Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mùa hè tuổi thơ
Thứ bảy: 20:35 ngày 04/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm đó thằng Út mới tròn tuổi, một đêm ngủ dậy, cả nhà không thấy mẹ đâu. Mẹ một đi không về. Ba thằng Hải điếng người, tắt tiếng một thời gian và không bao giờ nhắc tới cụm từ tham sang phụ khó nữa.

Mẹ đi. Nhà còn một mớ đàn ông, nhưng mỗi ba là lao động chính. Ông nội đã sém trăm tuổi, còn anh em thằng Hải đều trong độ tuổi đến trường - tuổi ăn tuổi ngủ. Thằng Hải là anh cả, cũng chỉ học lớp 10. Lớp 10 chưa lớn cũng không nhỏ, nhà đang cần tiền. Mấy năm sau, ba giao ông nội, giao em, giao nhà cho thằng Hải rồi bỏ xứ đi làm ăn xa, hằng tháng gửi tiền chợ về.

Hải trở thành quản gia. Cuộc sống, có những chuyện tưởng không thể nhưng khi gặp tình huống cuối cùng thì không thể cũng thành có thể. Việc nhà bời bời nhưng Hải cắt đặt đâu ra đó. Hai thằng em đứa học lớp 6 và 1, Hải chia đứa lớn chăn dắt đứa nhỏ, phần Hải lo cho ông nội và quản lý chi tiêu, cơm nước.

Ông nội hom hem, sau mấy bận đau khớp hai chân teo nhỏ như que tăm, không đi lại được. Tới bữa cơm, lọm khọm ngồi dậy ăn, đổ tháo. Hải đem cái bô bỏ sát giường, ông nội bảo bỏ xa một chút cho đỡ hôi, ông sẽ có cách. Nội lết tới hả? Không được! Hải nói không sao, ông đừng ngại gì hết. Dù có lẫn vì tuổi tác thì ông cụ cũng chảy nước mắt khi thấy cháu vụng về nuôi một ông già bệnh tật. Cụ giận thần chết giả điếc, không nghe tiếng gọi của mình.

Nhà giống cái chòi rách, nằm cheo veo bên mé đồi. Hoàn cảnh “siêu khó” nhưng Hải và em chưa bao giờ bỏ học, không bỏ buổi nào. Hải đến trường trong bộ dạng “áo vũ cơ hàn”. Học sinh cấp ba nhưng mặc quần bị hỏng phéc-mơ-tuya.

Quần xanh áo trắng ngả màu, nát như tương. Cái cặp không gài lại được nên ngăn nào cũng hả mỏ, mang cặp đi phải lấy tay bệ. Đôi giày đến trường y chang đôi giày người ta vứt ngoài bãi rác. Đầu năm, cô chủ nhiệm dẫn đi mua quần áo, giày vớ, cặp viết, Hải mừng nhảy cẫng, ôm bộ đồ mới chặt khừ, vui không thể kìm được tiếng cười ha ha.

Hải chăm học, có điều học nhiều nhớ ít. Ham học nhưng tối bụng nên thường phát biểu dông dông. Hay nói leo, chất vấn cô/thầy trong giờ học, toàn những câu hỏi không nhập nhĩ. Mỗi lần Hải nói cái gì, cả lớp đều bụm miệng cười, sợ nên dặn thầy cô đừng bận tâm tới nó. Nó khùng khùng vậy á! Đừng nói vậy, mang ác! Hải như vậy nên thầy cô và cả lớp, thương không hết có đâu mà giận.

Không thương sao được, để vô lớp lúc bảy giờ, Hải phải đi chợ sớm. Tiêu chuẩn mỗi bữa cho bốn người là hai mươi ngàn. Hai mươi ngàn trong khi thịt đắt, rau đắt, Hải phải rối đầu tính toán. Cả chợ, ai thấy cậu học trò tèm hem, mang ba lô sau lưng, trán nhíu lại sau một hồi tính toán rồi xách rau bí đi học đều phải xót xa. Nhìn tướng đã thấy tội.

