 3 dự án với số tiền là 1,2 tỷ đồng cho 60 hộ nghèo ở các xã điểm nông thôn mới của huyện vay.
Hiệu quả bước đầu rất đáng mừng. Qua kiểm tra thực tế ở 4 xã đã giải ngân trong năm 2013, trong 115 hộ được vay với tổng số tiền là 2,2 tỷ đồng có 82 hộ vay chăn nuôi trâu bò, gà, cá, cút; 11 hộ vay sản xuất các loại cây trồng như mì, tiêu, cây cao su giống, cây kiểng; còn lại vay mua bán nhỏ lẻ…
Theo ước tính sơ bộ, sau 1 năm sử dụng nguồn vốn vay này, lợi nhuận tăng thêm ước khoảng trên 1,5 tỷ đồng. Cụ thể, xã An Hoà, huyện Trảng Bàng- từ 500 triệu đồng vốn ban đầu, đến nay ước khoảng 900 triệu đồng; xã Trường Tây, huyện Hoà Thành- từ 500 triệu đồng vốn vay, đến nay ước khoảng 800 triệu đồng; xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên- từ vay 600 triệu đồng đến nay ước khoảng 1 tỷ đồng; xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu- từ vay 600 triệu đồng đến nay ước khoảng 800 triệu đồng.
Cá biệt có một số hộ sau 1 năm, nguồn vốn hiện đã tăng gấp đôi nguồn vốn vay ban đầu. Cụ thể như hộ Kim Quang- người dân tộc Chăm ở ấp Thạnh An, xã Thạnh Bình (Tân Biên), từ nguồn vốn vay 20 triệu đồng và được cha mẹ hỗ trợ thêm 4 triệu đồng mua 2 con bò cái, đến nay sinh được 2 bê con, giá trị tài sản ước khoảng trên 60 triệu đồng.
Những hộ Tống Thị Huyện, Phan Văn Hải, ngụ ấp Hoà Hưng, xã An Hoà (Trảng Bàng); hộ Nguyễn Minh Quân, ấp Trường Huệ, xã Trường Tây (Hoà Thành)… cũng sử dụng nguồn vốn vay mua bò cái, nay đã có bò con.
Đối với những hộ vay sản xuất, chăn nuôi gà, cá, chim cút, mua bán nhỏ lẻ…, tuy hiệu quả không bằng chăn nuôi trâu, bò nhưng cũng đã mang lại lợi nhuận khá, khả năng thu hồi vốn cũng như thoát nghèo rất khả thi.
Việc hỗ trợ vốn ở 4 xã trên đã tạo việc làm ổn định cho trên 140 lao động ở nông thôn, giúp các hộ nghèo, cận nghèo tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và khả năng thoát nghèo khá cao, góp phần cùng các xã thực hiện hoàn thành tiêu chí số 10, 12 của bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
NGUYỄN NHIẾM