Ốm nhom, bước đi cứ chúc đầu về phía trước như không dám nhìn ai. Đi học, đạp chiếc xe cũ mèm, móc trước cổ túi đồ ăn. Học trò nghịch như quỷ, nhưng túi đồ ăn có bịch chè nhỏ ngoài nhà xe, sau buổi học vẫn còn nguyên.

Cuộc sống tưởng đã yên lành trong khổ sở. Ai ngờ buổi sáng hôm ấy không thấy chiếc quần xanh áo trắng nhíu trán chúc đầu về phía cổng chợ nữa, chỗ bàn đầu đối diện bàn giáo viên có một chỗ ngồi bị bỏ trống. Hải đâu? Bỏ học đi làm rồi.

Khổ quá mà. Phải chi lá mít sau vườn có thể biến thành tiền. Phải chi uống nước mà no. Xóm có nhiều đứa bỏ học xuống phố bán vé số, ăn xin, chắc rủ Hải đi cùng rồi? Thi xong rồi nên nghỉ? Tuyệt đối không, chưa bao giờ Hải làm như thế, ốm rề rề cũng lết tới trường mà. Nhưng đã vắng học hai hôm rồi.

Giáo viên chủ nhiệm tới nhà. Hải đã đưa em trai vào bệnh viện. Mấy rày thằng út cứ mẩn ngứa, Hải đè ra, đổ dầu bết người. Ngứa đã rồi bóc da ra mảng mảng, bóc lộ cả lớp thịt non, Hải thấy tay chân em bong như rắn bèn dẫn em đi khám. Khám bệnh cho em xong, Hải bỏ học luôn.

Em nằm viện điều trị, Hải vừa chăm em vừa đi bán vé số với một đứa trong xóm. Đi các phòng trong bệnh viện rồi lê la ra đường phố. Cô giáo chủ nhiệm tìm xuống bệnh viện thăm, Hải khóc. Cô giáo đi tìm nguồn hỗ trợ cho trò. Nhận được sự giúp đỡ, Hải khóc to hơn. Nhưng cô giáo cũng chẳng thể giúp em được nhiều hơn.

2. Ông Bảy Lửa trở về sau ba mươi năm lăn lộn trên đất khách. Mọi người gọi ông là Việt kiều, dùng kính ngữ chứ không dám gọi tên cúng cơm. Nhưng ông la, ông không cho gọi bằng kính ngữ. Đáng vai gì gọi nấy - ông chỉ tay vào ngực cười ha ha. Cứ như phép cũ mà xài, đừng thay sửa gì hết, phiền phức.

Gọi Bảy Lửa, vì tính ông nóng còn hơn lửa. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa. Nay ông nguội rồi, nguội hẳn. Để có cuộc đổi thay 180 độ đó, ông đã phải trả một cái giá đắt đỏ. Trả xong, cũng như bước qua cơn lầm mê. Ông phản tỉnh. Buộc chỉ cổ tay mà nhớ, lúc nóng có thể nói nhưng cấm được làm gì.

Hồi mới cưới vợ, vợ chồng chưa hiểu nhau nhiều, có lần ông đi nhậu qua đêm, về bị vợ cử cẳng, ông nổi điên chố bạt tai. Lỡ tay, vợ cắm đầu, sẩy thai. Hồi đó, ông Bảy hừng hực muốn nhanh nhất thành tựu hoá giấc mơ trai trẻ.

Như con ngựa bất kham, ông khó lòng với ý nghĩ yên bề gia thất. Sau một thời gian dưỡng bệnh, vợ mới hoài thai lại và sinh con vuông tròn, cần chồng đỡ đần. Nhưng vợ đẹp con xinh không níu được đôi chân hải hồ. Ở yên một chỗ, ông cứ cồn cào ruột gan, cảm giác đang mang tội với tuổi trẻ, cái tuổi động lòng bốn phương. Ông đẩy nhanh mấy con đò, bán ruộng đất, lao vào kinh doanh.

Ngược xuôi nhiều bận. Khởi đầu đầy tiềm năng, ông cược một vố lớn. Trắng tay! Vợ ôm chân, năn nỉ ở nhà làm ruộng nuôi bò, thủ dẻo thua nhì. Nhưng không cam tâm cuộc đời an phận, ông đi vào rừng tìm vàng.

Ngập chìm ở vùng rừng thiêng nước độc, đào được ít vàng và đem bệnh về. Những cơn nóng lạnh hành hạ một thời gian, người ngợm xanh lè. Số tiền kiếm được, ông lại đem đi kinh doanh. Sau có người chỉ dẫn, ông xuất ngoại với tờ kết hôn giả, nhưng qua tới đất Mỹ từ giả lại biến thành thật. Kết quả, gia đình tan đàn xẻ nghé.

Ông rời đi khi đứa con trai của ông mới lọt lòng, ở với mẹ bây giờ cũng là chủ một cơ sở kinh doanh nhỏ. Ông từ Mỹ về tìm, muốn tài trợ cho con mở cơ sở làm ăn hoành tráng. Con trai từ chối. Nói: Những mùa hè không có cha, con đã vật vã cùng nỗi cô đơn của mẹ. Cha không nợ tiền. Cha nợ con những mùa hè! Câu nói của con quả ám ảnh.

3. Ông Bảy Lửa gác kiếm. Về quê, chọn mua miếng đất rộng rãi giáp núi, xây một căn nhà nho nhỏ, như nhà của một người có thu nhập đủ sống. Con trai không ghét bỏ, cũng không thân mật - ông chấp nhận như cái giá đương nhiên. Ông chọn niềm vui đi làm thiện nguyện.

Lao vào công việc rồi mới biết, quê mình còn nhiều người khó khăn quá. Giúp hết, không thể. Ông chọn giúp những đứa trẻ - những đứa trẻ không có mùa hè.

Ông tìm đến khu nhà của mấy đứa nhỏ mùa hè bỏ núi xuống phố bán vé số, ăn xin. Ông dẫn về tận nhà, giáp mặt người thân, trao số tiền ủng hộ và dặn đừng vì khó khăn nhất thời mà đánh mất tuổi thơ con - tuổi thơ thần tiên mà mỗi cuộc đời chỉ có một. Mỗi lần giúp một đứa trẻ thiệt thòi, ông thầm cảm ơn vì chúng đã giúp ông chuộc tội với tuổi thơ con. Trong trường hợp này, làm ơn cũng đồng nghĩa nhận ơn.

Hoạt động tích cực, tận tâm, ở vùng biên địa này, ông Bảy Lửa là cái tên được nhiều người biết - đặc biệt là người nghèo. Người ta chỉ ông đến phòng bệnh có hai anh em cần hỗ trợ. Ông Bảy Lửa đến liền. Biết hoàn cảnh, ông tìm đến tận nhà.

* * *

Ngay sau đó một tuần, người ta thấy chỗ ngôi nhà như cái chòi rách được tháo dỡ, đào móng. Ông cụ mắt mờ chân teo và đứa cháu nhỏ được đến ở trọ trong một ngôi nhà đàng hoàng ở gần đó. Cùng lúc đó, Hải cũng chỉ ở bệnh viện chăm em chứ không đi bán vé số nữa.

Khi ngôi nhà mới được xây xong, cậu em bị viêm da cơ địa cũng hết bệnh, Hải đưa em về. Ánh mắt của những đứa trẻ sáng rực khi ông Bảy Lửa quyết định sẽ hỗ trợ cho ba anh em Hải được vui chơi hết hè. Còn học, ông sẽ tài trợ đến khi nào anh em Hải không muốn học nữa mới thôi.

N.T.B.N

Tin cùng chuyên mục